Đầu năm khai bút, tôi muốn chọn viết về thành phố Geneva và một chút xíu về đất nước Thụy Sỹ, xem như kể về một chuyến đi cách đây không lâu của tôi. Năm nay, 2014, đã gợi lại cho đồng bào Việt Nam chúng ta một sự kiện đau buồn trong lịch sử. Đúng sáu thập niên trước, trên bàn cờ chính trị của thế giới, quê hương Việt Nam đã bị đem ra phân chia, mổ xẻ, đổi chác, để rồi chính thức bị chia đôi tại một hội nghị do Liên Hiệp Quốc tổ chức ở Geneva vào năm 1954. Hệ lụy của cuộc hội nghị là kéo theo hàng triệu đồng bào từ miền Bắc đã chạy vào Nam sinh sống. Con người Việt Nam đã bắt đầu biết đến hai chữ “tị nạn” với đủ các yếu tố: biết ơn con người, nhưng buồn tủi vì phải ly hương, và tự hào khi được dứt khoát đứng về lẽ phải trong tự do…
Đất nước Thụy Sỹ nằm giữa vùng Tây Âu và Trung Âu, là một quốc gia bị bao bọc hoàn toàn bởi năm quốc gia như Đức, Ý, Pháp, Áo và Liechtenstein. Đây là một quốc gia trung lập không đứng về một phe nhóm chính trị nào, các cơ quan từ thiện như Hồng Thập Tự, Cao Ủy Tị Nạn và nhiều cơ quan đặc trách khác của Liên Hiệp Quốc đều đặt văn phòng tại thành phố Geneva. Dân số của Thụy Sỹ khoảng 8 triệu người, diện tích quốc gia là 41,285km2 (15,940 sq mi). Theo Ngân Hàng Thế Giới thống kê năm 2013, thu nhập đầu người ở Thụy Sỹ trung bình $79 ngàn USD. Thụy Sỹ tuy là một quốc gia có diện tích không lớn, nhưng lại có đến bốn ngôn ngữ được sử dụng là Romansh, Đức, Pháp và Ý. Tiếng nói cổ nhất của người bản địa là Romansh được chính thức dùng làm ngôn ngữ giao tiếp tại quốc hội, và cũng là môn học bắt buộc cho các học sinh trung học. Romansh là một ngôn ngữ có sự pha trộn giữa tiếng Latin và tiếng Đức. Tiếng Anh ở đây cũng khá phổ biến và thông dụng. Tôi đã không có một trở ngại nào khi giao tiếp bằng Anh Ngữ với người dân địa phương. Các thanh niên tại Thụy Sỹ tuổi từ 19 đến 34 đều phải gia nhập quân đội trong 21 tuần để tham gia các khóa huấn luyện quân sự, sau đó họ trở về cuộc sống bình thường nhưng được phép giữ súng. Mỗi năm, các quân nhân này phải quay lại tập trung trong các doanh trại quân đội để tập luyện cho tới năm họ 34 tuổi sẽ giải ngũ, có trường hợp được lưu lại trong quân đội đến 50 tuổi nếu là những sỹ quan. Quân đội của Thụy Sỹ không có mục đích đi gây chiến tranh hay đứng về một phe nào, nhưng họ sẵn sàng tham gia các công cuộc giữ gìn hòa bình chung cho thế giới cùng với Liên Hiệp Quốc. Vì là một quốc gia nằm lọt thỏm bên trong lục địa, bao quanh bởi các quốc gia khác nên Thụy Sỹ luôn luôn đề phòng những mối nguy hiểm ngoại xâm có thể xảy ra. Kho thực phẩm của họ luôn dự trữ một khối lượng lương thực đủ cho người dân dùng trong ba năm, nếu có chiến tranh xảy ra. Các đường cao tốc từ năm cửa biên giới trườn qua những ngọn núi cao hiểm trở, chạy vào bên trong lãnh địa của Thụy Sỹ đều có gài chất nổ. Trong trường hợp quốc gia này bị tấn công thì ở một nơi nào đó vô cùng bí mật của ban tham mưu chính phủ hay tổng tư lệnh quân đội sẽ bấm nút, những con đường cao tốc này sẽ nổ tung, cắt đứt sự vận chuyển hoặc tấn công từ bên ngoài vào. Tuy nhiên hàng trăm năm nay, Thụy Sĩ chưa bao giờ bị ngoại xâm, mặc dù họ là một quốc gia có diện tích rất nhỏ bé, so với những quốc gia láng giềng trong khu vực Châu Âu.
