1. Tai Nạn Thảm Khốc!
Năm 1965, tôi tốt nghiệp Trường Sĩ Quan Đà Lạt,
k20 và được tuyển chọn về Binh Chủng Nhảy Dù. Tôi đã tham dự nhiều trận đánh và
bị thương nhiều lần tại mặt trận: Quảng Trị (lỗ tai và đùi phải), Thành Nội Huế
năm Mậu Thân 68 (lưng còn hơn 10 mãnh lựu đạn), Tây Ninh (2 mãnh B40 trên đầu),
..và bị thương nhẹ ở các trận chiến khác không đáng kể.
Tôi đã được tưởng thưởng nhiều huy chương
và thăng cấp đặc cách mặt trận (trung úy, đại úy, thiếu tá)
Trải qua nhiều gian nan nguy hiểm
mà không sao nhưng năm 1973, tôi ra thăm toán Tác chiến điện tử tại LĐ1ND, ở bờ
Nam sông Mỹ Chánh thuộc tỉnh Quảng Trị. Trên đường về xe Jeep bị lật ở khúc cua
quẹo ngay chân cầu Phong Điền khiến lưng tôi chạm nhằm viên đá, gây chấn thương
cột sống! Thế là cuộc đời gãy gánh giữa đường!
Sau khi tỉnh dậy chờ xe cứu thương di tản,
tôi bi quan nằm ngó trời đất mênh mông, nghĩ đến số phận tàn phế của mình,
chẳng lẽ phải tiếp tục kéo dài cuộc sống không lạc thú nầy hay sao?
Nghĩ đến người vợ còn trẻ tuổi (chưa
đầy ba mươi!), tôi muốn tự giải thoát để không liên lụy cuộc đời son trẻ của
nàng.
Nhưng khi nhớ đến ba đứa con còn
nhỏ dại rồi đây sẽ ra sao? Chỉ trong mấy
phút mà đầu óc suy nghĩ đủ thứ. Cuối cùng tôi quyết định không buông xuôi, phải
cố gắng tồn tại, dùng bộ óc và kiến thức sẵn có để dìu dắt các con cho nên
người rồi sẽ tính sau.
a). Tại Bệnh Viện Cộng Hòa
Khi được chở về tới Trạm
xá ở bộ Tư Lệnh Sư đoàn Nhảy Dù, nhìn thấy Tướng Lê Quang Lưỡng, Tư Lệnh SĐND,
Đại tá Phước, Tư Lệnh Phó, tới thăm; nhưng tôi cứ nhắm mắt buông xuôi. Lúc đó
tôi không muốn gặp ai, chỉ mong được yên lặng để tiếp tục suy nghĩ về số phận
tương lai của mình.
Sáng hôm sau, đích thân Bác sĩ Trần Khắc
Niệm, Y Sĩ Trưởng, kiểm soát lại bệnh tình rồi gọi về Hậu cứ nói Bác sĩ Trần
Đức Tường cho người đón và đưa tôi thẳng vô Bệnh viện Cộng Hòa để kịp giải phẫu
lấy máu bầm sớm, may ra cứu vãn được phần nào hệ thần kinh tủy sống. Bác sĩ
Niệm, Bác sĩ Tường, y sĩ trưởng bệnh viện Đỗ Vinh, là những người bạn rất tốt.
Lúc bình thường Cò Thu, tôi, và anh Niệm thích chơi bóng chuyền với nhau, tại
sân Trạm xá Quân y.
Chúng tôi cũng ưa rủ nhau ra
thành phố Huế du ngoạn nơi các Lăng Miếu cổ xưa, vào Hoàng Cung Đại Nội xem các
di tích lịch sử và ăn bún bò Huế "Mụ Rớt" nổi tiếng ở Gia Hội,...nhưng
từ đây tôi sẽ không còn những ngày huy hoàng đó nữa!
Vô Bệnh Viện Cộng Hòa, họ chụp quang tuyến
và đưa đi mổ ngay. Đây là cuộc giải phẫu lớn, gần một buổi sáng mới xong.
Khoảng nửa ngày thì tôi tỉnh dậy, thấy miệng khô và khát nước vô cùng! Nhưng họ
không cho uống, chỉ lấy bông gòn thấm nước thỉnh thoảng để trên môi cho thấm
xuống chút xíu, vì mới mổ mà uống nước sẽ nguy hiểm. Lúc ấy tôi bị hành sốt và
lạnh run, miệng đánh bò cạp liên tục! Y tá đắp mền và lấy đèn sưởi mà không đỡ
chút nào, thân nhân đứng ngoài phòng kiếng nhìn cảnh như vậy mà đau lòng xót
ruột.
Ñaïi
taù Lòch gaén caáp baäc Ñaïi uùy
cho
Nguyễn
Đức Taâm, k18, vaø Trương Döôõng naêm 1968
Vợ tôi sau nầy kể lại là thường ngày tôi
rất kỹ lưỡng, trước khi ăn đều rửa tay, vậy mà hôm đó cục bông gòn ướt rớt
xuống nệm dơ bẩn, tôi vẫn cứ lượm lên liếm một cách ngon lành, giống như những
em bé thèm kẹo cục vậy!
Ở Hậu giải phẫu một thời gian, họ đưa tôi
tới phòng điều trị,
Một trong những bịnh bi đát và khổ sở nhất
là bịnh chấn thương cột sống; hệ thống bài tiết bị đình trệ, gần như không còn
hoạt động tốt và gây rất nhiều biến chứng. Họ để ống “Xông” vào bọng đái thường
trực gây ra nhiểm trùng, chuyền lên tới hai quả thận. Riêng tôi còn bị ống xông
loại cứng quá làm lủng từ bọng đái xuyên qua ruột già, khiến nước tiểu chảy qua
đường hậu môn! Lúc đó họ định mổ tách ra, nhưng thấy tôi còn yếu nên tìm loại
ống xông đặc biệt đặt thường trực và bơm nhiều thuốc trụ sinh vào chai nước
biển diệt vi trùng để bảo vệ thận. Họ cho trụ sinh nhiều quá đến đổi cơ thể tôi
không còn tiếp nhận được Pénicilin, hễ chích vào sẽ bị phản ứng, ngay cả uống
Ambicilin cũng vậy. Còn việc đại tiện thật là bế tắc, mỗi ngày tôi nhìn thấy ra
ba cục “thuốc tể” thì mừng rỡ, nhưng nếu lớn bằng ba cục “cứt dê” thì trong
người thật khó chịu! Cứ ôm cái bụng chình bình; không còn muốn ăn uống gì nữa;
lúc đó tôi ốm yếu cân mất hơn 50 pounds (gần 25 kí lô!).
Cháu Thành bấy giờ đã hơn 3 tuổi, ngày nào
cũng theo má vào thăm tôi. Nó ưa leo lên giường nằm cạnh bên, khiến mọi cơn đau
đớn về thể xác như tiêu tan mất hết. Có lần đi ngang qua hai chân, thấy tôi
đang lót báo, nó vội lật đật nhảy xuống cái rột, thật là đáng “ghét” vô cùng. Trước
đó, mỗi khi Biệt Đội được ở hậu cứ, sáng nào Thành cũng canh thức sớm, leo lên xe
Jeep theo tôi vào văn phòng làm việc. Nó thường trèo lên bàn lấy viết vẽ lung
tung; nó thích cho chú tài xế chở đi chơi vòng vòng.
Các sĩ quan và quân nhân trong Biệt Đội đều thương. Mỗi lúc đi hành quân
xa, tôi thường lén thức dậy một cách nhẹ nhàng để trốn ra phi trường, nhưng lần
nào cũng không gạt được, tôi vừa ngồi dậy là nó liền mở mắt đen thui, làm như
đã canh sẵn hồi nào tới giờ.
Khi máy bay bắt đầu lăn bánh ra phi đạo,
tôi nhìn nó mà ứa nước mắt, thật sự không muốn rời xa con chút nào; nếu đào ngũ
được tôi cũng muốn làm. Có lần Huy lúc ở Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù đã đào ngũ; vậy mà
ra Quảng Trị, hắn cũng dám lại thăm tôi như thường (đơn vị Nhảy Dù chỉ cần
người tình nguyện. Những ai quá nặng nợ, không kềm giữ được bản thân thì không
giúp gì cho đơn vị thiện chiến). Vì vậy khi có con cái đùm đề, nặng nợ gia
đình, chần chừ mỗi khi đi hành quân xa, lúc đó tôi cảm thấy không xứng đáng
mang danh binh chủng nầy chút nào!
Nhà thương của Việt Nam đâu có máy lạnh
nhiều như ở Mỹ, chúng tôi ai cũng bị lở (mông hoặc xương khu) vì hầm hơi, mặc
dù thỉnh thoảng cũng nhờ thân nhân giúp trở mình qua lại. Tôi chỉ bị nhẹ, nhưng
vết mổ thì lành thật chậm. Hằng ngày vợ tôi phải rửa bằng nước biển và băng bó
kỹ lưỡng nhưng cũng không gom mặt. Sau nầy khi hành quân về, bác sĩ Niệm có tới
thăm và cho hộp “Bô Mát Madecasole” làm bằng một loại nấm gì ở Phi châu, do
Pháp sản xuất. Khi thoa vài lần, thấy vết thương có tiến triển, tuy đắt tiền
nhưng bà xã tôi vẫn kiếm mua, xức trong vài tháng thì lành hẳn. Vết lở của tôi bằng
đồng bạc mà cũng nửa năm và tốn rất nhiều típ bô mát mới hết, đây đúng là bịnh
nhà giàu! Vì mỗi lần lở lâu lành nên tôi giữ gìn rất kỹ; ngày nào cũng tắm rửa
sạch sẽ; tối nào cũng thức giấc nhiều lần để trở mình (thói nầy tập quen từ năm
1973 và đi theo tôi tới giờ đã hơn 30 năm!).
Không khí sinh hoạt ở đây cũng dễ chịu,
đồng cảnh thường thương mến giúp đỡ lẫn nhau. Thân nhân được đôi chút an ủi vì
những người xung quanh ai cũng nồng nhiệt, lúc rảnh rỗi mấy bà thường tụ họp
chuyện trò thăm hỏi nhau, trong đó đề tài chánh thường bàn về vết lở và táo bón
của người thân họ.
Một tháng sau, sĩ quan đại diện SĐND vào
bệnh viện gắn cho tôi cấp bậc Thiếu tá và chuyển xuống trại sĩ quan cao cấp.
Tại đây, cấp trung và thiếu tá thì hai người một phòng, đại tá ở phòng có máy
lạnh, cấp tướng thì rộng rãi và tiện nghi hơn. Trưởng trại sĩ quan cao cấp là
Trung úy Hai, sau ngày mất nước, nghe nói anh là nội tuyến nằm vùng (chỉ nghe
nói chứ chưa xác định rõ). Dãy nhà cấp Tướng, lúc đó có Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh
Quân Đoàn I và Phó Tổng Thống Trần Văn Hương,...Cụ Hương chỉ thích nằm võng chứ
không chịu nằm giường. Nghe nói tướng Trưởng đã bất mãn vụ gì đó nên khai bịnh
như để phản đối một cách tiêu cực.
Tôi nằm cùng phòng với thiếu tá Anh, là
Phi công lái F-5 đầu tiên của ngành không quân. Anh ra ngoài Bắc oanh tạc, máy
bay trúng đạn, bị thương ở chân. Mỗi tối có một binh sĩ Biệt đội thay phiên đến trông nom, vì vợ tôi
lo ở nhà coi sóc 3 đứa con còn nhỏ dại. Tội nghiệp cháu Thiện lúc đó mới sanh
7, 8 tháng, ở nhà với anh Tâm (mới 6 tuổi) và chị Hảo, người giúp việc cho gia
đình mấy năm nay.
Cháu Hảo là con của một Trung sĩ Dù, nhà
trong trại Hoàng Hoa Thám, tánh tình cương trực không tham lam. Có lần bà xã
tôi mua giấy số, cầu mong có chút đỉnh tiền lo cho chồng, con. Nhưng vì đầu óc
bối rối lo lắng đủ điều, tiền lương cố định; mà phải nào là thuốc men, nào là
cơm gạo và nhất là phải có tiền mua sữa cho cháu Thiện nữa. Mắt thì dò giấy số
mà đầu óc cứ nghĩ đâu đâu, như Tú Xương đã nói về vợ:
“....Nuôi nấng ba con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng....”
Hảo lượm giấy số đã quăng bỏ lên
coi lại, bỗng la lớn: ”Trúng cặp 7 một trăm ngàn rồi cô ơi!”. Vợ tôi không tin,
nhưng cũng miễn cưỡng coi, bỗng mắt nàng sáng lên vì quả thật là trời đã ngó
lại!
Ở trại sĩ quan cao cấp, mỗi ngày tôi mang giày
nẹp tập đi trong hai thanh paralel; ngoài ra còn lo vô nước biển, trong đó có
thuốc trụ sinh, để chữa bệnh nhiễm trùng đường tiểu gây ra do đặt ống xông lâu
ngày. Điều trị hơn một năm thì sức khỏe tôi hồi phục dần, hằng ngày có thể tự
lăn xe đi vòng vòng trong khu trại nầy, và mỗi buổi sáng thường ra phơi nắng.
Chiều tới, khoảng năm giờ là bắt
đầu thấy buồn, vì hai mẹ con sửa soạn ra về, nhất là cháu Thành cứ quay lại vẫy
tay chào làm tôi ứa nước mắt.
Không hiểu tại sao lúc đó tôi dễ nhạy cảm và con người quá yếu đuối? Có
lần Thành nghịch ngợm, mẹ nói hoài không nghe, nên giận quăng đôi giày của nó
ra sân; chỉ có vậy mà tôi cũng chảy nước mắt.
Có lẽ trước kia tôi còn nghĩ đến
quyền quý danh vọng, bây giờ thì mất tất cả. Chỉ còn lại bốn mẹ con yêu thương
trong tầm tay, tôi muốn họ lúc nào cũng được yên vui hạnh phúc mãi mãi, không
ai được động tới họ.
Những ngày ở bệnh viện buồn chán, may nhờ
có mấy đứa con vô chơi nên tôi cảm thấy yêu đời dần dần và tự nhủ thầm: hãy bỏ
mọi ước mơ ảo tưởng qua một bên, không nhìn về quá khứ để ngồi than thở, hối
tiếc; mà nên bằng lòng với định mệnh để nắm giữ cái hiện hữu thực tại, và cố
ngoi lên trong khả năng hạn chế của mình (Thực sự nếu cứ ngồi một chỗ để cằn
nhằn so bì tại sao mình không đi đứng được như người ta, tại sao mình không có
nầy không có nọ như người ta? Tại sao và tại sao,....thì thà xuống địa ngục còn
sướng hơn)
Thân thể tuy bất toàn nhưng không có nghĩa
là cuộc đời đã chấm dứt; đôi chân không đi được nhưng khối óc vẫn còn nguyên
vẹn. Nước chảy đá mòn, thời gian dài chịu đựng sự dày vò về thể xác lẫn tâm hồn
suốt năm qua; vẫn không bào mòn được ý chí phấn đấu sẵn có trong con người từng
xong pha vào làng tên mũi đạn quân thù như tôi. Mấy tháng nay tôi luôn tranh
đấu với bản thân, quyết tâm hướng về tương lai, bỏ lại những quá khứ đau buồn
từ ngày bị tai ương tàn khốc!
Sau khi nghĩ thông suốt, tôi thường tự an
ủi bằng cách so sánh với những người có cảnh ngộ khó khăn hơn mình. Như những
người bị liệt tứ chi chẳng hạn, họ còn khổ sở hơn rất nhiều: hai tay cử động
yếu ớt, khó thở vì phổi không được bình thường. Hoặc so với những người bị ung
thư bất trị, hoặc những người già yếu lụm khụm. Ôi thế gian nầy còn biết bao
nhiêu người đau khổ hơn mình; tại sao họ chịu đựng được, còn mình đường đường
là một nam nhi, đã từng tôi luyện trong lò luyện thép tại Đà Lạt, đã từng “Nhảy
Dù Cố Gắng”, chỉ huy binh sĩ trong các mặt trận thập phần nguy hiểm như Tết Mậu
Thân ở Quảng Trị, Huế, và Vùng Ven Đô Sàigòn. Nào là mặt trận Tây Ninh, nào là
vùng Phi Quân Sự, Bồng Sơn, Tam Quan, Dakto, Hạ Lào, Campuchia,...
Rồi tôi nghĩ đến những nhà tu
hành đạo đức; họ đâu chú trọng về hưởng thụ bản thân, đã một lòng hướng thiện
và cứu rỗi chúng sanh đang đau khổ vì cái vòng lẩn quẩn: sinh, lảo, bịnh, tử.
Bây giờ đã thấu triệt, nhờ vậy tôi cảm thấy thoải mái và xin xuất viện về nhà
để gia đình tránh khỏi một kiểng hai quê, hòng có dư chút đỉnh mua sữa cho cháu
Thiện hiện còn quá thơ dại.
b). Xuất Viện Về Nhà.
Sau khi về nhà được một tháng thì có Tý,
chồng của cô Tánh, là em họ của bà xã đến thăm. Tý ở Chợ Lớn là tay buôn bán
lành nghề, chú chỉ tôi cách sinh lợi là thu mua sắt vụn rồi sẽ đưa người tới
chở đi bán cho hãng nấu thép. Lúc đó nhờ mới trúng số nên có tiền mở địa điểm
mua sắt vụn tại nhà.
Gia đình binh sĩ nghe tin, vội đem mấy
thùng phuy lủng, vỉ sắt mục sét, đồ sắt vụn,...đến cân bán ào ào, chẳng mấy
chốc sân bên hông nhà chất cao ngất toàn là sắt phế thải. Tý gọi người đem xe
tới chở được vài chuyến thì sắt vụn trong trại gia binh hết sạch, đành phải
kiếm nghề khác. Lúc đó Đại Úy Võ Tín, sĩ quan truyền tin, bạn đồng hương, cho
tôi một cuộn dây và Thiếu tá Nguyễn Đình Ngọc, k19, Tiểu đoàn trưởng TĐ2ND, cho
người kéo dây điện thoại xuyên qua doanh trại tiểu đoàn, nhờ vậy tôi ở nhà mà
cũng có thể liên lạc được bạn bè. Có một thương binh đã giải ngũ, chạy xích lô,
thay vì đem xe vào nhà ở trong trại Hoàng Hoa Thám, anh đã đem gởi tại nhà tôi,
để buổi chiều cậu em vợ, chở đi vòng vòng giải khuây.
Hết nghề thu mua sắt vụn, bà xã tôi xoay
qua nghề bán gạo, anh chị BS Hiền có lại ủng hộ dùm một bao gạo thơm. Khi còn ở
TĐ9ND, bác sĩ Hiền là người chịu chơi nhứt trong các bác sĩ Dù mà tôi đã gặp.
Lúc mới về đơn vị thay thế bác sĩ Thiện, anh đã hòa mình ngay với sĩ quan trong
tiểu đoàn; những buổi nhậu của chúng tôi đều có anh tham gia và tửu lượng khá
cao, mọi người đều rất mến anh. Khi nghe gia đình tôi mới qua Mỹ, từ California
xa xăm anh cũng gởi tiền giúp và chúc tôi sớm ổn định trong những ngày chân ướt
chân ráo tại đất khách quê người. Mặc dù bây giờ anh chị đã khá giả, nhưng nghe
nói hễ gặp đám TĐ9 cũ như Mễ, Tâm, Thành là cố mời tới nhà nhậu để hồi tưởng
lại những ngày cùng ngồi bên nhau uống rượu đế với khô mực, khô cá khoai, và
soài sống chấm mắm ruốc!
Bán gạo được vài tháng thì thua lỗ gần hết
vốn, vì không có địa thế tốt, tôi lại chuyển qua nghề bán củi bìa. Một hôm đi
ngang qua Tổng Tham Mưu, thấy ngôi biệt thự đối diện có những bó ván nẹp chất
đầy sân, tôi ghé vào thấy bên trong họ đang đóng thùng để đựng đồ sành, đồ sứ
như ghế đôn, chậu, con voi. Tôi hỏi ông quản lý về việc cung cấp ván nẹp, ông
Hai ghi địa chỉ và nói khi nào rãnh sẽ tới bàn chi tiết, vì ông nói củi bìa có
thể mót cưa thành những miếng nẹp bảng nhỏ mà ông đang dùng và giá thành lại
rẻ, như vậy hai bên đều có lợi.
Vài ngày sau ông tìm đến nhà, thấy gia cảnh
như vậy, nên khuyến khích tôi làm bàn cưa tròn để xẻ củi bìa thành các miếng
nẹp theo thước tấc chỉ định, còn phần vạc bỏ thì để bán củi vụn. Tôi hứa với
ông Hai sẽ làm một đợt cho coi thử, nhưng không ai rành nghề thợ mộc!
Tôi điện thoại nói Phạm Thái Hóa, trưởng Khối Bổ Sung, cho mượn thợ mộc tới chỉ
những cậu trẻ tay ngang mà tôi thuê như “Thợ vịn”, vì đâu biết có làm được lâu
dài không mà kiếm thợ giỏi. Hóa, bạn cùng Khóa 20 Đà Lạt, cho binh nhì Ninh ra
giúp vài ngày, chỉ cho Chương và Thanh cưa ván nẹp. Giao hàng đợt đầu tuy không
hoàn hảo nhưng bà chủ và ông Hai đều là người phúc hậu, họ nhận hàng và đặt
tiếp.
Sau đó tôi đi tới hai chỗ bán đồ sứ ở đường
Võ Di Nguy, Phú Nhuận và đưa hàng mẫu, ở đây chỉ mua thùng chứ không mua ván
nẹp. Sau khi thương lượng giá cả xong, tôi về huy động những người lối xóm đang
thất nghiệp. Trong đó có anh Bộ, thương binh Dù bị cụt hai chân, và con của
Thượng sĩ Lớn, thuộc cấp của tôi, xúm nhau ngồi đóng gia công (làm nhiều ăn
nhiều làm ít ăn ít). Rồi từ tay ngang, tôi ngồi trên xe lăn mà vẫn có thể điều
động quản lý mọi việc, bà xã tôi lo đếm tiền, phát lương, và nấu ăn.
Bây giờ làm ăn cũng kha khá, từ việc bán
củi bìa, nay đã có hai giàn cưa máy chạy ngày đêm; từ việc bán nẹp giờ đây có
thể đóng thùng và nhận vô bao bì xuất khẩu. Thợ đóng thùng từ hai người lên
mười hai người, ai cũng cố đóng nhanh để chiều nhận nhiều tiền, phụ giúp gia
đình được thêm sung túc. Tôi thì lo kiếm cách làm cho sản phẩm ngày càng tốt
đẹp, giá thành phải chăng, và nhất là giữ uy tín, giao hàng đúng hẹn. Cái nào
vì di chuyển bị hư méo, tôi cho đem về đổi ngay. Nhờ vậy các chủ tiệm đồ sứ đều
hài lòng; tiền bạc vô ra, các con có dư đủ; làm tôi quên hẳn mình là người tàn
phế, tinh thần vợ chồng tôi lúc đó rất sảng khoái và yêu đời.
2. Sau Ngày Quốc Hận
a). Tiêu tan sự nghiệp!
Những ngày cuối “Tháng tư đen”, máy bay của tên nội tuyến đã oanh tạc
phi trường; vì sợ liên lụy các con, tôi tản cư qua nhà anh Ba ở Tân Định, thế
là: “Sự nghiệp đang công đeo đuổi, nay
cũng đành gián đoạn giữa đường!”
Toàn dân Miền Nam nói chung, gia đình binh
sĩ và quân cán chính đang bị chôn vùi trong biển hận. Con xa cha, vợ xa chồng,
loài quỷ đỏ đã gieo rắc bao tang thương, bao khổ hận cho mọi người.
Công lao sự nghiệp đã gầy dựng,
mới làm lại cuộc đời, sau những ngày bi quan tưởng mình đã vứt bỏ như đồ phế
thải. Nhưng chỉ một phút bị cướp giựt sạch.
Họ cho đổi tiền, mọi người đều
trở thành vô sản. Mọi người đều chỉ còn 200 đồng, của cải bị tịch thu vào “Quỹ
chung” (Cộng sản) để cho các tên đầu sỏ từ Bộ chóp bu tới những đảng viên thuộc
loại “Ba Mươi” từ từ xài thỏa thích.
Dân đen bần cố nông thì “Chạy ăn từng bữa
toát mồ hôi” còn các ngài thì lúc nào cũng nhân sâm bồi bổ, vì thế họ sống thật
dai để hưởng mọi lạc thú. Người nào cũng quá tẩm bổ, nên đa số chết vì bị tai
biến mạch máu não; nhìn mặt anh nào cũng chành bành bóng loáng to tròn như trái
bong bóng sắp nổ, so với những người nông dân, thợ thuyền gầy ốm thì thật khác
xa như hai thái cực.
Sau khi đưa một đống tiền để đổi
lấy hai trăm đồng Việt Cộng, như vậy từ nay phải làm gì để sống?
Những người mạnh mẽ còn chịu
không kham, huống chi gia đình tôi, cháu lớn mới 7 tuổi, mỗi ngày cứ đọc sách
giáo khoa tuyên truyền toàn chuyện vót chông diệt ngụy, bắn máy bay, và râu bác
dài như.... khiến mỗi lần nghe tới là nổi sùng. Còn Thiện mới một tuổi thì làm
gì có tiền mua sữa, đành cho uống nước lạnh pha chút đường mà chúng tôi thường
gọi đùa là “sữa bộ đội”. Uống riết cháu mặt mày xanh lét, me nó thì phải về quê
mua heo con lên Sàigòn bán. Đồ đạc trong nhà tiêu dần, đồng hồ, Honda, ngay cả
nhẫn Truyền Thống Võ Bị (của thằng Măng, bạn cùng khóa, tặng cho lúc gặp nhau ở
bờ sông Mỹ Chánh) cũng đem ra bán sạch.
Nhà nhà đều sạch, người người đều xẹp,
chính sách của họ đã đi “đúng hướng”, dân miền Nam càng lầm than thì họ càng
khoái chí!
Hết buôn lợn rồi lại lo quấn thuốc lá để 5
giờ sáng leo xe đò Hốc Môn ra Chợ Lớn dành chỗ trải dưới đất bán chui, hôm nào
xui xẻo bị bọn “Mafia con”(cảnh sát hay đám cách mạng 30) ra tịch thu thì sữa
bộ đội của cháu Thiện chỉ còn nước lã, chứ tiền đâu mà mua đường! Ngày nào cũng
ráng ăn bo bo độn khoai mì với nước mắm (tiêu chuẩn gần giống như cơm tù, vì họ
chỉ có nước muối thay vì được nước mắm như dân ở ngoài), nhà là nhà tù, người
là kẻ tội, cả miền Nam đang sống như tù tội!
Bán thuốc lá cũng không xong, tương lai mù mịt, tôi không giúp được gì
cho gia đình, lúc nầy tư tưởng đầy bi quan, tinh thần xuống dốc đến cùng cực!!!
Một hôm Dì Sáu từ tỉnh lên thăm, bà là
người phúc hậu tử tế, bị đánh tư sản. Chúng ụp vào nhà lấy hết vàng bạc (mấy
trăm lượng), vì bà có tiệm bán vàng và cầm đồ và bị kết tội “Tư sản mại
bản”,...Dì Sáu thấy tôi ngồi chiếc xe lăn đã mục nát, nệm lót đã rách nên cho
tiền mua một chiếc xe khác làm chân (anh bạn Lê Tấn Huỳnh Long, nguyên bác sĩ
TQLC, làm ở bệnh viện Quốc Gia Phục Hồi, định cấp cho tôi một chiếc khác, vì
trong kho có mấy trăm chiếc; nhưng tên Sáu Châu không chịu, nói để dành chở ra
Bắc (cái gì cũng chở về Bắc!). BS Long tức giận từ chức. Anh cũng bị pháo kích
trúng xương sống, nhưng phục hồi được chút đỉnh nên đi nạng được. Qua Mỹ anh đã
đổ bằng bác sĩ lại, nhưng ngồi lâu sợ lở mông, nên đi làm bất tiện. Khi qua đây
anh chị cũng có làm giấy bảo lãnh USCC cho gia đình tôi, không sợ gánh nặng của
nợ, thật là tử tế vô cùng).
b) Làm Lại Cuộc Đời .
Thay vì sắm xe lăn, tôi đã mua một chiếc xe lắc bằng tay.
Từ ngày mất nước không có ra
ngoài, vì xe xích lô và xe Jeep đâu còn nữa! Hôm nay có xe lắc tay, giống như
được tháp đôi chân, như chim sổ lòng. Tôi cùng với cháu Thành (lúc đó được 6
tuổi) quyết định đi dạo một chuyến thật xa. Hai cha con hè nhau lắc xe từ nhà,
qua ngang Bà Quẹo, theo lộ đá sỏi tới trường đua Phú Thọ; đoạn đường dài gần
năm cây số! Tôi muốn đến thăm thằng bạn già Trịnh Xuân Tiểu, cùng học Trần
Trung Tiên ở tỉnh. Hai đứa rất thân từ mấy chục năm trước. Tiểu học sĩ quan Hải
Quân khóa 14, vì tánh quật cường không chịu khuất phục nội quy kỷ luật, nên
phải trở lại khóa sau mới được ra Thiếu úy thật sự. Tánh nó rất tốt, lúc tôi
còn đang ở trọ tại Phú Nhuận, hắn đến rủ cùng đi lựa mua xe gắn máy hiệu Pusch.
Sẵn dịp, Tiểu nói mẹ cho tôi mượn tiền mua luôn xe Mobilet loại tự động mới ra
đợt đầu; mặc dù lúc đó tôi chỉ là học sinh đâu có tiền để trả nợ (má Tiểu
chuyên cho vay lấy lời, nhưng nó đâu có cho tính phân lãi với tôi xu nào!).
Tiểu biết địa chỉ, nên một hôm đi xích lô
tới thăm tôi; nó mượn xe lắc tay để về nhà mẹ ở trước rạp hát Trương Minh Giảng
(Tiểu bị phục kích trên giang thuyền và trúng đạn bể xương đầu gối). Nhưng mới
lắc tới Ngã Tư Bảy Hiền thì bị xỉu, may nhờ những người đi đường đè xuống cạo
gió làm nó hoảng sợ mỗi khi nhìn thấy chiếc xe lắc nầy.
Biết xe lắc không ổn, tôi quyết định bán và
tự vẽ kiểu cho anh Học, thợ hàn gió đá, cựu hạ sĩ quan Nhảy Dù, đệ tử tướng
Đống, làm một chiếc khác với khung được uốn cong bằng ống nước loại thép tốt.
Vì thế xe thật vững chắc, có gắn máy PC-50 và sức chịu đựng cao. Với xe có gắn
máy, hằng ngày tôi, cháu Thành, và cháu Vinh ra chợ Tân Bình mua bo bo, đổi mì
sợi tại các Hợp Tác Xã, hoặc đến hỏi mua từng nhà. Từ đó có đồng tiền vô ra
giúp đỡ phần nào cho gia đình, tôi hết tự ti mặc cảm.
Có lần vô Tân Phú mua bo bo, khi đủ bao thì
chở ra Chợ Lớn, qua đường Cầu Tre gập ghềnh khó đi. Hôm đó, vì mua được nhiều,
tôi hăng hái chạy tới chạy lui vô Chợ Lớn bán hàng nhiều chuyến. Đến 8 giờ tối
về tới nhà, tôi mới phát hiện gót chân phỏng sưng to tới thấu xương (thịt gần
như bị chín luôn)! Vì đường gồ ghề nên bao bo bo bị tuột ra sau, đẩy gót chân
tôi chạm vào ống bô (ống khói) nóng hực cả buổi, mà cứ tỉnh bơ chạy hoài.
Mặc dù không có cảm giác, nhưng lúc đó trong
người tôi cảm thấy rất bức rức, khó chịu. Có lẽ vì ống bô quá nóng, khiến máu
trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng nóng theo, nhưng vì nghĩ đến hôm nay được đắc
lợi, lòng cảm thấy phấn khởi, đâu còn để ý đến bản thân mình, miễn sao làm ra
tiền nhiều để gia đình được đầy đủ là cảm thấy vui rồi.
Nhờ ngày nào cũng ngâm nước lá me (đâu có
tiền mua “Bô Mát” loại tốt như của BS Niệm đã cho!) để làm tái thịt chỗ vết
phỏng, nên một năm (tới một năm lận) mới lành hẳn.
Từ đó tôi lấy miếng ván chận chân cho cách
biệt với bô xe. Tuy bị phỏng nặng, nhưng vì sinh kế, nên vợ tôi băng bó gót
chân kỹ lưỡng và hằng ngày vẫn tiếp tục đi mua bán bo bo như thường lệ.
Có lần bị nhiễm trùng đường tiểu hơi nặng,
phải vào nằm phòng cấp cứu tại bệnh viện Trưng Vương; nhưng suốt đêm đó tôi cứ
cảm thấy người bức rức, trằn trọc không ngủ được. Sáng ra mới biết chân mình đã
bị kiến lửa bu đen nghẹt tới không nhìn thấy mười ngón, chúng cắn nát bấy hai
bàn chân suốt cả đêm mà cũng không hay biết! Tôi phải xin xuất viện gấp; lại
phải ngâm chân bằng nước lá me thêm vài tháng!
Lúc ở bệnh viện Trưng Vương, nằm cạnh
giường có một bịnh nhân người vùng Cát Lái, Thủ Đức; ông bị vết mổ làm độc vì
chỉ khâu bị đứt, nên phải nhập viện xin giải phẫu lại. Để có tiền mua chỉ may
vết thương, con ông là em Toàn phải nhịn ăn tới mặt mày xanh xao, tay chân run rẫy,
đi đứng không vững! Toàn cứ nằm co ro, cố ngủ để cho qua cơn đói.
Tôi thấy em tới giờ ăn trưa mà
sao cứ nằm hoài, nên hỏi thăm thì biết Toàn là đứa con hiếu thảo, vì tiền túi
mang theo đóng cho nhà thương hết, mà không thể bỏ cha ở lại một mình; nền đành
ráng nhịn ăn đợi bác sĩ giải phẫu may lại vết thương cho cha.
Lúc ấy bà xã tôi có đem theo bánh
ú, tôi lấy chia cho Toàn ăn. Em mừng rỡ, cám ơn rối rít, tay run run lột lá
bánh ú bỏ vào miệng ăn ngấu nghiến trông thật ngon lành. Hôm sau vì bị kiến cắn
bàn chân nên tôi xin xuất viện, vợ tôi lấy một ít tiền cho Toàn để làm lộ phí.
Tuy số tiền và bánh ú nhỏ nhoi gọi là chia sẻ miếng khi đói bằng gói khi no,
nhưng nửa tháng sau, Toàn đã dò được tới nhà để cám ơn và báo tin ba Toàn đã
qua đời vì nhập viện trễ quá (tại nhà nghèo cần phải xoay tiền nhập viện, thuốc
men thiếu nên vết thương làm độc!).
Chính vì nghĩ đến trường hợp nầy, nên khi
mới qua Mỹ, mặc dù tôi lãnh trợ cấp SSI và bà xã cùng cháu lớn đi làm nhà hàng,
mỗi đêm được $20.00; nhưng cứ vài tháng là chúng tôi gởi về cho những người
nghèo ở Việt Nam (mỗi lần $300 chia cho 10 nhà, chính anh Quách Vĩnh Trường,
anh Triệu k19, và Lâm Sanh Kim đã đem phân phối giùm). Có lần anh Triệu cũng
được 1 phần là $30, vợ anh dùng làm vốn nhỏ và ra chợ Tân Bình mua bán áo quần
cũ; nhưng bị bọn Cách mạng 30 tìm cớ tịch thu, còn nhốt 2 mẹ con vào tù (con
anh Triệu mới sanh cần sửa mẹ mà cũng nếm mùi ở tù!!)
Ra ngoài tôi mới biết có rất nhiều cách để
làm ra tiền, khi mua bo bo ở một nhà nọ, thấy có một cái máy xay bột (hoặc bo
bo) đang trùm kỹ. Tôi hỏi mua với giá rẻ, vì họ muốn trống chỗ nên bán đổ bán
tháo cho xong. Khi đem máy về nhà, bà xã nói không có thợ làm sao sử dụng được;
tôi trùm mền bỏ đó, chờ thời cơ sẽ có dịp dùng. Thấy mấy người Tàu từ Kampuchia
tị nạn ở xóm Tân Việt gần nhà, hằng ngày họ chở từng bao bo bo đi xay thành
bột, bán cho các lò bánh mì thùng phuy. Tôi liền mướn cháu Đại, khoảng 15 tuổi,
đứng máy để xay bo bo gia công. May quá, máy nầy xay ra bột nhiễn nên được
người ta thích, từ đó máy chạy suốt ngày đêm, bà xã tôi rất phấn khởi.
Từ việc xay gia công, tôi nghĩ ra ý mua bo
bo về xay để bán bột trực tiếp cho các lò thùng phuy như lò Tám Cảnh ở Ngã Tư
Bảy Hiền, Chú Thanh ở Bà Quẹo. Cháu Vinh phụ trách lo thu mua bo bo và liên lạc
với những người Khmer tị nạn như ông Si, thằng Hòa, A hắc,...
Cháu Vinh là con của Thượng Sĩ Luông,
Thường Vụ của tôi khi còn ở Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù. Sau ngày mất nước, thấy không ai
săn sóc và gia đình đơn chiếc, cháu Hảo đã đi vùng Kinh Tế Mới, ông cho con gái
15 tuổi là cháu Vinh qua phụ vợ tôi mà không đòi hỏi lương bổng (nhưng chúng
tôi vẫn trả tiền và tăng dần mỗi khi làm ăn thăng tiến). Thượng sĩ Luông là
người rất trung thành, ông đã bị thương lủng mấy khúc ruột rất tội nghiệp. Các
con ông người nào cũng ngoan và giỏi.
Một hôm ba của Tiêu Anh, bạn học Trần Trung
Tiên, đến chơi. Ông là chủ lò bánh mì ở Trung Chánh, trước kia chuyên cung cấp
bánh mì cho Trung tâm Huấn luyện Quang Trung. Ông thấy có máy xay bột nên đưa ý
kiến, mua xác khoai mì về xay nhiễn cung cấp cho các lò bánh mì làm bột áo thoa
tay.
Thấy thị trường bo bo hơi hạn chế, người Khmer tị nạn cũng làm máy xay
gia công. Do đó tôi đi Hố Nai mua xác mì về xay bán cho các lò thùng phuy, rồi
tôi đem mẫu cho các lò bánh mì lớn. Lúc đầu thật khó khăn, vì họ có người bỏ
mối sẵn. Nhưng tôi không nản chí, cố gắng tìm xác mì trắng, rồi cứ đi vòng vòng
từ các lò Nguyễn Huệ,... ở Phú Nhuận, tới lò Đồng Khánh ở Chợ Lớn. Lúc đầu được
một lò, rồi hai, ba, bốn,...dần dần hầu hết các lò ở Sàigòn đều là khách hàng
của tôi.
c). Kinh Doanh phát triển.
Vì máy ở nhà quá nhỏ, nên tôi
phải vô Cầu Tre bao luôn nhà máy của ông Tám, họ lãnh xay ngày đêm mới kịp giao
đúng hẹn cho khách hàng. Nhà máy nầy khá lớn, nhưng vì mới nên chỉ có hai người
đặt xay gia công. Anh Hào thì xay xương bò và trấu trộn cám cung cấp cho các
tiệm bán thực phẩm gia súc; tôi thì cho chở từng xe vận tải xác mì cung cấp bởi
anh Hùng, chủ thầu xác và bột khoai mì ở làng công giáo Hố Nai. Công nhân trong
nhà máy ưa nói đùa:
“Xay xác ông Dưỡng xay xương ông
Hào”!
Ngày nào tôi cũng chạy theo xe
Lam của chú Hoàng đi giao hàng khắp nơi. Còn Cháu Vinh thì đi theo xe ba bánh
gắn máy của chú Hiền chở bột áo đi giao vùng khác (hai xe nầy bao chở mối
thường xuyên cho tôi). Lúc nầy khách hàng nhiều mà bọn nhà máy quốc doanh làm
việc không đàng hoàng, đôi khi sai hẹn, và họ còn định xay lén dành mối, đâm
sau lưng khách hàng mình (vì chủ trương họ là bất chấp mọi thủ đoạn, miễn mình
có lợi là được rồi). Các nhà máy do người Hoa Kiều ở Chợ lớn thì làm ăn rất có
uy tín, nhưng họ đã có khách hàng sẵn nên không nhận thêm của tôi được.
Vì thế để tự xay xác mì tại nhà, tôi vô
Chợ Lớn đặt cái máy xay to lớn, đường kính khoảng 8 tấc, mua Motor 25 Ngựa,
dùng thùng phuy chẻ và tôn cũ làm vách.
Nhà tôi có sân rộng, bên cạnh là một lô đất
trống (mỗi lô là 8x20 do SĐND cung cấp, trước kia đã mua được 1 lô, chỗ tôi
đang ở là xây cất trên lô của Đại úy Vị, đã nói ở Chương Ba). Vợ tôi trồng cây
ăn trái như ổi, mít, dừa, mảng cầu, đào lộn hột,..Sau ngày Quốc hận, có lần bên
Phường mượn sân trống đặt bàn làm thẻ cử tri; lúc đó Trưởng Ban An ninh, thấy
bà Bảy là cô của y, đang ở nhà tôi, nên sau nầy dễ chịu không cho người dòm ngó
kiểm tra ngầm nữa.
Bà Bảy là chủ nhà trọ cũ, bà rất thương tụi
nầy, sau ngày mất nước bà hay tới thăm và ở chơi vài ngày; chúng tôi thường cho
tiền bà tiêu vặt. Lúc nầy hơi khá, con cháu của bà kẹt tiền, chúng tôi sẵn sàng
giúp đỡ. Còn bà thượng sĩ Bạc vì mấy đứa con trai đi nghĩa vụ, nên lúc kẹt cũng
qua hỏi mượn, chúng tôi không bao giờ do dự; vì họ từng giúp đỡ gia đình tôi
nhiều phen. Ở Sàigòn chúng tôi coi gia đình bà Bạc, Bà Bảy, cụ Hoàn, anh Nhàn,
Thượng sĩ Luông là những người bà con tốt. Vợ tôi rất nể trọng những người nầy.
Nhà máy xay bột được dựng lên do những tay
ngang, bà xã thì lo tráng nền; Tâm, Thành, Thiện, và cháu Vinh phụ trách khiêng
và trộn hồ. Nhằm đúng ngày chú Hùng ở Hố Nai tới thâu tiền xác mì, thấy thợ nhà
làm lồi lõm nên ngứa mắt; anh xăn quần áo nhào vô phụ tráng nền.
Thế là nhà máy cũng xong, điện ba
dây thì câu nhờ với chị Hai (vợ của cố Trung tá Vinh, cựu Chỉ huy trưởng Trung
tâm Huấn luyện Nhảy Dù). Vợ tôi may cái mùng chứa hơi bằng vải kaki trắng to
giống như khinh khí cầu, rồi đóng thùng chứa bột bằng ván ép, không thua vì thợ
mộc.... mới học nghề! Cháu Vinh, Đại, Nhân, Tâm, và bà xã,...là những công nhân
thường trực của “Nhà máy xay bột tư doanh” vừa mới dựng bảng hiệu Phát Lợi và
khai trương nầy.
Mọi việc đều êm đẹp, vợ tôi vừa làm thợ
mộc, thợ máy, thợ điện, và kiêm luôn thợ nấu ăn cùng quản lý tài chánh. Đàn bà
mà, thấy tiền vô như nước, đếm hoài không biết chán, nên làm việc rất hăng, còn
muốn mọc thêm nhiều cánh tay để “tăng gia sản xuất”. Vì khách hàng tới hối
thường xuyên, nhiều khi phải làm suốt đêm để giữ đúng hẹn!
Xay bột dính đầy đầu mà cũng ham.
Có lần vì mưa dột ướt áo quần; Nhi, đang xay bột, đứng lên vén tóc, thì tay ướt
chạm nhằm dây điện, nàng bị giật té cái rầm, ngã nguyên con trên sàn bột, thật
nguy hiểm vô cùng!
Tôi thì lo chạy vòng ngoài, lúc
đi xa lộ đón mua bột và xác mì, chẳng may xe bị gãy cốt gần rơi bánh sau. Cháu
Thành (lúc đó được 8 tuổi) phải hì hục đẩy xe từ bên kia dốc cầu xa lộ. Cầu nầy
dài khoảng 1000 thước và dốc rất cao! Tội nghiệp cháu nhỏ tuổi ốm yếu mà phải
đẩy chiếc xe cọc cạch nặng nề, tôi thì không thể xuống để xe nhẹ bớt phần nào!
Đã vậy lại còn gặp thêm chuyện xui xẻo nữa chứ.
Số là khi Thành đang lo cặm cụi đẩy xe lên
dốc, tới gần giữa cầu có cục đá to; tôi vừa lo lách tránh, chưa kịp kêu thì
chân cháu đã vấp vào, làm ngón cái bị trúng chảy máu ròng ròng; mà Thành vẫn
phải bậm môi, cắn răng nhịn đau tiếp tục đẩy.
Vì nếu ngừng thì xe tuột dốc càng
nguy hiểm thêm. Lòng tôi lúc ấy đau đớn đứt ruột! Cháu cứ để cho máu chảy và
tiếp tục đẩy thêm gần 1 cây số tới phía bên nầy dốc cầu mới có chỗ sửa xe, và kiếm
thuốc băng tạm vết thương!!!
Thật là tội nghiệp con hết sức,
mới từng ấy tuổi đầu mà đã chịu nhiều đắng cay! Ở cái tuổi đó, đáng lẽ chỉ lo
đi học và vui đùa, còn cháu thì phải ngày đêm dầm mưa phơi nắng theo phụ giúp
người cha tàn phế trôi nổi đó đây!
Lúc tôi ra ngoài, bên lưng lúc nào cũng dấu
một cái bóp nhét đầy tiền. Mỗi lần đi đâu đều có Thành theo phụ đẩy cho máy nổ
khi xe khởi động.
Có lần ăn bún ở gần nhà Quách
Vĩnh Trường trong Cư Xá Lữ Gia, tôi kêu họ bưng 2 tô bún cho anh chị Trường. Hai
bố cháu ăn uống ngoài đường ngoài xá, có bữa đi từ sáng tới chiều tối mới về
tới nhà; vì ngồi lâu nên một trái thận bị hư, coi như ngưng hoạt động.
Mỗi ngày tôi có mời chú Tuyển tới châm cứu, vì thận hư làm chân sưng và
lở loét thật khó chịu, tối nằm ngủ chỉ nghiêng được một bên. Bây giờ bán bột áo
và bo bo cũng khá, nhưng thấy các lò thùng phuy tiêu thụ bột mì rất nhiều; nên
tôi liên lạc với một vài chủ lò để trao đổi bột bo bo với bột mì.
Giai đoạn mua bán bột mì lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn, sau nhờ giữ uy
tín nên các chủ lò giới thiệu cho nhau nên tôi làm ăn càng ngày càng phát đạt.
Nhớ lại lần đầu muốn mua hai bao bột, 5 giờ khuya, tôi và cháu Vinh chạy
lên Phú Nhuận canh lò vừa mở cửa để chồng tiền mua 2 bao bột (mỗi bao giá 2
ngàn đồng tương đương một lượng vàng). Lúc đó bà chủ tăng giá bất ngờ nên thiếu
100 đồng, tôi đòi thế chiếc xe đạp của cháu Vinh đang cỡi để về nhà lấy thêm
tiền. Bà chủ lò không chịu, chỉ bán cho một bao, tôi vừa chở bột về vừa tiếc rẻ
và tủi hổ; nhưng chỉ nửa năm sau, chính bà chủ đó và nhiều chủ khác dám bán
chịu cho tôi mỗi lần một tấn (20 bao tương đương 20 cây vàng!).
Dần dần tôi đã tạo được uy tín, lúc đầu có
1 ông chủ vì kẹt bột dư trong lò lâu ngày chưa đem ra được (các lò thường làm
bánh nhỏ hơn chút đỉnh hòng có bột dư bán lén cho các lò thùng phuy, để kiếm
chút cháo, vì lò nào cũng bị quốc doanh). Sắp tới ngày kiểm kho, ông ta đang
lính quýnh, thì vừa đúng lúc tôi đến giao bột áo; ông bảo đút xe Lam vô chở đám
bột thặng dư đi bán dùm, giá bao nhiêu cũng được. Tôi làm theo, chở bột đem
giao cho vựa ở Chợ Vườn Chuối, và đợi vựa bán ra chút đỉnh mới đủ tiền trả tới
20 chục cây lận! Mãi tới gần 11 giờ đêm tôi mới đi tới nhà, để đem tiền tới
giao lại cho chủ lò. Nửa đêm nghe tiếng gõ cửa, ông ta giật mình kinh sợ, chừng
thấy hai chú cháu mới an tâm, đếm tiền xong ông ta nói: - Tại sao anh không để sáng đem lại cũng
được?
- Đây là số hàng lớn, tôi sợ ông lo suốt
đêm. Thấy tôi hiểu thấu tâm can, mặt ông vui vẻ và nói:
- Anh làm ăn rất có uy tín, tôi sẽ giới
thiệu các chủ lò khác.
Vì thấy tôi không bắt chẹt và trả
tiền bột cao giá hơn những người khác, nên lần nào có bột dư ông cũng đích thân
lái Honda tới nhà gọi. Rồi các chủ lò khác nghe tiếng cũng lần lượt đến kiếm
(trước kia tôi phải đến từng lò bánh mì, bây giờ thì các chủ lò đích thân đến
nhà tôi). Thế là việc bán bột còn thu lợi khá nhanh hơn xay xác mì nữa. Tiền vô
ào ào, tháng nào tiêu chuẩn cũng phải sắm một cây vàng. Có tiền thì nghĩ tới đi
chui, tôi cho cháu Tâm theo cậu Hai Lâm Ál; người lái tàu là Trịnh X Tiểu. Ra
khơi được 3 ngày thì gặp bão nên tấp vô và bị tóm ở Hòn Khoai, Cà Mau.
Cháu Tâm trên thuyền cùng với cháu Vũ, con
anh Hai Ál, rãnh rỗi ra be thuyền nhìn nước biển và kể lúc ra khơi thì gặp nước
màu vàng, màu xanh, màu đen. Rồi đột nhiên thấy ngược lại màu đen, màu xanh,
màu vàng, và đụng bờ bị bắt cả đám, tịch thu hết vàng bạc và đồ quí đem theo.
Tội nghiệp Tâm lúc đó mới 10 tuổi đầu mà cũng nếm mùi tù, ăn cơm muối hơn một
tháng. Tiểu bị tù vài năm và bị tịch thu nhà cửa! Sau nầy anh Hai Ál làm thêm
một chuyến nữa, tôi lại bị mất hơn chục cây vàng mà cũng không xong, thôi đành
tìm cách khác.
Lúc ấy nhân dịp năm Quốc tế người tàn tật,
có diện cho xuất cảnh chữa bịnh, tôi nhờ anh bạn tốt là cựu Thiếu tá Phòng Ba
SĐND tên Lâm Sanh Kim, k4 phụ TĐ nộp đơn thử.
Mặt khác vận động bạn bè ngoại
quốc nhờ làm giấy bảo lãnh USCC. Tiến hành như vậy giống như là nước lã mà
khuấy nên hồ; vì không có ai thân thuộc trong diện tứ thân phụ mẫu đang ở ngoại
quốc như những người khác! Nhưng không hiểu sao ý chí tôi tin tưởng và quyết
tâm lo vụ nầy một cách tích cực!
d). Kinh Doanh Thu Hẹp Lo Thủ Tục Xuất Ngoại
Lúc ấy gia đình Dì Sáu cũng được đi diện
đoàn tụ (con lãnh cha mẹ). Vợ tôi có nhờ bà kêu mấy em họ ở Mỹ làm cho giấy
USCC, khoảng một năm sau thì tôi được một lượt tới 3 giấy USCC của Tuấn Anh,
con bà Dì; Hồng Nhàn, bạn học trước ở Đại đội Tiếp Liệu Dù; và Lê Tấn Huỳnh
Long, BS TQLC (đã mòn mỏi trông đợi gần 2 năm, bây giờ lại có một lúc ba người
sẵn lòng bảo lãnh, khiến mọi người trong nhà đều mừng rỡ, hy vọng một ngày mai
trời sẽ ngó lại)
Giống như những lần trước, từ nguồn tuyệt
vọng, gia đình tôi cũng đã tìm được những điều mỹ mãn ngoài tầm tưởng tượng.
Bấy giờ có một số sĩ quan ở tù được thả về,
Lã quý Trang (3 năm), Nguyễn Thanh Nhàn (5 năm), Bác sĩ Tường, rồi tới Nguyễn
văn Khen, Nguyễn Hiền Triết, Phạm Thái Hóa, Nguyễn văn Triệu, Ngô văn Nhị (em
rể tôi), và đại tá Nguyễn thu Lương,...Những người sau nầy tù từ 8, 9 năm trở
lên; như anh sáu Lương đã bị biệt giam và bị hăm dọa lên án tử hình nhiều lần
vì tánh khẳng khái, bất khuất mà các bạn tù chung đều khâm phục, thương mến.
Riêng Nhị vừa về là lo đi chui và
bị bắt nhốt tại Bến Giá, Trà Vinh hơn một năm, đến khi bị ung thư ruột già mới
được thả về chừng một tháng thì chết, bỏ lại 4 đứa con còn nhỏ dại và vợ là em
gái duy nhất của tôi phải chịu cảnh gà mái nuôi con, trong xã hội: “Nước trong leo lẻo cá đớp cá! Trời nắng
chan chan người trói người!” Nhị
xuất thân K12 Thủ Đức, tánh tình rất hiền, 4 đứa con Nhị đều có cái miệng cười
duyên dáng và hiền hòa giống hệt Nhị.
Năm 1975, Nhị đi tù cải tạo thì cháu lớn mới 7, 8 tuổi phải phụ bà ngoại
trông coi của tiệm để cho mẹ chạy đôn chạy đáo vừa mua bổ hàng vừa lo thăm nuôi
Nhị.
Nhất là chuyến ra miền Bắc, em
gái tôi phải mượn 1 lượng vàng mua đồ trên 120 kg kéo lê lết đem tới trại trong
rừng sâu thật là cực khổ. Có lần tôi vô Chợ Lớn mua bao đựng bột, thấy em tôi
vừa đi vưà chạy để mua sắm mặt mày bơ phờ thật tội nghiệp, vậy mà tối còn phải
ngồi cầu thang dấu tiền vô ống chỉ rồi vừa ngồi quấn chỉ vừa ngủ gục! để khuya
4 giờ thức dậy đi thăm nuôi Nhị ở Long Giao.
Nhưng trời cao cũng ngó lại, em
tôi được ông Ba ở chợ Kim Biên giúp đỡ trong một hội ngộ bất ngờ: số là 2 đứa
con của Nhị được ông Ba cho bán hàng ở trước hiên nhà.
Ông nhiều lần thử nhưng các cháu
lượm dây chuyền vàng và đồ quý đều trả lại, do đó ông thương tình giới thiệu
nhiều mối bán sĩ và cho chứa đồ hẳn trong nhà. Nhờ địa điểm tốt và uy tín của
ông Ba nên các cháu làm ăn mỗi ngày mỗi phát đạt, ông Ba tin và thương các cháu
còn hơn con ruột. Bây giờ ông già yếu (trên 80) em tôi cấp dưỡng và các cháu
thường xuyên thăm viếng và châm sóc như ông ngoại ruột .
Bán bột mì một thời gian thì các chủ lò xuất ngoại dần, nên việc thu
nhập chỉ còn một phần nhỏ, chúng tôi lại có thêm nghề mới: làm bột năng. Tôi
mua khoai mì từ Hố Nai, Tây Ninh,...Vợ tôi mướn người lột vỏ, xay nhiễn, bỏ vô
bồng bột (bao vải), nhúng vào thau nước nhồi cho bột hòa tan trong nước. Còn bã
mì thì đổ ra thùng bán cho heo ăn, hoặc phơi khô xay nhiễn làm bột áo. Sáng ra
đổ bỏ nước, lấy muỗng vớt lớp bột vàng (bột mủ) để riêng, còn lại bột trắng
tinh thì đổ ra phơi. Lúc trời mưa, tôi sợ bột bị ướt thường la oé lên để mấy
đứa bưng các nia bột vô nhà. Nhờ làm nghề nầy tôi có thể nhìn mây đoán được trời
sẽ mưa hay không!
Tôi cũng làm đại lý thâu mua bột năng của
bạn hàng từ Tây Ninh và Hố Nai. Các bạn hàng thật khôn lanh, lúc bột hiếm phải
ra bến xe đón giành mua. Lúc vô mùa bột ối động, họ đổ đại vô nhà mỗi ngày hàng
tấn; làm tôi phải lo tìm mối tiêu thụ trong Chợ Lớn, hoặc tới các lò làm bún
tàu, bột bán,..ở Cầu Tre. Nếu để lâu bột sẽ bị nổi mốc, coi như lỗ vốn. Tôi
cũng cho xay bột năng nhiễn và vô bao từng 10 ký lô, hằng ngày có ông Si, chú
Biện đem xe đạp tới chở giao cho các sạp tạp hóa ở chợ, lò làm bánh Da Lợn,
hoặc các hãng dệt để họ hồ bột.
Ông Si là người Khmer gốc Hoa Kiều, lúc ở
Miên ông đã nghe lời ngọt ngào của tụi du kích, nên có ủng hộ tiền của. Tới khi
chiếm được miền Nam, vợ chồng tới gặp, họ làm bộ như xa lạ. Ông và những người
Khmer tị nạn chửi rủa họ vô ơn bội nghĩa! Ông Si người ốm yếu nhưng nhờ là người Tàu, làm ăn đàng hoàng nên
cũng bỏ bột được nhiều mối. Ông lấy hàng trước chờ thu được tiền mới đưa tôi.
Một hôm, vào năm 1982, ông và gia đình
định trở về Miên để tìm đường đi chui qua đường Thái Lan. Họ là dân bản xứ biết
tiếng Khmer, nên cứ sống như dân du mục, đi dần tới gần biên giới. Rồi một ngày
đẹp trời, cả gia đình bắt đầu thực hiện kế hoạch. Họ ngày đêm băng rừng lội
suối chạy vượt biên giới qua Thái Lan. Trước khi ra đi, bà vợ ngần ngại không
muốn cho ông qua từ giả chúng tôi; vì còn kẹt một số bột chưa thâu tiền được để
trả cho tôi. Nhưng ông là người khẳng khái, tín nghĩa, chẳng lẽ bỏ đi không từ
giả người đã đem công ăn việc làm cho mình bấy lâu nay. Cuối cùng ông Si quyết
định nói cho biết (thật ra nếu không nói tôi cũng thông hiểu vì vượt biên quan
hệ tới nhiều sinh mạng, cần phải giữ bí mật tối đa).
Vợ tôi làm tiệc tiễn đưa, trước khi đi ông
ôm cứng tôi như cảm động không muốn rời, rồi nhét vào túi cho tôi một cọc tiền
như để trả nợ; nhưng vợ chồng tôi không lấy, vì biết ông rất cần số tiền nầy.
Ông Si quả thật là một người biết
trọng chữ tín, mấy năm trước, đang ở Cali, ông viết thơ về Việt Nam cho những
người Khmer còn kẹt lại và hỏi thăm được số điện thoại. Ông mừng quá, vội gọi
tôi và nói muốn qua thăm, vài hôm sau ông bà mua ngay vé máy bay. Khi gặp tôi,
mừng rỡ như tìm lại được bạn cố tri, bây giờ ông mập mạp giống xì thẩu (ông
chủ) như lúc còn bán tạp hóa ở Campuchia.
Sau ngày mất nước khoảng hai năm, anh cận
vệ cũ của tôi lúc còn ở Đại đội 91 Nhảy Dù là Nguyễn văn Năm, từ vùng Kinh Tế
Mới xa xăm về thăm tôi. Thầy trò lâu ngày gặp nhau mừng mừng tủi tủi, Năm kể
lại sinh hoạt của gia đình và anh em Tiểu đoàn 9 ở vùng kinh tế mới trong thời
gian qua.
Năm và một vài bạn đã rủ nhau vô
rừng cưa cây, cắt ra từng khúc để đun thành than, rồi dùng xe đạp thồ (chở) mỗi
người trên trăm ký; vừa đạp trên đường nhựa, vừa dắt bộ trên đường đê để tránh
trạm kiểm soát; đoạn đường dài từ Gò Dầu tới Sàigòn (gần 100 cây số!). Đứa con
trai đầu của Năm mới 12 tuổi mà cũng theo cha chở than đem lên Sàigòn, trên
một khoảng đường thật xa xăm, vất vả và
đầy nguy hiểm. Nguy hiểm vì du kích thường chận đường tịch thu bắt bớ hăm dọa
đánh đập giống như những tên cướp cạn.
Lúc bấy giờ chẳng khác nào chế độ sứ quân thời xưa, du kích mỗi làng xã
thường sách súng ra đường đón xe đò cướp bóc, xét chận lấy những đồ bạn hàng
dấu (đem về Sàigòn bán chui) như thịt heo, gà, vịt, gạo,...để đưa về cho vợ con
chúng và chia nhau nhậu nhẹt hả hê! Mặc cho những người dân vì muốn kiếm tiền
nuôi sống gia đình, nên phải độn đồ lậu vào đùi, vào bụng giả đàn bà có thai,
nhưng không qua được những tay cướp bóc chuyên nghiệp nầy.
Chỉ vì muốn bảo vệ 2 bao than
xương máu, nên khi đi gặp du kích gọi lại bất ngờ, Năm biết tránh không khỏi,
cũng ráng chạy trong tuyệt vọng, để mong giữ được gia tài sống chết vô cùng cần
thiết cho vợ yếu (bệnh tim nặng) con thơ, đang chờ tiền để mua thuốc men và sữa
cho đứa bé sơ sinh nhỏ dại. Lúc đó dù biết không chạy nhanh bằng đạn bay, nhưng
anh đã quẩn trí, chỉ nghĩ đến vợ con, nếu không có tiền thì họ sẽ nguy khốn,
anh không còn nghĩ tới bản thân mình nữa, chỉ cần họ được bình an thì anh có
chết cũng không màng!
Rồi một viên đạn thù xuyên qua vai anh, do
tên du kích cướp cạn chỉ vì bao than mà coi sinh mạng người dân như cỏ rác! Sau
hơn một tháng trị thương, gia đình bị sạch vốn. Vợ anh là con của Trung sĩ Chu
cũng là thuộc cấp cũ của tôi, đã khuyên Năm bỏ nghề nguy hiểm nầy và thử lên
Sàigòn kiếm tôi cầu cứu. Nhưng Năm ngần ngại vì ông thầy mình đang bệnh tật,
dưới chế độ nầy không biết có tồn tại được hay không. Sẵn dịp còn yếu chưa làm
gì được,anh định đi thăm “xếp” cũ một chuyến, còn việc nhờ cậy chắc không có hy
vọng gì.
Cha con dùng hai chiếc xe đạp, đem theo mấy
củ khoai mì, khoai lang, và cặp gà định đem lên Sài gòn cứu đói thầy mình. Năm
không ngờ tôi như vậy mà cũng còn kiếm ăn được, suốt hai ngày ăn uống chuyện
trò mà không dám mở miệng, cuối cùng anh bạo dạn nói: - Anh Tư, tôi muốn mượn anh chị 150 ngàn (lúc
đó tương đương nửa lượng vàng) để làm vốn buôn bán, nếu anh kẹt vốn thì để tôi
xoay sở cách khác.
Gia đình tôi lúc đó cũng mới bắt đầu kiếm
ăn được, mặc dù chưa có dư nhiều, nhưng ở chung lâu ngày, biết Năm là người tự
trọng, cần cù chịu khó, trước kia lúc đi hành quân, Năm lo cho tôi từng miếng
chỗ ngủ, nay chỉ vì hoàn cảnh đặc biệt mới mở miệng nhờ mình, ở thời buổi khó
khăn chung của cả dân chúng miền Nam, và của gia đình binh sĩ trong chế độ cũ
nói riêng.
Tôi bàn với bà xã nhín chút tiền cho anh
mượn, vợ tôi bằng lòng, Năm vô cùng mừng rỡ. Chỉ một năm sau, anh đã hoàn trả
đủ số tiền và còn đem cho tôi một quày chuối to lớn, do chính tay anh trồng
được. Bây giờ vợ Năm buôn bán gạo lẻ ở chợ trong khu kinh tế mới, Năm lo trồng
trọt và thỉnh thoảng ra chợ Gò Dầu Hạ chở gạo và hàng tạp hóa về cho vợ bán.
Mỗi khi đi Sàigòn, Năm đều ghé nhà thăm, tôi thường theo dõi và rất hài lòng vì
với sự chịu khó cần cù, gia đình anh mỗi ngày mỗi ổn định hơn.
Sau khi nộp đơn xin xuất ngoại
chữa bệnh, khoảng hai năm thì được gọi bổ túc hồ sơ, tôi và cháu Thành tới
Nguyển Du, vì bục tam cấp cao nên họ cho Thành (mới 10 tuổi) vô đại diện. Họ
bảo tôi về làm tờ tường trình bản thân. Họ kêu tới kêu lui nhiều lần ý muốn làm
khó dễ đủ điều, nhưng tôi vẫn kiên trì; rồi họ bác đơn, tôi khiếu nại. Họ làm
khó dễ, bảo chỉ cho một mình tôi đi chữa bệnh thôi. Tôi ưng chịu.
Quách Vĩnh Trường và tôi qua sở Ngoại Vụ
khiếu nại, ở đây gặp cô thơ ký (có lẽ là nhân viên chế độ cũ) rất tử tế và nhân
hậu, lúc nào cũng ưu tiên cho người tàn phế. Thấy tôi và Trường đến đưa đơn
khiếu nại, cô từ trong phòng bước ra ngoài nhận đơn và vui vẻ trả lời những câu
thắc mắc của hai đứa. Một tháng sau chỗ làm thủ tục xuất cảnh thông báo gia
đình tôi đã được chấp thuận và đợi ngày gọi đi phỏng vấn. Khi ngồi ở văn phòng
đợi phái đoàn Hoa kỳ kêu vào, các cô thơ ký coi hồ sơ nói: - Chú không ở diện
tứ thân phụ mẩu trực thuộc (vì người bảo lãnh là em bạn dì bên vợ!), chắc không
đi được đâu!
Vợ chồng tôi nghe vậy thì vô cùng
chán nản! Lúc vào bên trong, sau khi hỏi lung tung, viên Trưởng Phái Đoàn Phỏng
vấn Mỹ lật danh sách hồ sơ lớn bằng cái bàn, tìm luôn hai cuốn cũng không thấy
tên trong sổ. Ông ta lắc đầu, nhân dịp cô thông dịch ra ngoài lấy đồ gì đó,
nhanh tay tôi đưa cho ông tờ tường trình về thành tích 10 năm ở quân ngũ, trong
đó có ghi hai huy chương Mỹ và huy
chương Việt Nam như Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương, chiến thương bội tinh,
nhành dương liễu, sao vàng, sao bạc,...cùng hình ảnh sĩ quan Cố Vấn Hoa Kỳ mà
Đại tá Nguyễn Thu Lương đã cho tôi. Đọc xong, ông bảo chúng tôi ra ngoài, chờ
gọi về Thái Lan kêu họ dùng “Số quân”, hỏi ban hồ sơ ở Mỹ coi tôi có những huy
chương Hoa Kỳ như đã ghi trong tờ giấy mà tôi vừa mới đưa không? Chừng một
tiếng đồng hồ sau ông gọi trở vô và hỏi: -Anh bị thương lật xe có được quy
trách công vụ không? Tôi vừa gật đầu vừa đưa ông ta tờ copy giấy chứng thực
(khi hành quân dù bị tai nạn cũng được quy trách công vụ)
Chắc ông ta đã nhận được điện thoại xác nhận
cái huy chương With “V” Devive kèm nhành lá liễu mà Cố Vấn Trưởng TĐ9ND đã gắn
cho tôi trong trận chiến vùng Ven Đô. Ông đích thân đứng dậy bắt tay và rót trà
mời tôi, uống ly nước trà mà lòng tôi cảm thấy mát dạ làm sao, vì từ đây tương
lai ba đứa con tôi sẽ sáng sủa, bản thân tôi sẽ không còn nghe những luận điệu
điêu ngoa trên đài truyền thanh, truyền hình, và nhất là những cô búi tóc
Phường thỉnh thoảng cứ lại nhà dạy đời, nói móc họng: “Hai chân anh không đi
được chứ đầu óc còn vướng nhiều tư tưởng Mỹ Ngụy lắm!”. Khi đi khám sức khỏe bác sĩ thấy phim quang
tuyến có nhiều mảnh đạn còn trong mình tôi, ông ta hỏi: “Trong nầy có nhiều
mảnh đạn, lúc trước anh đã đi quân đội phải không?”
Tôi sợ bị làm khó dễ nên nói dối: - Đây là những mảnh bị pháo kích từ Tết Mậu
Thân!
Nhìn tướng tôi một lúc, ông ta hỏi gằn:
“Anh cứ nói thiệt tình đi.”
- Phải, lúc trước tôi có đi lính.
- Lính gì, nhìn tướng anh có vẻ không phải
lính trơn?
- Tôi là cựu Thiếu tá Nhảy Dù.
- Như vậy mới được chứ, anh đừng lo tôi sẽ
phê tốt cho.
- Cám ơn Bác sĩ!
Sở nhà đất nói sĩ quan Dù nhiều nợ máu
không được bán, tôi đành ký giấy hiến nhà và phải đưa cho chúng một ngàn đồng
mới có giấy xác thực để không bị khó dễ tại phi trường! Trong khi diện ưu tiên
cao như chồng vợ thì đợi tới 4 tháng, còn tôi được xếp vào diện “Nhân đạo đặc
biệt”, chỉ một tháng là đã có chuyến bay! Khi đã biết chắc ngày lên đường, tôi
bao một chiếc Taxi quen chở cả nhà về quê thăm gia đình hai họ.
Một tuần lễ thăm quê mẹ lần chót
ở Vĩnh Bình; bà con, bạn bè thay phiên đãi tiệc tiễn đưa, trong số bạn thân, có
anh Nguyễn Thành Chấn “Vừa là tri kỷ vừa là tri âm”. Lúc còn học Đệ Thất trường
tỉnh, Trần Trung Tiên, thấy Chấn mồ côi cha mẹ sớm, ngày nào cũng đem cơm theo
từ quê đạp xe tới trường, đoạn đường dài 9 cây số dưới trời nắng chan chan.
Vì má tôi có sạp bán guốc ở chợ,
nên hai đứa phụ trách nấu ăn, Chấn lãnh phần làm cá, lột tép, rửa rau; còn tôi
nấu cơm và nêm nếm (chơi gác bạn rồi!). Mỗi lần nấu xong tôi nếm tới no bụng
luôn! Chấn tánh tình hiền lành và tốt bụng, bạn bè ai cũng thương mến. Sau khi
xong Đệ Nhứt Cấp, Chấn vào Sư Phạm còn tôi lên Sàigòn ở nhà trọ để tiếp tục
học.
Lúc vừa mới ra trường làm thầy
giáo với lương chỉ 4 ngàn đồng một tháng, vậy mà Chấn cũng tự động gởi cho tôi
1 ngàn/tháng. Má tôi cho 1500$/tháng
mà tiền trọ chỉ có 800$/tháng, nên tôi lúc ấy cũng không thua kém vì anh Thống,
công tử Bạc Liêu, ở trọ chung nhà. Trong đám cùng ở trọ, đứa nào cũng trượt một
vài keo mới lấy được mảnh bằng Tú Tài Toàn Phần, còn tôi vì thấy má buôn bán
cực khổ và tấm thạnh tình của Chấn, nên ráng học và thi keo nào trúng keo nấy.
Sau nầy Chấn bị Động Viên đi khóa
Hạ Sĩ quan ở Quang Trung, tôi có chở bà xã, đang mang bụng bầu to lớn, lên thăm
Chấn, nhưng vì đợi chờ lâu quá, vợ tôi xỉu nên phải đi về.
Lúc đó tôi có gởi tiền lại cho Chấn,
anh nhận được vài lần rồi Chấn bảo ngưng. Sau ngày mất nước, Chấn làm ăn thất
bại, lên nhà tôi mượn một lượng vàng làm vốn buôn bán, bà xã rất sẵn lòng vì
nghe tôi thường kể về người bạn tâm giao nầy. Vài năm sau Chấn làm ăn được, vội
đem 5 chỉ tới trả nợ trước, phần còn lại sẽ trả sau. Chúng tôi nói phần nầy khỏi
đưa nữa, vì lúc trước còn nợ bạn thanh toán chưa hết.
Chấn từng viết trong lưu bút ca ngợi tôi rất
tốt với bạn bè, nhưng sự thực so với anh thì tôi còn thua rất xa.
Tôi rất quý bạn bè, trên quảng
đường đời, gặp rất nhiều bạn tốt, nếu mình vì mọi người thì mọi người cũng vì
mình. Đó là phương châm mà tôi hằng noi theo để cư xử với bè bạn và mọi người
xung quanh.
Ở Trà vinh một tuần lễ, gia đình
tôi đi cúng mộ Ba tôi và Má vợ; rồi nhiều bà con và bạn bè cùng đưa lên Sàigòn.
Nhạc gia cho một cặp dê, bà con hai bên đem nào là cua, tôm, gà, vịt,...và đích
thân hai tay nấu ăn giỏi là Cô Hai Néo và anh Hai Sang đứng bếp nấu đãi bạn bè
lối xóm hơn một trăm người. Trong đó có anh Sáu Lương, anh Triệu, cò Thu, anh
Nhàn, ông cụ Hiếu,...
Bà tổ trưởng hỏi sao không mời
những người bên Phường, tôi mỉm cười ngụ ý cho bà biết là:
Đồ ăn ngon
Chỗ ngồi ăn ngon
“Người ngồi ăn không ngon”
.....Không ngon!!!
(Tản Đà)
Sáng hôm sau ba xe bus mà tôi đã thuê
đến chở bà con, lối xóm, bạn bè (trong đó dĩ nhiên có Chấn) để đưa tiễn gia
đình tôi ra phi trường. Bà cụ nhà đối diện, má của cựu Trung tá Tôn thất Hiếu
Truyền Tin SĐND, và bà Sáu đã ôm vợ tôi khóc một cách ngon lành. Mười bốn năm ở
đây, chúng tôi đã gây được thiện cảm với bà con lối xóm, lúc làm ăn phát đạt,
chúng tôi thường giúp đỡ những người bị khó khăn.
Ông cụ Tôn Thất Hoàng rất thương
gia đình tôi; mỗi lần đi thâu tiền về trễ, ông thường đứng trước cửa trông
ngóng vì xe tôi ưa hư vặt (chạy tới gãy cốt xe mấy lần, thật nguy hiểm!). Cụ
đích thân qua sửa dùm, mặc dù tuổi đã trên chín mươi mà vẫn còn mạnh mẽ. Lúc từ
giả mọi người, từ trong phòng kiếng tôi thấy một bàn tay thiếu ngón đang cố
nhón lên vẫy chào; biết đó là bạn thân Quách V Trường, khiến tôi ứa nước mắt,
nguyện khi tới Mỹ, sẽ hết lòng dùng khả năng vận động giúp bạn toại chí (tôi
thường tin tưởng quyết tâm của mình, hễ mà hứa thì phải cố gắng làm cho được).
Ngồi trên máy bay mà tôi vẫn còn liên tưởng đến ngày nào hai đứa cùng dầm mưa
đứng trước Sở Ngoại Vụ, Nguyễn Du, và Nguyễn Trải.
Trường đã chịu bao nhiêu gian
khổ, gánh nhiều nỗi đắng cay! Có những buổi trưa hè nắng gắt, hoặc những ngày
mưa gió bão bùng, anh phải cầm đơn chầu chực bọn cầm quyền để mưu cầu một tờ
giấy xuất cảnh.
Khi tôi bắt đầu nộp đơn thì Trường đã có
giấy nầy, anh đã mòn mỏi trông chờ ba đứa em ruột ở Pháp và Mỹ. Chờ tới dài cổ,
mà chẳng có một tia sáng ở cuối đường hầm. Nhìn bàn tay thân thương của anh,
tôi có quyết tâm tự nhủ: “Yên chí đi Trường, hãy tin tưởng thằng bạn nầy, có
thể làm lai chuyển lòng nguội lạnh của các đứa em. Hơn bốn năm qua, đã không
đáp ứng lời kêu gọi của người anh đang kẹt lại quê nhà”! Trường tuy cụt 1 tay 1 chân vì lãnh nguyên
trái lựu đạn để che chở cứu đồng đội, nhưng cũng cùng vợ đậu cao học luật và
qua Mỹ cũng xong đại học.
Lòng đã quyết, tâm chẳng sờn, gót chẳng
lui! Người ta chỉ sợ lòng người ngại núi e sông! Nhưng khi núi sông đã không
còn là chướng ngại nữa, em gái của Trường sau khi nghe tôi trổ tài thuyết phục,
bằng lòng làm giấy bảo lãnh. Thế là khi núi sông không còn là những chướng ngại
nữa thì Trường và vợ con không khác gì con chim xổ lồng, tung cánh giữa sự đùm
bọc, che chở của thân quyến và bạn bè!
Đối với một người lính, cuộc chiến đấu bằng
súng đạn mới chỉ là một phần đời. Khi đã đánh trận thì không ai đám bảo đảm
sinh mạng mình an toàn trước viên đạn thù, hoặc ít nhất cũng bị thương tật.
Trường hợp những người lính bị thương tật như tôi, thì cuộc chiến đấu chính bản
thân mình, với sự tuyệt vọng ở tinh thần, niềm đau đớn nơi thể xác,..sẽ là phần
đời thứ hai, khó khăn hơn và cam go hơn mọi người khác rất nhiều!
Những Ngày Trên Đất Mỹ
1. Bước Đầu Tha Hương.
Chiếc máy bay của hãng hàng không Air
France vừa cất cánh, tôi cố nhìn qua cửa kiếng ngó lại quê hương lần chót: kìa
đám nhà tôi, nhà thằng Nhàn, và nhà Cụ Hiếu ở Cổng C, trại Hoàng Hoa Thám, mà
lúc trước mỗi lần mang dù lên bãi nhảy, tôi thường liếc mắt nhìn xuống cho tới
quen thuộc luôn. Giờ đây vĩnh viễn xa nó, bỏ lại biết bao nhiêu bạn bè thân
thuộc, những kỷ niệm êm đẹp từ thuở học trò, và bao cơn ác mộng khi sống dưới
chế độ CS! Phi cơ cất cánh hơn 15 phút
mà tôi vẫn còn lo sợ hảo huyền, có thể nào họ gọi quay trở lại vì mình còn
thiếu giấy tờ nầy nọ không? Suốt 9 năm sống với CS, tôi cũng như những người
dân khác lúc nào cũng lo sợ phập phồng. Tới khi phi cơ đáp xuống phi trường
Thái Lan thì tôi mới yên chí là mình đã được tự do hoàn toàn, được thoát khỏi
cảnh địa ngục đen tối; tia sáng cuối đường hầm đang lóe lên phía trước!
Tôi hít một hơi thật dài khoan khoái và bắt
đầu quan sát xung quanh; thấy xứ nầy chỉ cách nước ta vài tiếng đường bay, mà
sao họ phồn thịnh và văn minh xa hơn Việt Nam nhiều quá vậy? Họ có xa lộ cao
tốc, xe cộ đầy phố; người phu quét đường, những cô y tá cũng có xe hơi làm
phương tiện di chuyển đó đây. Sau khi làm thủ tục, họ chở tôi và cháu Tâm cùng
những người già yếu bệnh tật đi tới một Bệnh Viện cách Phi trường khoảng 1 giờ
xe. Ngồi trên chiếc Bus sạch sẽ đầy tiện nghi, thấy tài xế chạy trên xa lộ
nhanh vùn vụt và cứ giữ theo lề trái, khác với hệ thống giao thông ở Việt Nam.
Tôi sợ hãi, cứ nhắm mắt không dám ngó, tưởng xe sắp đụng đến nơi!
Ở bệnh viện vài ngày thì phái đoàn Mỹ đến
làm thủ tục bổ túc hồ sơ, đặc biệt họ có trả lại các hình ảnh quân đội quí báu
mà trước kia tôi đã gởi qua Thái Lan theo đường bưu điện. Thực đơn Thái Lan thường
để thêm nước cốt dừa và ớt, ăn rất ngon, vì trước kia ở Huế tôi đã quen ăn ớt
trấy với món tôm chua, thịt luộc, và trái vả. Nhưng lúc đó tôi bị trở ngại về
đường đại tiện, chỉ có vô mà không đường thoát thì thật khổ sở vô cùng! (vì
thường khi hai ba ngày vợ tôi giúp rửa ruột một lần), bây giờ đã gần một tuần
mà không ra được cục “thuốc tể” nào, nên bụng lình bình no hơi không muốn ăn gì
hết!
Hai hôm sau, phi cơ vận tải phản lực 747
đưa gia đình đến San Francisco. Tại đây tôi vô cùng ngạc nhiên vì phi trường
quá to lớn vĩ đại, máy bay lên xuống liên tục, ngoài đường xe cộ đông nghẹt. So
với Thái Lan thì xứ Mỹ còn phồn vinh gấp bội. Chúng tôi giống như chú mán về
thành, gặp gì cũng muốn nhìn. Phái đoàn đại diện ICM chở mọi người về nghỉ đêm
tại Motel, cả đêm bị lạnh run vì không biết mền để trên drap trãi
giường(thật là nhà quê!) riêng
gia đình tôi đợi sáng đổi máy bay đi Florida, nơi Tuấn Anh, con bà Dì, là người
đứng tên bảo lãnh.
Tối hôm đó Tâm, Thành, và Thiện
mở TV coi chương trình hoạt họa suốt đêm, nhất là Thiện thích coi hoạt họa và
comic tới bây giờ hai mươi mấy tuổi đầu mà vẫn còn đam mê! Khi đến phi trường
Fort Lauderdale ở Florida thì được gia đình Dì Sáu ra đón, Tuấn Việt chở chúng
tôi về tới nhà, nhìn đồng hồ đã điểm 11 giờ đêm. Dượng Sáu biết ngồi máy bay
lâu mệt nên đãi ăn cháo gà cho nhẹ bụng, mọi người đều hết lòng chỉ dẫn.
Nhất là Mợ Dõng thấy tôi ngồi cặm
cụi viết hết lá thơ nầy tới lá thơ khác vì còn quyến luyến bạn bè thân thuộc,
nên mua tem để sẵn thật nhiều. Việt và Dõng chở đi làm thủ tục xin trợ cấp và
khám sức khỏe, ai nấy đều tận tình giúp đỡ cho gia đình tôi trong lúc khó khăn
của thuở ban đầu trên xứ lạ quê người nầy.
Nghe tin tôi đến Mỹ, ngay hôm sau, hai anh
Lý Hải Vinh và Phạm Ngọc Thạnh, Khóa 22 ĐL, đã sách xe chạy ngược từ West Palm
Beach tới North Lauderdale, để chở tôi lên Orlando họp mặt CSVSQ VB tại nhà anh
Vàng Huy Liễu, cùng khóa với Vinh và Thạnh. Tại đây Niên Trưởng Long và bạn
cùng khóa Nguyễn văn Hơn đã đề nghị hội viên giúp đỡ để gia đình tôi được sớm ổn
định trong giai đoạn đầu.
Hai hôm sau, Việt chở cả gia đình xuống
Miami để lãnh tiền USCC cho mỗi đầu người 300 đô, tôi hỏi anh đại diện hội
Thiện Nguyện về vụ bảo lãnh. Anh Hồ Kim Sanh nói muốn lãnh bao nhiêu người cũng
được, ngoài tứ thân phụ mẫu, như vợ chồng, mẹ cha, anh em, con cái, những người
khác phải là quân nhân (sĩ quan tù cải tạo).
Ngay đêm đó, tôi lập tức điền các mẫu USCC
cho thân nhân và bạn bè như Lâm Sanh Kim, Nguyễn văn Triệu, Vũ văn Luông, hơn
40 người,...và điền sẵn mẫu bảo lãnh cho Quách Vĩnh Trường, chờ vận động giải
thích cho em rễ Trường. Tôi đã copy các giấy tờ chứng nhận lãnh trợ cấp gởi cho
em gái ruột của Trường hiện đang ở Delaware, một Tiểu bang thuộc miền Bắc nước
Mỹ.
Tôi rất thông cảm họ, vì ít ai
dám lãnh của nợ (lúc còn tại Việt Nam tôi rất ao ước và chờ đợi tới 2 năm mới
được tờ USCC nầy để bổ túc hồ sơ). Trường đã có giấy xuất cảnh đi Pháp, nhưng
đứa em bên đó đổi ý, nên khi có giấy USCC, anh xin chuyển cảnh và qua được mau
vì khỏi cần làm lại từ đầu. Khi Kim và Triệu gần qua, vì tôi không tự lái xe
được, nên đùn về California cho anh Bùi Đức Lạc, Chủ tịch Hội Gia Đình Mũ Đỏ.
Anh Lạc là người rất tốt, khi nghe tôi qua anh đã giúp đỡ, những hồ sơ bảo lãnh
tôi nhờ, anh đều sốt sắng nhận lời (có rất nhiều người miệng cứ ba hoa nói
chính trị nầy nọ, nhưng nghe tới giúp đỡ hoặc bảo lãnh người khác thì co cổ rút
đầu!). Anh giúp đỡ rất nhiều người, một phần cũng nhờ sự ủng hộ của chị Lạc.
Ở nhà Dì Sáu được hai tuần thì anh Dương
Văn Các chia cho hai căn phòng với giá tượng trưng thật rẻ, khoảng 1 tháng sau
tôi mua được chiếc xe cũ hiệu Dodge, đời 1976 (tôi qua Mỹ ngày 14/4/84). Tâm
lúc đó 16 tuổi nên cùng me nó tập lái xe, thỉnh thoảng tôi lên ngồi ghế trưởng
xa cho họ tập dượt. Bà xã tôi hơi nhát gan, mỗi khi thấy xe cảnh sát là quýnh
lên muốn lái xe leo lề luôn. Hai tháng sau cả hai đều có bằng lái. Lúc đầu đi
học Anh Văn, có ông Mỹ ở gần nhà anh Các, mỗi đêm tới đưa rước đi học tại
trường Middle School ở Margate.
Sau khi có đủ tiền đóng tháng đầu tháng cuối cho Apartment, tôi quyết
định tự mướn nhà, vì không muốn lợi dụng lòng tốt của anh Các quá lâu, mong trả
lại nếp sống riêng tư của người chiến hữu Không quân tốt bụng nầy.
Ngoài ra anh Tòng nghe gia đình
tôi vì lãnh sớm tiền USCC nên bị cúp trợ cấp An Sinh Xã Hội ba tháng đầu. Anh đã vận động các đồng hương
giúp đỡ tiền nhà mấy tháng đầu. Một tuần sau, ở Miami cộng đồng có tổ chức ngày
Quốc Hận, gia đình Dượng Sáu chở tôi đi dự. Sẵn dịp ban tổ chức mời tôi lên
khán đài cho anh Cường phỏng vấn về tình trạng ở quê nhà.
Ba tháng sau, nhờ Đệ, em của Thạnh, ghi tên
học trường nghề cho vợ chồng tôi và cháu Tâm vào buổi tối. Thành, 14 tuổi, và
Thiện, 12 tuổi, mỗi buổi sáng có xe bus đưa tới Pompano Beach học ở trường
Middle School; còn Tâm thì học High
school.
Lúc đó tôi lật sổ điện thoại hỏi việc làm
tại nhà hàng Tàu thì gặp bà chủ tên Nữ, có chồng là anh Minh, biết là đồng
hương vừa mới qua, nên mời tới đãi ăn cơm tôm hùm rang muối, rồi mới cho vợ tôi
làm; hằng ngày chị đích thân đưa rước, anh chị thật là người tử tế và phúc hậu.
Còn cháu Tâm cũng được chủ nhà hàng Wangfu cho làm bus boy.
Những ngày đầu vợ tôi hơi tủi thân khóc
thầm, vì dù sao ở Việt Nam từng là bà chủ, tiền bạc vô ra như nước (mấy năm gần
đi, VC quá khôn ngoan quỷ quyệt, nắm gọn tất cả nên không làm ăn gì được, chúng
tôi cứ bán vàng ra xài gần tiêu vốn, chỉ còn một ít mua được mấy bộ sơn mài đem
qua Mỹ). Tôi làm cha làm chồng mà ngày nào cũng ngồi xe lăn nhìn cảnh vợ yếu
con thơ đi làm đêm khuya cực khổ! Lòng cảm thấy khó chịu vô cùng!
Sau ba tháng học xong lớp Assembly tại trường Florida Atlantic
Vocational, chúng tôi tiếp tục học lớp Technician. Bà xã học nghề Upholstery
(may đóng ghế salon), tôi và cháu Tâm thì học lớp Electronic Industrial (Tâm
học lớp nầy cũng được tính vào chương trình High School).
Hai cha con biết mình còn thua kém về sinh
ngữ, nên cố gắng siêng năng sao cho theo kịp bạn học. Hai tháng đầu học xong
cuốn DC (Điện một chiều). Tuy ở Việt Nam có học qua, nhưng ngành điện tử ngày
càng phát triển, Transistor từ dạng vacuum tub (bóng đèn chân không) bây giờ
thì chế bằng chất bán dẫn như silicon. Tiếp theo là điện hai chiều AC
(Alternative Current); phần nầy tương đối khó hơn dòng điện một chiều. Nó giải
thích tại sao điện xoay chiều mà có thể đi qua hai cực bằng kim loại bị ngăn
cách bởi khoảng không cực nhỏ như Capacitor (Tụ điện). Dựa theo “Nguyên lý hai
cực cùng tên đẩy nhau”, khi điện tích âm (electrons) trong đầu kim loại của Tụ
điện bị đẩy qua cực bên kia và lập tức được điện dương hút đưa tới dây dẫn
điện, và cứ thế lập lại từng chu kỳ, thế là ta có dòng điện chạy liên tục.
Trong khi đó bà xã học bên lớp bọc nệm, gặp
ông thầy tốt bụng và học trò siêng năng cùng khéo tay, nên chỗ nào không hiểu
thì ông ra dấu (vì có nhiều học trò Nam Mỹ cũng kém Anh ngữ). Học được hơn sáu
tháng thì ông giới thiệu cho đi làm, coi như thực tập, khi đủ giờ nhà trường sẽ
phát bằng Technician về ngành Upholstery.
Mỗi buổi trưa chúng tôi ra xe ăn cơm (mang
theo), tôi tranh thủ vừa nằm vừa ăn, vì ngồi lâu không đi đứng dãn gân cho máu
chạy điều hoà như người thường, nên máu dồn rất khó chịu. Hai mẹ con nhường cho
tôi nguyên băng sau để ngã lưng, cả ba vừa nghỉ vừa tranh thủ lấy bài ra học.
Tới môn thứ ba là Semiconductor, lúc nầy
hai cha con tôi đã thuộc nhiều từ ngữ Anh văn, mỗi ngày có thể đọc được vài
chục trang. Đầu óc tôi cứng ngắc, nên phải đọc đi đọc lại nhiều lần gần thuộc
luôn, để từ từ (chứ không nhanh lẹ như tuổi trẻ) nhớ lại và dùng tới khi cần.
Trong những ngày theo lớp điện tử, ông thầy có đề nghị nhà trường cắt cử một cô
giáo dạy thêm, Văn phạm Anh Văn và nghe thính thị Anh ngữ, mỗi ngày một giờ.
Nhờ vậy sau nầy lên Đại học chúng tôi bớt bỡ ngỡ về các lớp Essay (cách đặt câu
và tập làm Văn). Khoảng sáu tháng thì xong quyển thứ tư là Communication, lúc
nầy thực tập rất nhiều, mỗi lần học hết sách thì ông thầy cho thi test, nếu
trên điểm trung bình thì mới được học cuốn tiếp.
Học hết môn thứ năm là Microprocessor, giáo
sư thấy điểm test của tôi càng ngày càng cao, không biết ông báo cáo thế nào mà
một hôm nọ có phóng viên truyền hình tới lớp học quay phim và phỏng vấn. Hôm
sau trên đài số 10 có chiếu cuộc thâu ảnh nầy. Thầy thấy chúng tôi siêng năng
tiến bộ vượt bực, nên mấy môn sau, ông tặng sách còn mới tinh, nhờ đó tiết kiệm
được một ít tiền. Sau khi học xong cuốn Linear systems, Digital, và
Communication thì được dự lễ phát bằng. Ông thầy đích thân đưa tôi lên khán đài
nhận văn bằng, trong danh sách tốt nghiệp có đánh dấu cho tôi hạng Danh Dự. Gia
đình tôi đã chụp chung hình với người thầy tốt bụng, lúc nào cũng nâng đỡ
khuyến khích tôi trong giai đoạn khó khăn mò mẫm Anh ngữ từ những ngày đầu!
Sau khi lãnh bằng Technician ở trường Vocational,
tôi và Tâm theo danh sách các hãng điện mà thầy đã copy cho, chúng tôi thức dậy
sớm khởi hành từ 7 giờ sáng, chạy xe vòng vòng ghé hỏi vài hãng điện nhưng chưa
có kết quả, đến trưa thì tới hãng Computer Product. Họ phỏng vấn Tâm tại chỗ và
nói lương bắt đầu là $4.50/giờ, chờ đủ hai tháng sẽ cho lên $6/hr. Vì cần việc
làm nên Tâm nhận chịu. Còn tôi họ chê handicap (tôi nghĩ vậy thôi) nên không ai
ngó tới.
Lúc nầy thì Thành và Thiện vì học nhảy theo
tuổi nên hơi chới với trong 6 tháng đầu; nhưng rồi giống như cuộc chạy đua, hai
đứa đã rượt kịp toán cuối cùng (Điểm D), và tăng vận tốc dần lên bắt gần kịp
toán thứ nhì (điểm B). Qua năm sau, ba đứa nói tiếng Anh trôi chảy, và bắt đầu
có nhiều điểm A. Thành thì nhảy lớp và học bốn năm thì tốt nghiệp, nên điểm B
nhiều hơn A, không có điểm C hoặc D. Còn Thiện nhờ có thời gian, nó đã lấy mấy
lớp Honors và Advances nên tốt nghiệp High school top ten percent.
2. Vào Đại Học
a)Broward Community College
Tôi và Tâm sau khi học xong ở trường Vocational, liền thi vào Broward
Community College (BCC). Khi coi kết quả bài test, họ chấp thuận cho ghi tên
nhập học và được cấp học bổng Pell Grants, nhưng các lớp Anh văn phải bắt đầu
từ lớp ESL (English as Second Language).
Hãng thấy Tâm chịu khó học hành, nên dễ dãi
cho làm bù mỗi khi kẹt giờ ở trường. Nhờ vậy chúng tôi có thế lấy 3 lớp
(courses) trong một khóa học (semeter). Term đầu học Pre- Calculus I, English
ESL, và Direct Current (DC Circuits).
Có điều buồn cười là, vì không
phân biệt các tiền xu của nước Mỹ như đồng Dime, Nickel, và Penny, nên tôi bị
trật hết một câu trong bài thi test đầu tiên. Tánh tôi thích đơn giản, không
muốn bận bịu về tiền bạc (trái lại bà xã thì rất khoái đếm và xếp tiền; ở Việt
Nam mặc dù cả ngày làm vất vả, nhưng tối nào bả cũng ngồi xếp tiền ngay ngắn
không thua vì nhân viên ngân hàng!). Kể cả đồng hồ, cà rá, nhẫn,... tôi cũng
không thích đeo. Có lần đi hành quân ở Quảng Trị, Hạ Sĩ Thương, đệ tử của tôi,
bị tử thương tại ngã Tư nhà Thờ La Vang vào ngày mùng Một Tết năm Mậu Thân, tay
của Thương có đeo chiếc đồng hồ Seiko vàng của tôi, vì lúc đó chiến đấu liên
miên, nên phải nhờ ông Thượng sĩ thường vụ đi hỏi hậu cứ kiếm dùm hơn một tháng
mới thu lại được!
Lúc nầy hai mẹ con làm việc dành dụm được
chút đỉnh, nên mua thêm một chiếc xe còn mới giá $6000. Chiếc Stations Wagon
tuy đã tám năm cũ, nhưng cuối tuần chúng tôi cũng dám chạy đi xa như Tampa,
Orlando,..để họp mặt gia đình Võ Bị (cứ hai ba tháng luân phiên tổ chức gặp
nhau để nhắc lại những chuyện buồn vui quân trường). Thỉnh thoảng chúng tôi đi
lên khu nhà anh Hiền, anh Huấn để câu cá, bắt cua, bắt sò,...cũng rất vui vẻ.
Riêng Thiện thì đi cho có lệ, hắn chỉ thích ở nhà coi hoạt họa Comic thôi!
Lúc nầy tôi có thể đọc mỗi ngày ba, bốn
chục trang vì đã rành hết các danh từ chuyên môn của điện và toán. Các lớp Hóa
học và Vật lý thì hơi khó và nỗ lực rất nhiều mới mong được điểm cao, đặc biệt
ông thầy Vật lý rất giỏi và tốt, còn độc thân, nghe nói sau nầy chết vì mang
bịnh Aids! Sáu credits của môn Khoa Học Nhân Văn (môn chọn lựa) thì thật là
buồn ngủ và nhàm chán, tôi đã chọn hai môn Nhân Chủng học (Anthropology) và Tôn
Giáo (Religion). Môn Triết học thích thú hơn, nhưng không đủ từ ngữ để theo lớp
nầy.
Cuối năm 1988, tôi và cháu Tâm xong chương
trình 2 năm (AS Degree), điểm tổng kết khá cao GPA: 3.8/4.0, mảnh bằng
Technician nầy có giá trị hơn ở Vocational. Vì thế Tâm xin được vào hãng điện
lớn tại khu nầy, Bendix trả lương nhiều hơn, mới vô là $9/hr. Vợ tôi lúc nầy
cũng được $7/hr, chẳng mấy chốc (khoảng hai năm sau) là có tiền Down (đặt cọc)
vay tiền ngân hàng, mua nhà giá $60,000 trả góp mỗi tháng $600.
Ngôi nhà vừa mua nằm trong vùng Pompano
Beach, mới xây cất, gồm ba phòng ngủ, hai phòng tắm. Xung quanh toàn người da
màu, nên giá tương đối rẻ, mình cũng là người da vàng, chỉ cần có chỗ nào vừa
túi tiền và khang trang là quí lắm rồi. Vừa có nhà đẹp vừa được tiết kiệm, vì
cuối năm, Tâm sẽ được trừ bớt tiền thuế. Nhà có đất tương đối rộng, vợ tôi và
cháu Tâm cuối tuần lo trồng rau sống và cây ăn trái như: nhản, mít, mảng cầu
dai, bưởi, quít, bơ, chùm ruột,...
Các cháu còn mua một con chó con giống Đức
về nuôi, chó nầy càng lớn càng khôn, biết hiểu ý người, ba đứa thương và coi nó
như là member of Trương ’s family (người trong nhà). Hôm có cơn bão lớn Andrew, gió tại nhà (cách
trung tâm bão 30 miles) là 75 miles/hr, chó được đem vô garage; đêm đó nó sợ
run quá muốn sổ bầu tâm sự mà cũng ráng nín; đợi tới khi Tâm cho phép, nó mới
dám ỉa đái ngay trong garage. Các cháu thấy vậy vừa thương vừa tội nghiệp!
Lúc nầy Thành đã xong High
school, nó thường rủ bạn là Sơn tới nhà làm bài tập home work về Calculus, để
nếu có phần nào không hiểu nhờ tôi chỉ dùm. Thành sáng đi học tối làm nhà hàng
Wangfu để phụ giúp gia đình (chúng tôi quen sống đùm bọc lẫn nhau, cũng như ở
Việt Nam, năm người cùng ngủ chung một giường, vừa ấm cúng, vừa tiện lợi, và
cũng vừa là một khối đoàn kết không ai có thể tách rời).
Mỗi lần có sinh nhựt một người nào, cả nhà thường kéo nhau ra nhà hàng
để ăn mừng, tiện thể cho me chúng nó rảnh tay đỡ mất công nấu bếp một bữa. Vấn
đề ẩm thực hằng ngày thật đơn giản, sáng sớm sách cơm theo, hoặc đem mì ly, mì
gói vô trường, để trưa đến đổ nước sôi tranh thủ ăn nhanh. Cháu Tâm hoặc cháu
Thành kiếm phòng học trống, đỡ tôi lên bàn giáo sư nằm ngửa cho thẳng người, vì
ngồi lâu máu tụ một chỗ rất khó chịu và thật mỏi lưng nhất là nơi đốt xương
gãy!
Ngày nào ở nhà rảnh rỗi, tôi nấu nồi cơm vì
bà xã đi làm xa, cách nhà nửa giờ xe chạy. Có hôm tôi làm đồ ăn luôn, nhưng khi
ngồi vào bàn, thấy chúng nó (nhất là Thành) cứ nhăn mặt, như khó nuốt lắm vậy!
Có lẽ ba đứa đã quen ăn đồ ngon, nhiều gia vị,
của đầu bếp chánh!
Mỗi năm khai thuế, cháu Tâm đều nhờ anh Lâm
làm dùm, mặc dù cháu nói đã đi làm có tiền và mua được nhà mới, nhưng anh nói: - Làm dùm cho nhà anh Dưỡng mà tôi lấy
tiền sao ?
Anh, chị, và gia đình (anh Tòng, chị Oai) đã giúp đỡ thật nhiều trong
bước đầu tha hương, chẳng những riêng chúng tôi, mà đối với những đồng bào mới
qua, họ cũng đều sẵn lòng giúp đỡ, thật là một gia đình đạo đức!
b). Florida Atlantic University.
Tôi và Tâm tiếp tục chuyển trường học tiếp.
Tại Florida Atlantic University không chấp nhận một số Credits cho bằng AS (nếu
biết trước như Thành và Thiện sau nầy thì học AA sẽ không bị mất Credit nào).
Vì vậy hai cha con mất hơn 20 Credits (khoảng 7 courses)!
Bắt đầu vào Florida Atlantic University,
thông thường phải chọn các môn của năm thứ ba trước, nhưng vì kẹt giờ làm của
Tâm, nên tôi nói với Doctor Gajulian, counselor, cho lấy thử course Linear
Systems của năm thứ tư. Ông ta hỏi:
- Are you sure ?
(anh có chắc không)
- Yes, I would like to try!
(vâng, tôi muốn học thử)
Ông ta ký giấy cho tôi ghi danh lớp mà ông
sẽ phụ trách giảng dạy, để coi tôi làm sao có thể học nổi môn được nổi tiếng
hóc búa nhất của năm thứ tư nầy?
|
Đến khi thi Final (cuối khóa) chỉ
có tôi được điểm cao nhứt lớp. Ông thầy khen ngợi trước mặt các bạn sinh viên
cùng lớp và nói từ nay tôi muốn chọn course nào cũng được; nếu ai cản trở cứ
lại văn phòng Counselor, ông sẽ ký giấy giới thiệu ghi danh cho! Florida
Atlantic University nằm trên một khu vực rất rộng lớn, thuộc thành phố Boca
Raton. Hằng năm có trên mười ngàn sinh viên ghi danh học. Trường gồm nhiều Phân
khoa: Kỹ Sư Điện, Cơ Khí, Computer Sciences, Cử Nhân Kinh Tế, Xã hội,...và các
lớp Cao học (MS, MA), Tiến sĩ (Doctor).
Trường có một thư viện cao bốn tầng chứa rất nhiều sách, các lầu hai,
ba, bốn có những phòng riêng biệt dành cho những sinh viên muốn học từng nhóm
chung với nhau. Mấy cha con tôi ưa vào đây để làm homeworks và học bài, thỉnh
thoảng tôi được ngả lưng trên những chiếc ghế đâu lại. Tôi ngồi lâu thì mỏi, cứ
lo chống chỏi với cơn nhức mỏi thì không thu thập được nhiều, ngược lại nếu
được nằm thoải mái thì đọc hiểu rất nhanh. Giống như “Vua ngọa triều” Lê long
Đĩnh thời xưa! Lúc mới vào học ở
F.A.U., Tâm làm ca sáng, nên chỉ chọn được những lớp chiều. Vì thế buổi sáng
tôi ở nhà học bài còn cháu Tâm phải tranh thủ học trong giờ ăn trưa và giờ
break time. Tối về cháu thức tới khuya để học và làm bài; cuối tuần mấy cha con
vô thư viện học bài cho yên tỉnh và dễ tập trung hơn, còn me chúng nó ở nhà lo
làm món ăn ngon như bò nhúng dấm, bánh xèo, gỏi cuốn, bì cuốn, nem nướng, bún
nước lèo, chờ mấy cha con về thưởng công siêng năng chăm học.
Nhờ sự nhắc nhở khuyến khích nên các học
trò đều cố gắng chuyên cần, để mong lấy được điểm cao về khoe và được bù bằng
những nụ cười sung sướng hãnh diện của người mẹ hiền, người vợ ngoan! Quả là:
Gia đình phấn đấu vượt lên,
Chàng lo đọc sách, nàng quên hưởng nhàn!
Ba con cần kiệm siêng năng,
Chăm lo đèn sách rạng phần công danh.
Thắm thoát Thiện đã học xong High School,
ngày lễ tốt nghiệp, cả nhà đều đi dự; và hãnh diện nhìn thấy cháu được choàng
cổ đeo sợi dây danh dự của những học sinh Top Ten percent. Nhờ vậy nên Thiện
được học bổng của một cơ quan cho suốt 4 năm, cùng với học bổng của nhà trường
thì cháu đủ sức đóng tiền học phí và sách vở. Trong khi tôi và Tâm học tới 5
năm, Thiện chỉ 3 năm rưởi là tốt nghiệp Kỹ sư và hai năm sau xong luôn MS
(Master Degree: Cao học). Thành thì tốt nghiệp BS trong vòng 4 năm.
Các courses đáng chú ý trong năm thứ ba là
Networks Analysis I và II, Electronic I, Electronic Lab I và II, Calculus III,
và Microprocessor,... Vào năm thứ tư có vài lớp hơi khó chẳng hạn như Physis
III và Matrix. Đặc biệt ông thầy dạy Electronic Lab thấy những ngày lễ July 4
mà tôi vẫn vô trường thực tập trong phòng Computer, nên để ý và cho điểm rất
cao (trước đó chỉ được B trong mấy bài phúc trình thực tập đầu tiên). Những năm học ở FAU, ngày lễ hoặc cuối
tuần, bốn cha con đều sách xe chở nhau vô thư viện hoặc vào các phòng Lab học,
các cháu không đi chơi giải trí hoặc giao du bạn bè, chỉ cố lo học để sớm ra
trường, làm việc giúp đỡ gia đình.
Lần đầu bị rớt có lẽ vì viết ít hơn năm
trăm chữ trong một giờ thi hoặc bị nhiều lỗi chánh tả. Lần thứ nhì tôi viết về
Tướng Nguyễn Khoa Nam, phần nhập đề chửi Mỹ bỏ rơi Đồng Minh trung thành là
Miền Nam Việt Nam, trong khi Trung Cộng và Liên Sô tăng cường viện trợ, khiến
gây ra bao cảnh tang thương như tù tội, kinh tế mới, và Thuyền nhân bị chết
chìm hoặc bị hải tặc. Đến khi thi môn Essay (Luận văn) lần thứ ba, họ cho đề
tài: “Tập tục cần phải biết để giữ”, tôi đã tả về tục lệ mấy ngày Tết ở Việt
Nam. Phần nhập đề nói tổng quát về tục lệ ở Nhật vào nhà phải cởi giày dép, ở
Tàu thì phải tôn kính bề trên, rồi vô đề viết trong phần Thesis statement (giới
thiệu Luận thuyết): tục lệ Tết ở Việt Nam chia ra làm ba giai đoạn: Lễ Đưa Ông
Táo, Lễ Giao Thừa, và Ba ngày Xuân. Thân đề chia ra ba đoạn, mỗi phần chừng hơn
trăm chữ nói về việc cúng Táo quân (dịch đại là Saints of Kitchen) để họ về
trời báo cáo tốt (good report!) với God (Ngọc hoàng). Và tả tục lệ “Lì Xì”
khiến người chấm bài thi thấy lạ và cho đậu môn Anh văn quá khó khăn đối với
người chân ướt chân ráo, mới hội nhập trên đất Mỹ nầy! Về Senior Project, nhóm
tôi ba người mua parts ở tiệm về ráp máy đo điện trở, rồi mời hai giáo sư phụ
trách lên phòng họp, chiếu phóng đồ các mạch điện lên màn ảnh. Mỗi người thay
phiên nhau lên thuyết trình chi tiết, và trả lời các câu thắc mắc của họ. Cuối
cùng hai ông lấy điện trở 100 ohms để vô máy đo thử, các Giảng sư thấy kim chỉ
số 101 ohms, sai số không đáng kể, thế là họ cho môn nầy thông qua, như vậy
phần khó khăn cũng đã xong.
Sau khi đã hoàn tất đủ 130 Credits (mỗi
course tương đương 2 hoặc 3 credits) tiêu chuẩn, Ông Counselor dò đúng thì cấp
giấy chứng nhận tốt nghiệp. Phòng Quản trị Nhân Viên kiểm tra coi đã đậu xong
môn thi trắc nghiệm Sinh Viên (clast Test), rồi họ mới chịu cấp bằng tốt
nghiệp.
Trước ngày Mãn khóa, nhà trường đã giới thiệu Phóng viên Báo chí đến nhà
tôi để Phỏng vấn và đăng lên báo vào dịp lễ Tốt Nghiệp của các Tân Kỹ sư, Cao
Học, và Tiến sĩ. Vì hai cha con tốt nghiệp cùng ngày và số điểm ra trường hơi
khá(Tâm có GPA: 3.3, tôi được GPA: 3.64). Hệ thống tính điểm ở đây như sau:
A:4.0, B+:3.5, B:3.0, C:2.0, D:1.0, F:0.0. Điểm C trở lên coi như được cho tốt
nghiệp. Trong lễ Tốt Nghiệp nầy có ba người được quan khách vỗ tay tán thưởng
nhiều nhất là một ông già 80 tuổi mà vẫn còn cầu tiến và tốt nghiệp Master
Degree, một cô sinh viên trẻ tốt nghiệp bằng Tiến sĩ, và tới phiên cháu Tâm đẩy
tôi lên khán đài thì xướng ngôn viên đọc lớn lên “Cha và con cùng tốt nghiệp
ngành Kỹ Sư Điện....”
Chúng tôi đã nhận được những
tràng pháo tay liên tục, toàn hội trường, kể luôn cả những Giảng sư, đều đồng
loạt đứng lên vỗ tay (có lẽ họ thấy tôi là người Á Đông ngồi xe lăn mà chịu khó
đi học). Lúc đó tôi thật cảm động vừa sung sướng vừa vui mừng vì mình đã đem
lại niềm hãnh diện, danh dự cho gia đình và một phần nhỏ nào cho dân tộc và xứ
sở (Trên báo có nói về chế độ tù tập trung và sự độc tài tàn bạo của chế độ CS
đã áp bức nhân dân miền Nam, sau ngày Quốc Hận).
Trong lễ phát bằng, vì bục khán đài cao, mà chỉ có mình tôi ngồi xe lăn,
nhưng họ vẫn làm đường ramp bằng ván để cháu Tâm đẩy lên chỗ nhận bằng và bắt
tay President của trường.
Nhờ có bằng cấp, vài tháng sau Tâm được
nâng lên chức Kỹ sư và lương tăng từ $12/hr tới khoảng gần $18/hr (tính lương
hằng năm). Riêng tôi thì không hy vọng được ai mướn, nhưng cũng gởi đơn đại tại
ba hãng cầu may (đơn gởi thẳng cho President của hãng, có kèm theo hai tờ huy
chương Hoa Kỳ và tờ báo đăng trong ngày lễ Mãn khóa). Thật bất ngờ có tới hai
hãng gọi đi phỏng vấn (có lẽ họ thấy điểm GPA cao). Hãng Motorola ở Boynton
Beach, cách nhà khoảng nửa giờ xe, gọi vào phỏng vấn từ 8:30 sáng tới 4:30
chiều, mỗi manager của một group hỏi hơn 1 giờ.
Người đầu tiên xuống văn phòng nhân viên
dẫn tôi lên lầu hai, tới phòng riêng ông ta rồi đóng cửa lại. Sau khi bắt tay
nói vài câu xã giao là vào đề hỏi ngay. Các lý thuyết ngành Điện tử, trong đó
có phần hơi khó trả lời là Microprocessor. Tôi viết programing về Assembly
Language hơi kém; vì để cho ông ta khỏi kêu viết Program, tôi lanh lẹ tả về sự
cấu trúc của hệ thống microprocessor, nào là CPU (center processor unit), nào là
ALU (Arithmetic logic unit), tôi vẽ sơ đồ cấu trúc của Microprocessor, trong đó
có Accummulator, Index Register, Program counter, Address Register, Stack
Point, Control, Data Register, Memory,..Anh ta thấy vẽ đúng và nhanh nên bảo
ngừng vì tưởng tôi thuộc rành về môn nầy. Nhưng sự thật thì khác hẳn và rất may
mắn; vì tôi đã đem hết sự hiểu biết ít
ỏi ra hù trước, nếu hỏi thêm thì sẽ không còn biết gì nữa (giống như Trình Giảo
Kim trong chuyện Tàu chỉ có tài ba búa đầu, búa thứ tư thì yếu không còn hữu
hiệu nữa).
Người thứ nhì là ông tiến sĩ, thầy dạy cũ
của tôi ở trường Florida Atlantic University, vì vậy ông ta hỏi rất dễ, cuối
cùng ông lật tờ thành tích biểu và hỏi :
- Anh qua Mỹ được bao lâu?
- Tôi tới Hoa kỳ ngày 14 tháng 4 năm 1984!
Ông nhìn tôi và trợn mắt nói:
- Sinh viên Người Mỹ, rành Anh ngữ mà muốn
có điểm GPA: 3.0 còn khó, anh mới qua có mấy năm, trở ngại sinh ngữ mà GPA:
3.64 thì thật đáng khâm phục, tôi sẽ phê tốt cho anh.
- Thank you, sir!
Người thứ ba hỏi cũng không khó mấy, sau
khi khảo hạch đủ thứ về các hệ thống truyền thông (Communication) vì hãng nầy
chuyên sản xuất máy pager (hay Beeper). Tôi vẽ hình Antennna dẫn vào Radio
Frequency (RF: cao tần), tới Mixer (trộn sóng), Mondulator (Tách sóng) và cuối
cùng là Audio Frequency (Hạ tần) tức phần lỗ tai người có thê thu nhận được.
Nhưng tôi bị khựng ở một câu hỏi hơi hóc búa, đó là sự phân biệt giữa Điện
trường (electrical) và Từ trường (magneticfield) của hai loại Antennas. Thấy
tôi hơi ngập ngừng, anh manager vội giãi thích: Dipole antenna chịu ảnh hưởng
của Điện trường còn Loop Antenna thì chịu ảnh hưởng của Từ trường. Ông ta bảo
không sao; vì tôi đã trả lời được tám phần mười những câu hỏi, và điểm tốt
nghiệp cao là đủ tiêu chuẩn rồi. Đến
cửa ải thứ tư, bấy giờ đã 3 giờ chiều, bị hạch hỏi và ngồi suốt ngày, tôi cảm
thấy quá mệt mỏi. Nhưng thật may mắn, người thứ tư hỏi rất dễ và ông Manager
nầy chính là người xếp của tôi sau nầy. Sau khi hỏi xong, ông kêu một Kỹ Sư
người Việt tên Tống Chung vô nói về công việc đang làm của nhóm nầy, Chung giải
thích bằng tiếng Anh vì xung quanh toàn người Hoa Kỳ. Chung làm việc ở đầy 7, 8
năm, trước khi về Việt Nam, anh cho biết là tôi đã được ông Manager đó nhận
rồi. Vì nhận được tin mẹ bịnh nặng, nên Chung mới về thăm nhà và nhờ vậy nên
gặp được bà lần cuối! Khoảng một tháng sau tôi được hãng gọi điện thoại thương
lượng về giá cả, đây chỉ là thủ tục vì với tiền lương kỹ sư đối với một người
tưởng mình đã vô dụng như tôi là nhiều quá rồi. Tôi nhận lời một cách không do
dự, mọi người trong nhà đều vừa mừng vì tìm được việc làm, vừa lo vì không biết
tôi có chịu đựng ngồi mỗi ngày tám tiếng trong hãng hay không?
Tâm lo mua thuốc đau bụng, nhức đầu để đem
theo phòng ngừa; Thành mua nệm thông hơi cho ngồi lâu khỏi bị hầm, sợ lở mông;
Thiện thì mua tập ghi chú và giấy bút; vợ tôi lo mua cà vạt áo quần cùng hộp
nhựa, bình thủy để đem cơm, nước nóng theo. Tất cả người trong nhà đều ủng hộ,
khuyến khích giống như chuẩn bị đưa em bé lần đầu tiên đến trường để theo học mẫu giáo vậy! Ngày đầu tiên Thành
chở tới hãng Motorola, tôi vô cùng hồi hộp! Vì thường ngày rất ít tiếp xúc với
bạn Mỹ, sợ bị trở ngại trong việc xã giao. Khi vô tới cổng, thấy họ đã làm thêm
một cánh cửa tự động và đường dốc thoai thoải dành riêng cho một nhân viên đi xe
lăn độc nhất là tôi. Quả là xứ văn minh, những người tàn phế vẫn được tôn trọng
và dành nhiều ưu đãi.
Hãng nầy là một trong rất nhiều chi nhánh
trên khắp thế giới, nhân viên tại đây khoảng 3000 trong đó kỹ sư có trên 2500
(toàn thế giới có mấy trăm ngàn nhân viên). Trụ sở chánh đặt ở Schaumburg,
Illinois. Riêng Florida có hai chi nhánh, một ở Plantation, Fort Lauderdale,
chuyên sản xuất về điện thoại cầm tay loại không dây (Wireless cellular
Phones). Còn hãng tôi làm ở Boynton Beach, thì chuyên môn chế các máy Pager
(Beeper); riêng nhóm tôi mới thành lập có nhiệm vụ phải đạt chỉ tiêu trong vòng
hai năm nghiên cứu, chế tạo, và sản xuất loại máy Pager mới, có thể nhận và
phát tín hiệu (Two way). Vì từ trước tới giờ các loại máy Pager, đang xử dụng ở
thị trường, chỉ thâu (Receiver) tín hiệu rồi hiện số (thường là số điện thoại
của người nhắn tin) và chữ lên cho người đang mang máy nhận biết ai đã gọi
mình.
Toán chúng tôi có tên là Tango Group gồm
hai nhóm kỹ sư, nhóm software và nhóm hardware. Nhóm software bao gồm 3 kỹ sư
cơ khí (mechanical) và các kỹ sư chuyên về Computer Sciences. Nhóm tôi do Kevin
làm Section Manager chuyên về điện tử được chia ra thành hai tiểu tổ : tổ
Transmitter (phát thanh hay phát tín hiệu) và tổ Receiver (Thâu nhận tín hiệu)
.
Tôi ở trong tổ Receiver gồm khoảng mười lăm
Kỹ sư chuyên viên, mỗi kỹ sư lo một phần vụ riêng biệt như: antenna, R.F Amplifier, Mixer,Oscillator,
Mondulator, Audio Frequency,....
Lúc đầu anh Chung coi tổng quát phần nầy,
anh đã chỉ tôi cách hàn mấy parts (Transistor, capacitor, resistor,...), nhưng
sau đó anh đổi qua toán khác. Tại chi nhánh Boynton nầy có nhiều kỹ sư Việt Nam
làm lâu năm và rất giỏi như: Anh, Dũng, Khang, Long, Chung, Nha, Phong, Lâm,
Khanh,...Lúc tôi mới vào thường học hỏi những kinh nghiệm quí báu của họ.
Tôi là RF Engineer, đặc trách phần Radio
Frequency, phần nầy được chỉ định thâu làn sóng cao tần có frequency là 940 MHz
(tức 940 triệu chu kỳ trong một giây đồng hồ). Tôi có nhiệm vụ dùng Computer để
phát họa và chạy hệ thống gọi là RF Stage sao cho khuếch đại tín hiệu (thu nhận
từ antenna) được hơn gấp trăm ngàn lần tin hiệu thu trong không gian, mà danh
từ chuyên môn toán học gọi là 15 db (decibel) gain và giữ Noise Figure nhỏ hơn
2.8 db. Tức là khuếch đại thật nhiều mà vẫn giữ sự nhiễu loạn làn sóng thật ít.
Sau khi dùng MDS (Microwave Design System) trên máy computer do hảng H.P. sản
xuất để phác họa các mạch điện cho RF stage, rồi design bằng cách simulation
bởi software viết sẵn cho máy Suns, tôi bắt đầu hàn gần ba mươi parts gồm:
Transistor, resistor, capacitor, inductor,...trên một vùng diện tích nhỏ bằng
hột nút áo, trên PC Board bề mặt bằng cái hộp quẹt (nó chứa hằng ngàn parts
trong đó có cả phần Receiver, Transmitter, và IC,..)
Tôi đã học và nghiên cứu nhiều sách vở mãi
tới 2, 3 tháng mới hiểu rõ cách design bằng MDS trên Computer. Còn vấn đề hàn
các parts nhỏ li ti như sợi tóc là cả một vấn đề; mặc dù đã đeo kiếng tốt và đã
học lớp Assembly (hàn PC Board), nhưng đây là một lãnh vực khác, thật khó khăn
vô cùng.
Các Resistors,
capacitor,Inductors, Transistors,...đều làm bằng những miếng hình chữ nhựt nhỏ
cỡ hai sợi tóc nhập lại! Phải cần kính lúp mới thấy được các số trên các
(parts) components nầy. Hàn board nầy rất khó, chỉ cần để mũi hàn hơi lâu một
chút là coi như board và part đều bị hư, tôi mang mắt kiếng mà chỉ nhìn thấy lờ
mờ, rồi chấm nhẹ mỏ hàn vào hai đầu; sau đó, dùng kiếng lúp kiểm lại coi có
đúng ngay chỗ không?
Lúc đầu tôi xin vài Boards hư tập thử nhiều
lần, tới hơn một tháng mới không còn hư nữa! Sau đó bắt đầu hàn thực sự các
parts đúng như mạch điện (Circuit) đã có sẵn trên Computer, xong rồi làm các
đầu nối để gắn vào máy đo như Network Analyzer, Nosie Figure Meter,
Generators,....Rồi thay tới đổi lui sao cho đạt đúng mục tiêu chỉ định. Công
việc nói thì đơn giản, nhưng trên thực tế thật khó vô cùng, vì vậy họ mới hạn
định ký contract với các hãng thầu trong vòng hai năm cung cấp, nếu giao hẹn
trễ phải bồi thường 20 triệu đô la cho hãng thầu Mtel. Trong hai năm, ngoài
việc design RF Stage, tôi cũng được chỉ định làm về phần Mixer, thay cho anh Kỹ
sư phụ trách phần nầy lúc đi phép thường niên.
Mỗi ngày ngồi chừng 4 giờ là tôi bắt đầu
mệt đừ, vì máu dồn một chỗ, không lưu thông như người khác vì họ đi tới đi lui,
đứng lên ngồi xuống. Cứ 2 giờ làm việc thì có 15 phút nghỉ break time, họ xuống
lầu vào cafeteria ngồi tán dốc xả hơi. Còn tôi thì cứ ngồi kiểu số 4 trên xe
lăn, may nhờ ông trưởng Group thông cảm mua tặng cho chiếc xe lăn có thể điều
chỉnh ngửa 120 độ, nên mỗi buổi trưa tôi tranh thủ ăn nhanh rồi ngã người ra
một chút tại phòng (thường mỗi Kỹ sư có một phòng riêng). Phòng tôi có 4, 5 máy
đo, máy hàn, máy computer, kệ tủ đựng sách và dụng cụ, mỗi ngày trước khi về bỏ
các vật dụng quan trọng vào hộc tủ và khóa lại.
Khoảng 2 giờ chiều thì mệt đừ người, tôi có
đem theo trà sâm để uống vài hớp cho khỏe chút đỉnh; và thường tự nhủ ráng lên đi bạn, mỗi giờ là hai chục đô đó,
bằng một tháng lương công nhân ở Việt Nam, có thể mua được 3, 4 con gà,...Mỗi
lần nhắc tới tiền thì mắt tôi sáng lên, khiến mọi mỏi mệt đều tiêu tan, đúng là
tham tiền! Vì tôi nghĩ nếu làm việc có tiền sẽ mua căn nhà tiện nghi cho
handicap (tàn phế); rồi trồng cây ăn trái, mỗi ngày ngó từng đọt non tăng
trưởng, vui thú cảnh điền viên (chỉ coi vợ con trồng!).
Một năm sau, tôi có tiền down mua căn nhà
mới xây, ở gần hãng. Nhà lợp ngói, có đất phía sau rộng để trồng vài cây ăn
trái, rau sống, và nhất là phía trước có trồng ba cây mai vàng và một cây bông
mai tứ quí! Trong hãng, tôi thường học thêm của một người Nhật tên Eshi Yashu,
anh đậu bằng tiến sĩ, tuy nói tiếng Mỹ không trôi chảy, nhưng rất thông minh và
sáng chế ra một transistor loại IC mà có thể làm cho Noise Figure rất thấp 2.0
db và Gain (khuếch đại) đạt tiêu chuẩn là 15 db. Ngoài ra có anh Wang Phang rất
tử tế, thường giúp tôi khiêng những máy cần thiết về phòng tôi. Mỗi lần có gì
thắc mắc thường điện thoại hỏi anh Khang hoặc Phạm Long (em Phạm Ngọc Thạnh,
K22 ĐL).
Nhưng ráng ngồi làm việc được hai năm rưởi
thì group đã sản xuất xong loại máy mới nầy, sau khi cho làm hàng loạt để tung
ra thị trường khắp thế giới, mọi người trong group đều nhận được giấy khen.
Tưởng đâu đã thu hoạch mỹ mãn thì được nghỉ xả hơi một thời gian, ai dè cấp
trên định tái phối trí, toán tôi và toán của Wang Phang được chỉ định dời qua
Texas và hãng định cho nghỉ hưu non (tình nguyện và bắt buộc)1200 kỹ sư để bớt
chi phí hòng cạnh tranh với các hãng Nhật. Tôi không thể đi xa một mình được,
các người trong gia đình đều có việc tại đây, nên các con tôi bảo tôi nghỉ hưu
non, hãng cho một ít tiền và lãnh thất nghiệp được sáu tháng. Bây giờ được
hưởng trợ cấp tàn phế mỗi tháng $490, hằng ngày ngồi trước bàn computer, để hồi
tưởng và ghi lại những thăng trầm buồn vui đời lính và cuộc sống phấn đấu bằng
nghị lực, đã xảy ra cho đời tôi, từ ngày bước chân vào trường VBQG, ngày xảy ra
tai nạn thảm khốc gây cho cơ thể bất toàn.
Sự
phấn đấu đã xảy ra thường xuyên và mãnh liệt với chính bản thân. Sống trong nỗi
tuyệt vọng, mất niềm tin, cuộc phấn đấu nội tâm thật là cam go, nó còn khó gấp
bội lần so với những giờ phút quyết liệt nơi chiến trường!
Thay Lời Kết
12 năm trong quân ngũ với nhiều vất vã gian
nan, nhất là những lúc trèo đèo vượt suối. Ngoài ra những lần chạm địch, đạn
thù không kiên nể một ai, lúc đó người chiến sĩ đem sinh mạng ra thử thách với
tử thần! Người chinh phụ ở hậu phương lúc nào cũng phập phòng lo sợ.
9 năm còn kẹt lại ở Việt Nam, sống dưới chế
độ phe đảng, công an, và cảnh sát. Bọn cầm quyền độc tài chuyên chế, lúc nào
cũng muốn áp bức người dân, nhất là dân Miền Nam. Chúng muốn đưa gia đình của
những người liên hệ chế độ cũ đến đường cùng. Một chế độ kiểm soát bằng lý
lịch, những người cựu quân, cán, chính lành mạnh mà còn phải “Chạy ăn từng bữa
toát mồ hôi!”. Còn gia đình tác giả thì
chồng bịnh tật, vợ ốm yếu, ba đứa con còn quá dại khờ (1, 3, và 5 tuổi). Tiền
mặt sau khi đổi chỉ còn hai trăm đồng, không của cải quý giá (Honda, chiếc nhẫn
truyền thống Đà Lạt bằng vàng 18,...đều bán sạch), vậy mà gia đình đã cố gắng
ngoi từ đáy parapole để lên gần tới đỉnh.
13 năm sống tha hương, lúc mới qua Mỹ, trong nhà có hai lao động: trưởng
nam mới vừa 16 tuổi, và mẹ đi làm nhà hàng, dành dụm tiền mua sách vở. Tối đi
làm tới gần nửa đêm, sáng sớm cả nhà năm người đều cấp sách đến trường để rồi 9
năm sau, 4 cha con đều tốt nghiệp Kỹ Sư (1 cháu đổ bằng Master).
24 năm ngồi trên xe lăn, với nhiều biến
chứng do bịnh tê liệt gây ra, khiến tác giả ngày đêm phấn đấu với những cơn đau
nhức, khó chịu, nhất là ở vùng ranh giới thắt lưng, nơi đốt xương sống bị gãy.
Đầu óc lúc nào cũng lo lắng trăm bề, nhiều khi cầm quyển sách mà trong óc nghĩ
chuyện đâu đâu, tinh thần kém minh mẫn, chậm chạm, khó hấp thụ như tuổi thanh
xuân. Vì vậy cần phải cố gắng gấp bội, mới có thể theo kịp bạn học, còn muốn
điểm cao để đem lại vinh dự cho gia đình, cho sinh viên Việt Nam, thì khỏi nói
quí vị cũng hiểu tác giả đã phải phấn đấu đến bực nào? Không được than van mệt
mỏi, không được nghĩ đến những cơn đau do bịnh trạng gây ra. Phải tranh thủ
từng giờ từng phút, kể cả những lúc các cháu ẵm lên bàn nằm nghỉ trưa tại phòng
học, vừa cầm khúc bánh mì ăn, vừa đọc sách, ôn bài.
Đoạn trường ai có qua cầu mới hay! Mỗi lần
tác giả nghĩ đến giai đoạn dài đã trải qua mà thấy rùn mình ớn sợ ! Không ngờ
mình có thể chịu được cảnh đó trong suốt 24 năm! Cộng thêm mười năm ở quân
trường và đơn vị tác chiến! Thì tuổi xuân nầy chẳng hưởng thụ được bao nhiêu,
cán cân giữa vui và buồn, sướng và khổ, quả thật là quá chênh lệch!
Hôm nay ngồi đây viết lại hồi ký nầy để
mong quí vị nào có phần số tốt hơn, đừng bao giờ buông xuôi, chán nản, mỗi khi
gặp bất cứ trở ngại nào cũng cần phấn đấu ngoi lên. Trương Dưỡng
(Trích Một Cánh Hoa
Dù)
Gương Sáng
Ngày 12-12-92, trường Đại Học Florida Atlantic
University đã long trọng tổ chức lễ mãn khóa cho 1068 Sinh viên tốt nghiệp các
chuyên khoa trong đó có một cựu SVSQ Khóa 20 TVBQGVN và trưởng nam, hiện cư ngụ
tại Broward, Florida tốt nghiệp Kỹ Sư Điện.
Ra trường Khóa 20 TVBQGVN năm 1965, anh
Trương Dưỡng đã đầu quân vào đơn vị lẩy lừng chiến tích nhứt của QLVNCH trong
suốt cuộc chiến chống Cộng. Sư Đoàn Nhảy Dù, một đơn vị đã từng nổi tiếng gây
khiếp đảm cho quân thù trên khắp các chiến trường và thu phục được sự cảm mến
của mọi từng lớp đồng bào hậu phương.
Anh đã có mặt trên hầu hết các chiến trường
Bồng Sơn, Tam Quan (Bình Định), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Cửa Việt (Quảng Trị) và
Hạ Lào năm 1971, Gio Linh, Làng Vây (Quảng Trị), đường Trường Sơn, Phong Điền
(Thừa Thiên) năm 1967; Cổ Thành Quảng Trị, Thành Nội Huế và mặt trận Ven Đô
Thành Sàigòn Tết Mậu Thân năm 1968.
Cùng với các chiến tích kể trên của đơn vị,
anh hùng Mũ Đỏ họ Trương đã được tưởng thưởng nhiều huy chương đủ loại kể cả
huy chương cao quý nhất của Quân Lực VNCH và Hoa Kỳ. Anh cũng đã chứng minh
hùng hồn nhứt về lòng yêu nước của mình bằng 4 lần bị thương trên chiến trường
mà hiện nay một số đạn thù vẫn còn nằm lại trong thân thể anh.
Một tai nạn xe oan nghiệt và cuộc cưỡng
chiếm Miền Nam Việt Nam của tập đoàn Cộng Sản Bắc Việt 30/4/1975 đã chấm dứt
cuộc đời binh nghiệp của anh và mang lại cho anh một thân thể bất toàn. Hai
biến cố nầy đã đưa anh đến một tình thế khó khăn tuyệt đỉnh. Nhưng người sĩ
quan quả cảm nầy đã vươn lên không ngừng để sống còn trong suốt gần mười năm
trên quê hương điêu tàn, rách nát. Anh cùng vợ và các con đã phải làm đủ thứ
nghề để sống qua ngày và mong chờ một tia sáng ở cuối đường hầm.
Niềm hy vọng nhỏ nhoi đó đã trở thành sự
thật khi anh được người bà con họ bảo lãnh và cả gia đình anh đã đến được vùng
đất Tự do nầy vào năm 1984. Đến nay anh
vừa tròn 50 tuổi, cái tuổi mà đáng lẽ đang chuẩn bị để “Vui thú điền viên”
nhưng anh đã luôn luôn nêu cao khẩu hiệu “Tự thắng để chỉ huy” và cái “Đa năng
đa hiệu” của người trai Võ Bị gần 30 năm trước. Người chiến binh quả cảm đó
không ngừng hăng say xông xáo trên chiến trường lửa đạn mà còn tung hoành ngang
dọc không kém trên mặt trận văn hóa. Anh lúc nào cũng an lạc yêu đời, vẫn hằng
ngày ngồi xe lăn đến trường để “Dồi mài kinh sử” cùng 3 con trai
Theo lời phát ngôn viên của Viện Đại Học
thì đây là lần đầu tiên một gia đình gồm 4 cha con học cùng ngành và cùng
trường mà lần nầy hai cha con cùng tốt nghiệp với số điểm trung bình :
- Trương Dưỡng 3.64
-
Trương Vũ Tâm 3.3
Hai em Thành và Thiện hiện đang noi bước
cha anh và cũng sẽ tốt nghiệp năm 1993. Đằng sau cái gương hiếu học và những nổ
lực không ngừng của anh Dưỡng và các cháu, tôi không thể không nêu lên tấm
gương của một phụ nữ mà từ gần 10 năm ròng rã sống trên xứ lạ quê người, nơi
đầy dẫy những cám dỗ xa hoa vật chất, vẫn một lòng một dạ yêu thương chồng con,
hằng ngày vui vẻ cặm cụi đi làm để nuôi chồng con an tâm đèn sách:
Chị Dưỡng.
Chị không những là một động lực mạnh mẽ
thúc đẩy chồng con mau đến thành công trên đường học vấn mà còn là một gương
sáng chói về tiết hạnh đảm đang của người phụ nữ Việt Nam truyền thống.
Tóm lại gia đình Người Hùng Mủ Đỏ Trương
Dưỡng vô cùng xứng đáng là một gia đình Việt Nam mẫu mực để cho tất cả người
Việt chúng ta noi theo, đặc biệt những ai đang sống trên quê hương nầy vậy.
Lê Chí Thiện, K14 ĐL
Florida, 1992
Cám Ơn Các Anh
--- 0 ---
(Tặng Q V Trường và
Trương Dưỡng)
Lời nôm na mà ý rất
tự hào
Để dạy thằng con Phải Sống Làm Sao
Mang thương tật, cháu
thẩn thờ sống gượng
Cảm ơn anh Quách vĩnh
Trường và Trương Dưỡng
Hai tấm gương Tự Thắng tuyệt vời
Hai tấm gương làm hãnh diện với đời
Trai Võ Bị rạng ngời lòng Tự Thắng*
Thương các anh trải
trăm cay, nghìn đắng
Vẫn vươn lên với thân thể tật nguyền.
Cụt tay chân rồi mộng ước ngả nghiên
Lại nước mất, cả đất trời như sụp đổ!
Thân tàn phế xứ người
bao bỡ ngỡ
Thế mà các anh, bạn
cùng khóa của chồng tôi,
Giờ gặp lại là Kỹ sư,
Họa sĩ
Tôi hãnh diện cùng
gia đình Võ Bị
Có gương anh rọi con cháu ngày ngày
Cảm ơn các anh cho con cháu hậu lai
Hai cuộc sống sáng
ngời gương Tự Thắng.
Bửu Hiền Thê
(phu nhân cựu Trung tá
Nguyễn Thái Bửu, k20,
Trung Đoàn phó)
No comments:
Post a Comment