Friday, August 22, 2014
Vương quốc Liechtenstein - Tiểu Nhưng Không Nhược
Trong tháng này, xin mời quý vị hãy cùng tôi đi thăm một quốc gia nằm trong danh sách 10 quốc gia nhỏ bé nhất trên thế giới, đó là vương quốc Liechtenstein. Quốc gia này có diện tích là 160 km2 (khoảng 62 square miles), dân số chỉ vào khoảng 35 000 người, và thủ đô là Vaduz. Tuy là một quốc gia thật nhỏ bé, chỉ bằng một phần mười ba của thành phố Sài Gòn ngày nay, nhưng lại là quốc gia mà thu nhập của người dân nằm trong nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình tính theo đầu người, cao nhất thế giới. Theo bảng xếp hạng của Liên Hiệp Quốc vào năm 2012, trung bình một người dân ở Liechtenstein có thu nhập $158,977 USD/ năm
Đường đến Liechtenstein:
Quốc gia này nằm ngay vị trí thuận tiện giao thông với các quốc gia khác trong khu vực Châu Âu, giáp ranh giới với Thụy Sĩ và Áo. Ngay tại Thụy Sĩ, nếu đi từ Zurich là gần nhất, chỉ mất 80km, hoặc từ Geneva là 396km. Từ các quốc gia khác có thể đi bằng xe bus, xe lửa rất thuận tiện. Liechtenstein cách Paris (Pháp) 774 km, cách Rome (Ý) 852 km, cách Frankfurt (Đức) 473 km và từ Vienna (Áo) là 523 km.
Vì tôi đang có mặt tại Zurich của Thụy Sĩ nên đã tìm cách đi bằng xe bus đến thăm thủ đô Vaduz của Liechtenstein. Cảm giác cho tôi thấy đây là một quốc gia thanh bình, thanh bình từ trong từng con sóng lăn tăn trên dòng sông Rhine cho đến những rặng núi hùng vĩ và xanh ngắt màu cỏ non, kiến trúc nhà cửa giản dị và cuộc sống người dân thật quy củ, bình yên.
Vài nét sơ lượt về hoàn cảnh lịch sử:
Theo những nhà khảo cổ thì vùng đất này từng có dấu vết con người đến sinh sống từ khoảng 5300 năm trước Công Nguyên. Ngay từ thuở xa xưa, vùng đất nhỏ bé này đã nhiều lần đổi chủ, khi thì thuộc về đế chế La Mã, khi thì lại trở thành tiểu vương quốc với những vị lãnh chúa qua nhiều đời khác nhau. Trong thời Trung Cổ qua đến đầu thế kỷ XX, có nhiều vị lãnh chúa thay nhau cai trị vùng đất này. Trong nhiều thế kỷ, tiểu quốc này luôn nằm dưới sự ảnh hưởng của các vương triều hùng mạnh khác như Áo, Pháp hoặc Đức, đôi khi lại nằm trong liên minh quân sự của Áo – Hungary. Những lãnh chúa của Liechtenstein không được các triều đình khác tại Châu Âu công nhận là vua hay nữ hoàng, mà chỉ xem họ như những Hoàng Tử và Công Chúa (Prince và Princess). Điều này cũng tương tự như triều đình Anh Quốc, sau khi thu phục được Ấn Độ làm thuộc địa, đã thay đổi vương vị của các nhà vua Ấn trở thành hoàng tử, và tất nhiên, ngôi vị hoàng đế chỉ dành cho người đứng đầu vương triều Anh mà thôi. Sau Chiến Tranh Thế Giới lần thứ nhất, vương quốc Liechtenstein lại một lần nữa chịu ảnh hưởng và nằm trong tầm bao phủ của nước Thụy Sĩ, từ quân đội cho đến tiền tệ, kiểm soát biên giới. Xuyên suốt cuộc Chiến Tranh Thế Giới lần thứ hai, Liechtenstein hoàn toàn ở vị thế trung lập và liên minh với Thụy Sĩ. Ngày nay, lực lượng cảnh sát của quốc gia này chỉ có 87 cảnh sát viên và 38 nhân viên hành chánh, làm nhiệm vụ giữ trật tự cho quốc gia có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới. Trong trường hợp cần thiết và khẩn cấp, họ đã có thỏa thuận với cảnh sát của hai quốc gia khác là Thụy Sĩ và Áo có thể vào hỗ trợ.
Đất nước này đã chính thức trở thành một thành viên của Liên Hiệp Quốc từ năm 1990. Hiến pháp của vương quốc Liechtenstein đã được viết lại cho phù hợp với tình hình và hoàn cảnh mới vào năm 2003. Họ vẫn gọi vị đứng đầu quốc gia hiện nay là hoàng tử chứ không gọi là vua. Hoàng tử Hans-Adam II, năm nay 69 tuổi. Hoàng gia Liechtenstein được biết đến như một trong sáu hoàng gia giàu có bậc nhất trên thế giới hiện nay. Tài sản của họ ước chừng khoảng 5 tỷ Mỹ kim.
Kinh tế giàu và mạnh
Liechtenstein là quốc gia duy nhất trên thế giới có số lượng các công ty được hợp pháp hóa nhiều hơn gấp đôi số lượng dân số của cả nước. Tôi đã hối hả đi tìm một vài cuốn sách trong thời gian ở đây để tìm hiểu và rất ngạc nhiên với con số 73 700 công ty đang hoạt động trên lãnh thổ nước này (trong khi dân số chỉ có 35 000 người). Rất nhiều tiền đầu tư của dân giàu Thụy Sỹ đang có mặt và trôi nổi trên nền kinh tế của Liechtenstein, kinh doanh được ưu đãi giảm thuế của chính phủ tại đây. Các mặt hàng cao cấp có chất lượng thật tốt từ đây được xuất cảng ra các nước khác với giá cao như các vật dụng tráng men trong gia dụng và xây dựng, y cụ nha khoa, tơ lụa, đồ dùng điện tử, các loại dược phẩm, máy tính điện tử, và thực phẩm đóng hộp. Ngành du lịch cũng thu được rất nhiều cho kinh tế quốc gia, nhất là giá phòng khách sạn luôn cao ngất ngưỡng, gấp đôi giá tiền ở Bắc Mỹ là chuyện thường tình.
Ngay tại khu vực trung tâm, tôi thấy có hầu như đầy đủ những tên tuổi các công ty thời trang nổi tiếng của thế giới đều có mặt ở đây, tuy nhiên những mặt hàng cổ truyền như khăn choàng may tay, áo thêu, rượu nho, đồ gốm nghệ thuật vẫn luôn là những mặt hàng du khách chiếu cố để mua làm quà. Hàng giả hoặc hàng rẻ tiền “Made in China” không có đất để dung thân ở quốc gia này .
Ngôn ngữ và văn hóa và giáo dục
Vì đây là một quốc gia quá nhỏ nên văn hóa của vương quốc này luôn bị ảnh hưởng bởi các nền văn hóa lớn bao bọc xung quanh. Văn hóa của các vùng miền mà hiện nay đã thuộc về lãnh thổ của các quốc gia như Đức, Áo và Thụy Sĩ có nhiều ảnh hưởng và rất rõ nét tại đây. Người dân sử dụng tiếng Đức là ngôn ngữ chính thức.
Hệ thống giáo dục của Liechtenstein được đánh giá đứng thứ 10 trên thế giới, và tuy là một quốc gia nhỏ bé với chỉ 35 000 dân, nhưng đã có đến 4 trường đại học. Tôi được biết cũng có nhiều sinh viên ngoại quốc đến đây du học.
Giã từ Lietenstein
Tôi rời thủ đô Vaduz để trở về lại Thụy Sĩ bằng xe bus, giống như khi đến. Liechtenstein quá nhỏ nên đã không thể xây phi trường. Thông thường du khách bay đến một trong hai phi trường trong thành phố Zurich của Thụy Sĩ, rồi đón xe lửa hoặc xe bus, hoặc tự mướn xe lái vào Lietenstein. Tuy nhiên theo nhận xét và quan sát của tôi, quốc gia này quá hiền hòa và quy củ, lại không có các địa điểm thu hút du khách, cho nên du khách không ở lâu. Họ đến từ các quốc gia lân cận chỉ để cảm nhận được đặt chân đến một quốc gia thuộc loại tí hon trên thế giới mà thôi. Mùa đông thì nơi đây cũng là nơi để dân ghiền trượt tuyết tìm đến vì có nhiều đồi núi. Các rạp hát, viện bảo tàng ở đây đều nhỏ và đơn giản. Bộ sưu tập đồ cổ đồ sộ có tầm cỡ trên thế giới của hoàng gia Liechtenstein lại không được trưng bày ngay tại vương quốc của họ, mà được giới thiệu trong một viện bảo tàng riêng (Liechtenstein Museum) mở tại Vienna, Áo. Khi chuyến xe bus chở tôi chạy dọc theo dòng sông Rhine huyền thoại để vượt qua biên giới vào Thụy Sĩ, đi qua các đồi núi đẹp như tranh, tôi có cảm giác nhẹ nhàng như vừa đến thăm một nàng thơ xong. Tất cả mọi thứ ở đây đều đẹp và sạch sẽ, đến cả không khí cũng quá trong lành không một chút bụi. Tôi đã nói vui với người bạn đi cùng rằng kỳ này ký sự “Bụi Đường Xa” của tôi bị thiếu bụi rồi. Tiểu vương quốc này đúng là tiểu nhưng không nhược và những thế hệ lãnh đạo của họ (ở đây là các đời vương) chắc chắn phải vừa có tài cao, vừa có đức dày mới giữ vững biên cương bờ cõi không bị xâm chiếm qua nhiều thế kỷ và khiến chúng ta phải thán phục về kinh tế và thu nhập của từng người dân thuộc loại rất cao trên thế giới. Cho dù là tính toán và xếp hạng theo tiêu chí nào thì người dân ở Liechtenstein cũng vẫn là một trong năm quốc gia có thu nhập cao nhất trên thế giới hiện nay.
FB Tôn Thất Hùng
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment