Thursday, July 24, 2014

Tạp Ghi Quỳnh Giao / Phạm Xuân Đài

Khi chúng ta đọc một tác giả viết bài trên báo, mỗi tuần một bài chẳng hạn, thì cảm nhận của chúng ta về từng bài báo đó khác hẳn khi tất cả các bài được gom lại và in thành một cuốn sách. Nếu mỗi bài trên báo coi như một chiếc đũa, đến khi được chọn lựa để tất cả nằm trong một cuốn sách thì đó là một bó đũa, và lúc bấy giờ chúng sẽ gây một sức mạnh áp đảo người đọc, và thái độ khi đọc của chúng ta phải đổi khác.

Đây là cuốn sách dày 415 trang, viết về âm nhạc. Khi đọc thì vẫn là đọc từng bài ngắn với cách viết mà tác giả gọi là tạp ghi, nhưng tôi vẫn không khỏi có cảm giác là mình đang nắm trong tay một tổng thể rất hùng mạnh. Nó mang một giá trị rõ rệt về tài liệu và cả về văn học.

Càng ngày âm nhạc càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống của chúng ta. Có thể nói ai trong chúng ta cũng nghe nhạc cả, thế giới âm nhạc hiện nay thật phong phú và mênh mông, nhất là với phương tiện nghe nhìn càng ngày càng tân tiến và phổ cập. Dịch vụ sản xuất ra âm nhạc biến thành một kỹ nghệ lớn, cả xã hội là kẻ thụ hưởng sản phẩm của họ. Riêng người Việt Nam thì cả trong nước và ngoài nước hầu như không thể sống mà thiếu âm nhạc. Thế nhưng đại đa số chúng ta chỉ nghe nhạc với đôi tai, nặng về cảm tính, chúng ta thích thú vì nghe nó “hay”, thế là đủ. Thì cũng đúng thôi, âm nhạc vẫn được hiểu là một bộ môn để giải trí, nó làm cho tâm hồn chúng ta thư giãn hoặc rung động nhẹ nhàng khi nghe được những âm thanh đẹp để diễn tả những nét tình cảm nào đó. Nhưng hình như chúng ta quên một điều: nếu ta hiểu sâu hơn, có kiến thức nhiều hơn về cái mà ta đang thưởng thức thì sự cảm nhận sẽ phong phú, đẹp đẽ hơn nhiều. Nhớ ngày xưa trước 1975 nhiều thính giả của đài phát thanh Sài Gòn mê chương trình Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn thì không chỉ đơn giản vì chương trình đó chọn lọc nhiều nhạc hay, mà chủ yếu là nhờ người dẫn chương trình hay. Và dẫn chương trình đây là gì? Là giảng giải về bản nhạc, để người thính giả hiểu rõ hơn về tính chất của âm nhạc và giọng hát sắp nghe, và khi hiểu rõ hơn thì sự thưởng thức sẽ thấm thía gấp bội. Sự hiểu biết nó quan trọng đối với thưởng ngoạn là như vậy. Quay lại đời sống trong cái xã hội nho nhỏ là người Việt tị nạn hiện nay, rõ ràng chúng ta rất thiếu thốn nguồn cung cấp kiến thức tin cậy được, trong khi nguồn cung cấp âm nhạc thì ngày càng nhiều, có thể nói là quá nhiều.

Giữa tình hình như vậy, tôi nhìn cuốn Tạp Ghi của Quỳnh Giao như một đáp ứng cần thiết cho sự thiếu thốn của chúng ta. Dĩ nhiên đó không thể là một đáp ứng toàn diện và đầy đủ cho những gì chúng ta cần – trong cái mênh mông của thế giới âm nhạc hiện nay, chẳng có thiên tài nào có thể bao biện hết mọi chuyện được – nhưng tôi có thể nói mà không sợ sai lầm, là cuốn sách này sẽ giúp chúng ta biết được một phần đáng kể về vốn liếng của nền tân nhạc Việt Nam và một số khuôn mặt lừng lẫy của âm nhạc thế giới. Trong bài này chúng tôi sẽ chỉ đề cập đến phần nhạc Việt Nam của cuốn sách, mặc dù phần viết về những danh tài nhạc thế giới rất phong phú, cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin đặc biệt về các tài năng và biến cố âm nhạc quan trọng quốc tế.

Tác giả Quỳnh Giao đã được nuôi dưỡng trong giai đoạn trưởng thành của nền tân nhạc Việt Nam, đã được học hành đến nơi đến chốn trong trường Quốc Gia Âm Nhạc của Việt Nam Cộng Hòa, đã đậu thủ khoa khi ra trường, đã sống trọn vẹn trong môi trường âm nhạc từ trong gia đình ra ngoài xã hội, từ nhỏ đến lớn, từ trong nước ra hải ngoại. Cộng thêm khả năng dồi dào về văn học, có thể nói cho tới giờ phút này, ít có ai có được những thuận lợi để viết về âm nhạc Việt Nam trong thời kỳ của mình hơn là Quỳnh Giao. Nhưng tác giả không viết những đại luận hay những tiểu luận về âm nhạc, mà chỉ chọn thể loại tạp ghi, là một thể loại tương đối tự do, và tôi cho chính đây là lựa chọn rất đúng, tạo nên thế mạnh của cây bút này. Là con của ca sĩ lừng lẫy Minh Trang, lớn lên trong gia đình của đôi nghệ sĩ nổi tiếng Dương Thiệu Tước-Minh Trang, lại tham gia vào thế giới âm nhạc từ thủa bé, Quỳnh Giao đã tích lũy không biết bao nhiêu là kỷ niệm, bao nhiêu là quen biết và bao nhiêu là kiến thức về các nhạc sĩ, các ca sĩ, về các tác phẩm và các sinh hoạt âm nhạc đủ loại của suốt thời gian sống còn của miền Nam. Đọc các ghi nhận về từng người nhạc sĩ, từng ca sĩ, từng bài hát của cả một nền âm thanh của Việt Nam Cộng Hòa, người ta mới thấy tác giả đúng là một cuốn tự điển sống về cái thế giới ấy, một cây bút đầy thẩm quyền không chỉ vì sự hiểu sâu biết kỹ, mà còn vì khả năng diễn đạt bằng văn chương những chỗ uẩn áo của âm nhạc phát tiết ra nơi từng người nghệ sĩ, dù là người sáng tác, người trình diễn hay có khi chỉ là người viết hòa âm. Với những tích lũy nặng về tình cảm từ chỗ quen biết trong cuộc sống chứ không phải với cung cách học giả về âm nhạc, cách viết theo lối tạp ghi, tức là biết gì nói nấy, cảm thế nào trình bày ra như thế theo ký ức của mình, tôi cho là thích hợp nhất, vì nó thân mật, linh động và thành thật. Những đặc tính ấy khiến người đọc bình thường thích thú và lãnh hội được nhiều hiểu biết hơn là những biên khảo khô khan. 

Nhưng những gì Quỳnh Giao đã tích lũy được không chỉ là kỷ niệm, mà còn là kiến thức và văn tài. Không hiểu và cảm thấu đáo, không mang cái tài hoa của một tâm hồn thông suốt các âm điệu cổ kim, thì làm sao có thể viết những dòng thế này về Văn Cao:

Buồn Tàn Thu được yêu thích từ khi xuất hiện nhờ lời ca thần diệu đã kết hợp hai cảm xúc lay động hồn người khi đó, là tâm tư lãng mạn với điều mới mẻ và lòng hoài niệm nét cổ phong của một thời đang mất.” Hoặc:

“Bến Xuân là bản tình ca đẹp nhất, ấm áp chứ không buốt lạnh nỗi đau như các tình khúc khác của Văn Cao. Lời tiếc nuối e ấp bay lượn trên nét nhạc u hoài trang nhã và tứ thơ lung linh màu sắc như một bức họa ấn tượng khiến Bến Xuân là nơi hội ngộ kỳ diệu của thơ, họa và nhạc trong một khúc tình ca.”

Hoặc về Dương Thiệu Tước:
... ông sáng tác với nét cao nhã của âm điệu Tây phương mà uẩn súc trong nỗi rung động Đông phương. Đằm thắm mà không suồng sã, và dù kén người hát lẫn người nghe, nhạc tình của Dương Thiệu Tước sẽ tồn tại mãi với thời gian, vì càng nghe ta càng yêu quý.”

Trong việc thưởng thức nghệ thuật có những điều chúng ta cảm nhận một cách mơ hồ, ta biết là nó có đấy, nhưng không xác định rõ được là cái gì, thì nay Quỳnh Giao sẽ giúp chúng ta được sáng tỏ hơn. Tiếng hát Thái Thanh chẳng hạn. Nhiều người say mê tiếng hát ấy. Mai Thảo gọi đó là  “tiếng hát vượt thời gian”, Thụy Khuê thì gọi là “tiếng hát lên trời” *. Quỳnh Giao cũng bị tiếng hát ấy mê hoặc như bao người khác, đã cho rằng “trong nửa sau của thế kỷ 20, tiếng hát Thái Thanh đã là di sản không thể mất của rất nhiều người Việt”. Nhưng Quỳnh Giao còn nhìn ra một tính chất ít ai nhận thấy trong tiếng hát ấy khi nhắc lại một nhận xét của Duy Cường: “Giọng của dì Thanh thuộc xu hướng xã hội. Hát cho người, không hát về mình. Giọng hát chứa nhiều kịch tính, nhất là bi kịch.” Tôi cho đây là một phát giác lớn về giọng hát bất hủ của Thái Thanh: khi hát về tình yêu, Thái Thanh hát cho tất cả các đôi lứa, hát về khổ đau là cho tất cả nỗi đau của nhân thế –chứ không phải cho chính mình. Đó là tiếng hát vượt lên cao, bao trùm ôm ấp cõi nhân gian. Nhưng riêng Quỳnh Giao lại có một phát giác riêng nữa về Thái Thanh khi viết: “Chỉ khi hát những bài bát ngát tình mẹ, Thái Thanh mới thực sự hát cho chính mình và cho đời sau.” Trước một tài năng nghệ thuật vượt bực, hầu hết chúng ta đều say sưa thưởng thức mà không mấy khi giải thích được cái hay cái đẹp đó là gì, ở chỗ nào. Cho đến khi chúng ta gặp một tài năng khác dùng cây đũa thần của ngôn từ mở cho chúng ta một cánh cửa mới thì chúng ta cảm thấy tràn đầy hạnh phúc được bước vào một thế giới mới mẻ mà lâu nay do vô minh, chúng ta chưa được khai thị.

Về một nhạc phẩm đã xưa của Lê Thương, truyện ca Hoa Thủy Tiên, tác giả đã vẽ nên một cái nhìn về màu sắc triết lý khác biệt quanh các sự tích về hoa thủy tiên của phương Tây và phương Đông, chỉ ra tính cách rất cá nhân của chàng Narciss của thần thoại Hy Lạp, rất khác với tâm hồn hòa hợp với vạn vật của Đông phương mà Lê Thương đã kể lể một cách duyên dáng trong bài hát. Chính sự thông hiểu văn hóa đông tây như thế đã soi sáng một câu chuyện truyền kỳ của chúng ta, giúp chúng ta hiểu rõ hơn các nghệ phẩm của Việt Nam và ý thức rõ hơn về chính mình.

Cứ như thế, tác giả khắc họa từng nhân vật âm nhạc của chúng ta với những nhận xét tinh tế thông minh và vận dụng chữ nghĩa chính xác và lắm khi rất tài hoa. Dĩ nhiên, như tôi đã trình bày ở trên, Quỳnh Giao có lợi thế rất lớn, đó là chính mình là người của âm nhạc, đã vừa sẵn chuyên môn lẫn tâm hồn mẫn cảm với âm thanh, nên có sự thuận lợi trong các phát biểu và nhận xét. Nhưng chừng đó lợi thế vẫn chưa đủ để biến thế giới âm thanh quen thuộc ấy thành một cuốn sách, nghĩa là tác giả còn phải có tài viết lách nữa. Chúng ta nào có ai đã nghe Thúy Kiều đàn, nhưng nhờ Nguyễn Du mô tả

Tiếng khoan như gió thoảng ngoài
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa

thì ta cũng mường tượng được cái hay của tiếng đàn đó. Thực ra, chúng ta thưởng thức tài nghệ viết văn của Nguyễn Du chứ đâu phải thưởng thức âm nhạc của Thúy Kiều, nhưng vì Tố Như viết khéo quá nên vẫn tưởng như đã nghe đàn. Ở đây cũng vậy, tài nghệ của biết bao nghệ sĩ Việt Nam và thế giới đã được Quỳnh Giao giới thiệu với một bút pháp trong sáng và điêu luyện, nhờ đó chúng ta hiểu thế giới của nghệ thuật âm nhạc hơn. Thật ra không có gì diễn tả nghệ thuật hữu hiệu cho bằng chính nghệ thuật. Đây là một cuốn sách “điểm danh” nghệ sĩ và tác phẩm của họ bằng một nghệ thuật khác. Kho kiến thức nào rồi cũng có nguy cơ sẽ biến thành một mớ tài liệu khô cứng, nhưng với Quỳnh Giao thì nhờ sự cảm nhận tinh tế và đồng cảm của tâm hồn nghệ sĩ, cộng với cách diễn đạt đầy nghệ thuật của một cây bút văn học vững vàng, Quỳnh Giao đã làm nên giá trị của cuốn sách này. **

* Thụy Khuê mượn chữ từ hai câu thơ của Hoàng Trúc Ly:
Vì em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh

để gọi tiếng hát Thái Thanh là “tiếng hát lên trời”.

No comments:

Post a Comment