Saturday, August 23, 2014

TRẠI LLĐB A SHAU THẤT THỦ



Bản báo cáo của chương trình Checo
Kenneth Sams

Thung lũng A Shau là một trong vài trại Lực Lượng Đặc Biệt gần biên giới Lào trong vùng I chiến thuật, để theo dõi mức độ xâm nhập quân đội Bắc Việt vào miền nam. Đó là một căn cứ hình tam giác, có bức tường dài khoảng 200 yards với hàng rào kẽm gai bao quanh. Như các trại LLĐB khác, A Shau có phi đạo dài 2500 bộ ngay bên ngoài tuyến phòng thủ. Trại A Shau nằm dưới đáy thung lũng hẹp hướng tây nam, cách thành phố Huế khoảng 20 dặm và biên giới Lào khoảng 2,5 dặm.
Ngày 5 tháng Ba năm 1966, hai binh sĩ Bắc Việt đào ngũ bước vào trong trại LLĐB A Shau hồi chánh. Khi thẩm vấn, họ cho biết trại LLĐB này sẽ bị tấn công trong ngày 11 hoặc 12 tháng Ba. Hai người còn cho biết vị trí bộ tư lệnh sư đoàn 325 Bắc Việt (bẩy cây số phiá đông thung lũng A Shau, tiểu đoàn 6, tiểu đoàn 8 của sư đoàn 325, và vị trí kho dự trữ gạo. Tất cả các mục tiêu, hai hồi chánh viên khai đều bị không quân Hoa Kỳ oanh kích. Đề phòng trường hợp bị tấn công, trại A Shau được tăng cường 7 quân nhân LLĐB/HK, 149 lính dân sự chiến đấu Nùng cùng với 9 thông dịch viên. Trong căn cứ đã có sẵn 10 người Hoa Kỳ, 210 dân sự chiến đấu.
Lúc 2:00 giờ sáng ngày 9 tháng Ba, trại LLĐB bị tấn công bằng súng cối, súng không dật 75 ly, đại liên cùng với súng cá nhân. Đợt tấn công đầu tiên gây tổn thất 2 quân nhân Hoa Kỳ tử trận. 3 bị thương, phiá VNCH (có lẽ người dân tộc thiểu số Katu) 8 người chết, 30 bị thương. Trận pháo kích phá hủy kho tiếp của trại (có thể cho 380 người). Đến sáng, trận tấn công chấm dứt, quân trú phòng lo sửa sang, tu bổ hệ thống phòng thủ.
Trong đêm, sương mù che phủ bầu trời trên khu vực thung lũng A Shau xuống thấp 300 – 500 bộ, tầm quan sát khoảng 5 dặm, do đó không quân không thể yểm trợ được. Đề phòng địch tấn công trở lại, vị tư lệnh Quân Đoàn I yêu cầu người Hoa Kỳ cho một đơn vị TQLC ứng chiến, sẵn sàng tiếp viện cho trại LLĐB A Shau nếu thời tiết tốt và cần thiết. Ngoài ra hai đại đội dân sự chiến đấu Nùng ở Huế và Đà Nẵng sẵn sàng lên đường khi thời tiết cho phép. Yêu cầu không trợ đầu tiên nhận được lúc 9:08 nhưng thời tiết xấu, phi cơ không lên được.
Lúc 11:20 ngày 9 tháng Ba, một phi cơ AC-47 (Hỏa Long) được lệnh bay lên không phận A Shau. Phi hành đoàn đồng loạt nhẩy ra khỏi giường vì họ phải bay đêm trước. Khi chiếc phi cơ bay vòng trên đầu trại LLĐB A Shau, Đại Úy Willard M. Collins được báo cáo, trại LLĐB ở dưới sắp sửa bị địch quân tràn ngập. Bầu trời vẫn còn thấp khoảng 400 bộ, Đại Úy Collins cùng với phi công phụ Trung Úy Delbert R. Peterson cố gắng hai lần lái phi cơ đâm qua lớp bay che phủ. Đến lần thứ ba, họ lướt trên đầu ngọn cây nhìn thấy trại LLĐB. Quân Bắc Việt bắn vào chiếc phi cơ bằng tất cả các loại vũ khí cá nhân kể cả đại liên 50. Chiếc AC-47 Hỏa Long bay được một vòng, đến vòng thứ hai địch quân đã chuẩn bị bắn trúng phi cơ, động cơ bên phải rơi ra ngoài, vài giây sau động cơ bên trái cũng trúng đạn hư hỏng. Chiếc phi cơ đáp vội xuống, lết gần đến trại LLĐB. Một nhân viên phi hành, Trung Sĩ Foster bị gẫy cả hai chân. Tất cả mọi người trên chiếc phi cơ nhanh chóng lập tuyến phòng thủ xung quanh chiếc phi cơ lâm nạn. Khoảng 15 phút sau, quân đội Bắc Việt đến tấn công chiếc phi cơ, người Hoa Kỳ đẩy lui đợt đầu tiên, nhưng đợt thứ hai Đại Úy Collins trúng đạn tử trận cùng với Trung Sĩ Foster (bị thương từ trước).
Đợt tấn công thứ ba bắt đầu khi chiếc trực thăng cấp cứu H-43 đáp nhanh xuống để cứu phi hành đoàn chiếc AC-47. Trung Úy Peterson rất can đảm cầm khẩu M-16 và cả súng tay P-38 để cho trực thăng H-43 cất cánh, cứu được ba nhân viên phi hành sống sót, để lại Peterson cùng hai xác chết (Collins, Foster).
Khi được biết chiếc AC-47 bị bắn rơi, hai khu trục cơ A-1E Skyraider do Thiếu Tá Bernard F. Fisher chỉ huy, cất cánh từ Pleiku bay lên tham chiến. Fisher trông thấy một khoảng trống (trong đám mây che phủ bầu trời thung lũng A Shau) cách trại LLĐB khoảng 5 dặm về hướng tây bắc. Ông bay dẫn đường, xuyên qua thung lũng rộng khoảng một dặm đến trại LLĐB. Được lệnh phá hủy chiếc phi cơ lâm nạn AC-47, ông ta trao nhiệm vụ cho phi công lái chiếc A-1E thứ hai, còn mình oanh kích địch quân để cứu trại LLĐB.
Được biết quân Bắc Việt đang chuẩn bị cho một đợt tấn công lớn, Thiếu Tá Fisher xin thêm một phi đội A-1E lên tăng cường, rồi điều khiển trận oanh kích trên vị trí địch quân. Trận tấn công vẫn tiếp tục, ông ta điều khiển một trực thăng cứu thương CH-3C đáp xuống bên trong căn cứ di tản những người bị thương nặng. Sau đó Thiếu Tá Fisher điều động hai chiếc C-123 Caribou thả đồ tiếp liệu, đạn dược, thuốc men cho quân trú phòng.
Thêm hai phản lực B-57 lên tăng cường, họ cũng được Thiếu Tá Fisher hướng dẫn bay qua khoảng trống không có mây vào thung lũng A Shau. Hai chiếc B-57 thả bom napalm phá hủy chiếc AC-47, bắn đại liên, hỏa tiễn xuống vị trí địch quân xung quanh trại LLĐB. Đến 13:30 thêm hai chiếc A-1 của không quân VNCH bay lên oanh kích, thay thế cho các phi công Hoa Kỳ, lúc đó phi cơ Thiếu Tá Fisher gần hết xăng phải bay về.
Tổng kết ngày 9, do thời tiết xấu “chỉ có” 29 phi vụ bay vào thung lũng A Shau: 17 Không Lực Hoa Kỳ, 10 TQLC/HK, và 2 phi vụ do KQ/VNCH tham dự. Đến xế chiều, quân LLĐB sửa sang hầm hố, công sự phòng thủ, chuẩn bị cho đợt tấn công mới.
Khoảng 2:00 giờ sáng ngày hôm sau (10/3), quân Bắc Việt mở đợt pháo kích trở lại bằng súng cối. Các xạ thủ súng cối đã biết tọa độ mục tiêu từ hôm trước nên bắn rất chính xác, theo lời một người sống sót. Khoảng 3:35, trại LLĐB báo cáo lên phi cơ C-123 của Không Lực Hoa Kỳ đang bay bao vùng thả trái sáng, quân Bắc Việt đang tấn công toàn diện. Địch quân dùng chiến thuật biển người, xung phong qua lớp hàng rào, bờ tường phiá nam căn cứ. Quân mũ xanh (LLĐB) Hoa Kỳ cùng với dân sự chiến đấu sống sót phải rút về phiá bắc căn cứ, cầu mong trời sáng, phi cơ lên tiếp cứu nếu thời tiết tốt.
Suốt đêm, hai phi cơ C-123, một AC-47 bao vùng thả chiếu sáng cho trại LLĐB. Từ 5:15 đến 6:30, phản lực cơ TQLC/HK bay 19 phi vụ thả bom bằng radar. Lúc 7:05 phút sáng, một A-4 Sky Hawk của TQLC/HK biến mất và được báo cáo mất tích.
Lúc 7:30 sáng, sư đoàn 1 Bộ Binh VNCH cũng như phi cơ điều không tiền tuyến (FAC) báo cáo, mất liên lạc với trại LLĐB A Shau. Các phi cơ Hoa Kỳ vẫn tiếp tục thả bom bằng radar qua lớp sương mù. Lúc đó lớp sương, mây còn rất dầy từ 200 – 7000 bộ. Đến 8:07 phút sáng, phi cơ FAC bắt liên lạc được với trại LLĐB và được báo cáo, căn cứ vẫn nằm trong tay LLĐB, các phi vụ đánh bom làm địch quân khựng lại. Quân LLĐB vẫn còn giữ phiá bắc căn cứ, quân Bắc Việt chiếm được bờ tường phiá nam và một phần phiá đông của một trại LLĐB hình tam giác.
Khoảng 9:50, theo yêu cầu trại LLĐB, phi cơ FAC điều khiển một phi vụ đánh bom napalm nơi bờ tường phiá nam. Trong tình thế khẩn trương, quân LLĐB yêu cầu nhiều phi tuần oanh kích nếu có thể. Không may thời tiết vẫn còn xấu, lúc 11:00 quân LLĐB báo cáo họ chỉ cầm cự được thêm khoảng một tiếng đồng hồ. Tiếp theo, họ yêu cầu ngừng thả thêm đạn dược vì không thể thâu hồi được (thiếu người?).
Khoàng 11:15, một phi tuần A-1E lên yểm trợ, Thiếu Tá Fisher là người đã bay trên bầu trời A Shau hôm trước. Ông ta được cho biết quân LLĐB vẫn còn chống cự nơi phiá bắc căn cứ, cùng với phi công chiếc A-1E thứ hai, Đại Úy Francisco Vasquez bắn đại bác 20 ly xuống hai bờ tường còn lại, phiá nam và phiá đông trại LLĐB A Shau.
Thêm một phi tuần A-1E nữa thuộc phi đoàn 602D Tác Chiến từ Qui Nhơn lên tham chiến, Thiếu Tá Dafford W. Myers và Đại Úy Hubert King. Chiếc phi cơ của Đại Úy King bị trúng đạn nhiều chỗ, một viên trúng kính chắn gió, ông ta phải bay về vì nhìn không rõ trong buồng lái. Thiếu Tá Myers bay vòng thứ ba trên đầu trại LLĐB, ông ta bị trúng ít nhất ba viên đạn đại liên 50, một viên trúng vào động cơ máy bay (động cơ máy bay A-1E Skyraider nằm phiá trước, sau cánh quạt, trước buồng lái). Kính chắn gió che kín bới dầu nhớt động cơ, buồng lái đầy khói, tiếp theo phi cơ bốc cháy.
Dưới sự hướng dẫn của Thiếu Tá Fisher, Myers lái chiếc phi cơ đang bốc cháy, đáp bằng bụng xuống phi đạo làm bằng vỉ sắt PSP. Mảnh vụ của phi cơ văng ra đầy phi đạo. Thiếu Tá Myers bị xây sát, nhanh nhẹn nhẩy ra khỏi chiếc phi cơ đang bốc cháy, chạy xuống một hố phủ đầy cỏ dại bên cạnh phi đạo.
Thiếu Tá Fisher gọi trực thăng cấp cứu rồi cùng với Đại Úy Vasquez bay vòng thấp xuống. Sau khi được biết phải chờ trực thăng khoảng 15, 20 phút, và hỏa lực mạnh mẽ của địch, Fisher quyết định đáp chiếc A-1E của ông ta xuống cứu đồng đội. Lúc đó khoảng 11:45, thêm một phi tuần A-1E lên tăng cường với hai Đại Úy phi công, Dennis B. Hague và Jon I. Lucas. Cả ba phi công sẽ bảo vệ Thiếu Tá Fisher đáp xuống cứu Thiếu Tá Myers.