Từ Zurich đến Geneva
Thụy Sỹ có hai thành phố lớn và mạnh cả về văn hóa cũng như kinh tế là Zurich và Geneva. Ở Zurich có nhiều những chương trình giải trí thời thượng cho các du khách như tiệm ăn, viện bảo tàng, tham quan nhà máy chocolate, các tòa lâu đài, các khu phố cổ….Tuy nhiên so với lịch sử nhiều ngàn năm của các thành phố khác tại Châu Âu thì các thành phố ở Thụy Sỹ chỉ toàn những công trình kiến trúc khá mới, chỉ vài thế kỷ. Các tài liệu lịch sử cho biết, nơi đây từng có một nền văn hóa La Mã cổ đại phát triển rực rỡ, nhưng hiện nay đã không còn dấu tích gì. Những tòa nhà với kiến trúc Phục Hưng đa số được xây trong thế kỷ XVIII và XIX đã là xưa nhất. Chúng tôi vào nhà ga xe lửa mua vé, nơi đây được nối liền bằng một đường hầm thông với phi trường quốc tế Zurich. Với tấm pass trên tay, chúng tôi có thể du hành bằng xe lửa đi qua những thành phố lớn theo chiều ngang của quốc gia này như Lucern, Bern (thủ đô), Lausanne và điểm cuối cùng là Geneva, nơi mà tôi rất muốn đến vì nhiều lý do. Một điều tôi cho là thú vị khi nhân viên của khách sạn tại Zurich (là nơi dùng tiếng Đức) giúp tôi đặt phòng khách sạn ở Geneva (là nơi nói tiếng Pháp), đã không thể hiểu được đồng nghiệp của họ vì bất đồng ngôn ngữ. Tiếng Romansh cũng không phải ai cũng hiểu vì không phổ thông, cho nên cuối cùng, cho dù ở cùng một quốc gia, họ đã phải dùng tiếng Anh cho nhanh và gọn nhất...
Sau gần 3 tiếng đồng hồ trên xe lửa, chúng tôi đến ga chính của thành phố Geneva, đón xe bus đi vào khu vực trung tâm, nơi chúng tôi đã đặt sẵn khách sạn. Xe đi qua những con đường sạch sẽ, xe cộ vắng vẻ vì đa số người dân ở đây sử dụng giao thông công cộng. Sau khi nhận phòng khách sạn, chúng tôi liền thả bộ ra thăm các tòa nhà của Liên Hiệp Quốc. Hai nơi tôi cảm thấy lòng mình chùng xuống vì xúc động nhất là tòa nhà UNHCR (Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc) và cao ốc chính của Liên Hiệp Quốc, nơi từng diễn ra Hội Nghị Geneva vào năm 1954 để chia cắt đất nước Việt Nam. Sau sự kiện này là hàng triệu đồng bào từ miền Bắc đã phải di cư vào Nam để lánh nạn, khi chủ nghĩa Cộng Sản đã vào đến miền Bắc Việt Nam từ Liên Xô và Trung Cộng.
Tòa nhà của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc - UNHCR thật nhỏ bé, khiêm tốn với vài tầng lầu, xây cất đơn giản như một apartment building chúng ta vẫn thấy ở các khu bình dân tại Bắc Mỹ. Không thể nào ngờ, nơi đây đã từng giúp cứu thoát hơn mười triệu năm trăm ngàn người tị nạn chính trị trên thế giới thoát khỏi những áp bức, kỳ thị của các thể chế, cũng như các chính sách vô minh trên thế giới. Là một thuyền nhân tị nạn chính trị, đến từ một trong các chương trình tị nạn của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại Đông Dương trong thập niên 1980’s, tôi đứng nhìn tòa nhà mà rưng rưng trong lòng. Tôi không thấy ở đây một sự xa hoa, hào nhoáng nào mà ta nghĩ cần phải có cho một cơ quan của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc. Ngân sách đã không vào bề nổi và bề mặt mà đã đi thẳng đến với người tị nạn khắp nơi trên thế giới. Ngày xưa chắc chắn cũng như ngày nay, họ tiết kiệm ngay tại Geneva, để cho các thuyền nhân có thêm miếng ăn trong các trại tị nạn. Thuở ấy, thức ăn có thể thiếu, nhưng cơm gạo khi nào cũng đầy đủ. Tôi chợt nhớ đến những chén cơm, những quả trứng, gói mì, thịt gà, cá, sữa, bánh mì, những xô nước máy dùng để nấu ăn… được các nhân viên của Cao Ủy Tị Nạn, hội Hồng Thập Tự, hội Hồng Nguyệt nâng niu đưa từ đất liền ra đảo Pulau Bidong cho người tị nạn. Và tôi lại nhớ trái tim của thằng bé tôi ngày xưa đã phẩn nộ khi thấy có những con người vô ý thức, vô ơn: khi họ lãnh gạo khênh về láng trại, chỉ vì không muốn mang bao gạo nặng trên vai, họ đã đổ đi một nửa xuống các con mương - rãnh cho nhẹ hơn, rồi họ vác đi tiếp !!!
Tôi đứng tần ngần bên ngoài tòa nhà chính của Liên Hiệp Quốc. Nơi đây đã từng diễn ra Hội Nghị Geneva với các phái đoàn như Việt Minh, Pháp, Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Cộng để cuối cùng đi đến kết thúc, chia đôi đất nước Việt Nam ở vĩ tuyến 17. Tôi không thể xin vào bên trong vì tòa nhà đang được sửa chữa. Từ bên này đường đứng chụp hình qua bên kia để có thể thấy trọn cảnh. Là kẻ hậu sinh, nghe và đọc những sự kiện lịch sử lớn từng xảy ra, kể từ sau 1954, tôi không biết phải giải thích thế nào về cảm giác lẫn lộn của mình khi ấy. Đất nước bị chia cắt là một nỗi đau, nhưng rồi đất nước “thống nhất” đã có ý nghĩa gì tích cực hay không? Tại sao vận mệnh của dân tộc chúng ta lại tùy thuộc vào lá phiếu của các thế lực chính trị quốc tế khác??? …Quan điểm và suy luận luôn dành cho từng cá nhân, tùy vào chúng ta đang đứng ở vị trí nào để nêu chính kiến!
Rời khu vực Liên Hiệp Quốc, tôi lại nhảy lên xe bus đi về phố cổ. Mô hình phố cổ với quảng trường ở giữa, những toà nhà bao bọc xung quanh, những con hẻm nhỏ chỉ vừa cho xe ngựa di chuyển thuở xưa, vẫn luôn là những hình ảnh quen thuộc ở Châu Âu. Đất nước Thụy Sỹ quá quy cũ, quá ngăn nắp, sạch sẽ với những luật lệ khắc khe, cho nên cổ thành có vẻ không được vui, không ồn ào, không nhộn nhịp và không có hồn như ở Ý hoặc ở Tây Ban Nha. Tôi thả bộ ra bờ hồ, nơi mà đạo diễn người Pháp Régis Wargnier của phim Indochine đã từng chọn một cảnh quay ở đây. Trong phim có cảnh nữ tài tử Catherine Deneuve, đưa đứa cháu ngoại đến đây, tìm cách cho thằng cháu nhìn mặt mẹ nó (một cô gái Việt Nam mà bà từng nhận làm con gái nuôi, nhưng cô đã bỏ mẹ nuôi, bỏ con lại để đi theo Việt Minh). Rồi khi thời điểm của Hội Nghị Geneva 1954, cô ấy nằm trong phái đoàn của Việt Minh bên trong tòa nhà của Liên Hiệp Quốc... Tôi đã xem bộ phim từng đoạt giải Oscar này đến bốn lần và có thể xác định được khu vực bờ hồ, nơi vị trí mà người nữ tài tử bị trặc giày trong phim…. Chàng thanh niên tây lai trong phim đã từ chối gặp mặt người mẹ ruột trong phái đoàn của Việt Minh, vì theo anh ta: “Mẹ không nuôi con , không dưỡng con, thì cũng không còn là mẹ…”
Một vài nơi du khách không thể bỏ qua ở Geneva
Du khách đến Geneva không thể không đến những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thành phố đứng thứ chín trên thế giới về tài chánh này như The Jet d’Eau (đài phun nước), Reformation of Wall (bức tường tôn giáo), The magnificient Parks (năm mươi công viên rải rác trong thành phố), The Palais des Nations (trụ sở Liên Hiệp Quốc, nơi đã tổ chức Hội Nghị Geneva năm 1954), A Certain Art de vivre in the Bains district (viện bảo tàng nghệ thuật), Old town (phố cổ)...
Nếu có thời gian, du khách có thể mua vé xe lửa đi bất cứ lúc nào để đến tham quan những thành phố lân cận, tham gia những tour leo núi cao chót vót để chứng kiến tận mắt mây đang ở dưới chân mình hoặc xuống các du thuyền trên các hồ nước vốn có rất nhiều ở Thụy Sĩ.
Kết thúc:
Quý vị nên đến thăm Thụy Sĩ một lần để thấy những khác biệt so với đời sống chúng ta đang có tại Bắc Mỹ. Nói về diện tích thì cả đất nước Thụy Sĩ chỉ bằng khoảng hơn 40% tỉnh bang Ontario của Canada hoặc chỉ bằng 10% diện tích tiểu bang California của Mỹ, nhưng nếu tính bình quân tổng sản lượng quốc gia (GNP) thì mỗi người dân Thụy Sĩ có thu nhập cao, đứng thứ 3 trên thế giới (Mỹ đứng thứ 6, Canada đứng thứ 19 và Việt Nam đứng thứ 182). Nước dùng chảy từ máy ra ở đây vô cùng tinh khiết, rất dồi dào từ trên núi được đưa về thẳng thành phố cho dân chúng sử dụng, không cần lọc hay khử trùng mà vẫn có thể uống được và uống ngon; thức ăn khá đắc đỏ - đắc gấp hai hoặc gấp ba lần so với Bắc Mỹ. Người Thụy Sĩ nổi tiếng là những con người nguyên tắc trong quan niệm sống, với giờ giấc chính xác từng giây phút và ở đây không có đất sống cho những hoạt động ăn chơi trác táng, trụy lạc ... Từ lâu, Châu Âu vẫn được xem là cái nôi của văn hóa, nghệ thuật của cả thế giới, vậy mà rất ít các nghệ sĩ nổi tiếng đến từ Thụy Sĩ. Có lẽ khi đời sống con người quá nguyên tắc, quá thanh bình, quá tinh khiết, quá chuẩn mực thì lại không phải là môi trường cho các nghệ sĩ thăng hoa và phát triển.
Tôn Thất Hùng
No comments:
Post a Comment