Fisher xuống lần thứ nhất từ hướng bắc phi đạo mờ khói, khi phi cơ chạm sàn PSP phi đạo, ông ta biết không thể được, nên cất cánh bay lên. Ông ta vòng ngược lại để xuống đầu bên kia, mặc kệ tiếng súng bắn theo của địch. Thiếu Tá Fisher lái phi cơ chạy dọc theo phi đạo giữa những mảnh vụn chiếc phi cơ lâm nạn, hướng mắt nhìn hai bên phi đạo tìm Thiếu Tá Myers. Ông ta nhìn rõ đạn lửa của lính Bắc Việt, rồi Myers nơi phiá bên phải đang chạy ra chiếc phi cơ của ông ta.
Thiếu Tá Fisher kéo ông bạn lên rồi quay đầu phi cơ, cất cánh. Đó là biểu lộ lòng can đảm của phi thường của ông ta. Thiếu Tá Fisher được đề nghị huy chương Congressional Medal of Honor. Phi đạo ngắn bằng PSP không được an toàn cho loại phi cơ A-1E Skyraider, chưa kể đã bị hư hại, súng đạn của địch. Khi Fisher kéo Myers lên, ông ta mừng rỡ thốt lên “Mày là thằng điên. Bây giờ tụi mình chẳng đứa nào ra khỏi đây”.
Mặc dầu LLĐB chiến đấu dũng cảm, quyết định từ cấp chỉ huy trên cao sẽ cho trực thăng vào cứu những quân nhân sống sót vào ban đêm. Theo tin tình báo, ba tiểu đoàn thuộc trung đoàn 95B, sư đoàn 325 Bắc Việt đã quá sức chịu đựng của quân trú phòng. Ngày 10 tháng Ba, 210 phi vụ lên vùng trời trại LLĐB A Shau (103 TQLC/HK, 67 KQ/HK, 19 HQ/HK, và 12 KQ/VNCH).
Khoảng 17:00, trực thăng TQLC/HK bay vào trại LLĐB A Shau đem về người bị thương và 69 quân nhân LLĐB. Trại LLĐB A Shau chính thức “đóng cửa” vào lúc 17:45 phút ngày 10 tháng Ba. Trong căn cứ có: 17 quân nhân LLĐB/HK, 149 quân nhân Nùng, và 219 dân sự chiến đấu người Thượng. Phiá người Hoa Kỳ: 5 tử trận, 12 bị thương. Phiá Việt Nam chỉ có 172 người được di tản (trong tổng số 149 Nùng, 219 Thượng), số còn lại báo cáo mất tích. Ước tính khoảng 300 lính Bắc Việt tử trận, thêm 500 chết vì oanh kích. Người Hoa Kỳ mất thêm 1 phi công A-4, 2 chết 1 mất tích trong chiếc AC-47, 4 phi hành đoàn trực thăng H-34 TQLC/HK tử nạn lúc vào di tản trại LLĐB A Shau.
Trại LLĐB A Shau thất thủ là một chiến thắng lớn của quân đội Bắc Việt, nếu không có không quân yểm trợ, có lẽ không một quân nhân LLĐB sống sót. Nguời Hoa Kỳ định xử dụng B-52 thả bom thung lũng A Shau ngày 10 tháng Ba nhưng hủy bỏ vì sợ còn nhiều quân nhân bạn đang thất lạc, lẩn trốn trong rừng. B-52 thả bom CBU trong thung lũng A Shau ngày 19 tháng Ba, không lực Hoa Kỳ tiếp tục thả bom hàng tuần lễ sau đó.
Tướng William C. Westmoreland, tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam khen thưởng các phi công, phi hành đoàn tham dự trận A Shau “… Không trợ của TQLC, Không Quân tại trại LLĐB A Shau đáng được đưa vào lịch sử hàng không. Sự can đảm của các phi cơ vận tải, chiến đấu, trực thăng, FAC đã hoàn thành nhiệm vụ khó khăn, rất đáng được ghi nhận…”

Dallas, Texas 03/18/2014
vđh

10 comments: