Friday, August 22, 2014

Tóm Lược Tiểu Sử & Sự Hình Thành Nha Kỹ Thuật


Bộ Tổng Tham Mưu / Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

Bài Sưu Tầm của Bùi Thượng Khuê (*)
Thế Hệ 2 / Nha Kỹ Thuật
29 Tháng 4 Năm 2006

Theo bài viết của một số qúy Niên Trưởng trong gia đình Nha Kỹ Thuật (kể từ đây được viết tắt trong bài này là ‘NKT’) cùng với sự tiết lộ của những tài liệu và sách báo Hoa Kỳ, nói về cuộc chiến tranh ngoại lệ tại Việtnam (un-conventional warfare) nay đã được giải mật, thì NKT được thành hình trong khoảng thời gian từ cuối năm 1958 cho đến năm 1964.  Nha Kỹ Thuật là một cơ quan tình báo chiến lược tối mật của miền Nam Việt Nam, trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu/QLVNCH, và được chính thức thành lập vào khoảng đầu năm 1964.  Nhưng thực ra, trước khi Hiệp Ðịnh Genéve được ký kết vào năm 1954, người Pháp đã thành lập một số các cơ quan tình báo phản gián và chiến lược tại miền Nam Việt Nam.  Sự hoạt động của các cơ quan tình báo này cùng với những biến chuyển quan trọng về chính trị lẫn quân sự dưới thời Ðệ Nhất Cộng Hòa do Hoa Kỳ chủ trương và thực hiện, đã ảnh hưởng trực tiếp đến vận mạng của quốc gia dân tộc nói chung, và liên hệ mật thiết đến sự hình thành của Nha Kỹ Thuật nói riêng.

Sau cuộc tổng tuyển cử của hai miền Nam-Bắc, Chính Phủ Ngô Ðình Diệm lên nắm chính quyền tại miền Nam Việt Nam vào năm 1954.  Thành phần Nội Các của Chính Phủ Ngô Ðình Diệm ra đời vào ngày 7 tháng Bẩy năm 1954, và sau đó Hiệp Ðịnh Genéve được ký kết ngày 20 tháng Bẩy năm 1954, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới phân chia 2 miền Nam-Bắc.  Ðể đối đầu với nhà cầm quyền Bắc Việt, dùng chủ thuyết “Cộng Sản” và chính sách “ngu dân – chuyên chính vô sản hoá” để cai trị dân chúng miền Bắc và đồng thời để thực hiện những âm mưu quân sự lẫn chính trị để thôn tính miền Nam Việt Nam, ông Ngô Ðình Nhu, trong vai trò một người cố vấn chính trị cho Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, là người đầu tiên thành lập ra Ðảng Cần Lao, dùng chủ thuyết “Cần Lao Nhân Vị” để động viên tư tưởng và thu phục những thanh niên nam nữ có lòng yêu nước trong cộng đồng người Việt Quốc Gia, làm hậu thuẫn cho Chính Phủ Ngô Ðình Diệm chống lại Ðảng Cộng Sản và nhà cầm quyền Bắc Việt.  Ngoài ra, ông Ngô Ðình Nhu và Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm còn thành lập ra chương trình “Ấp Chiến Lược”, đã ngăn chận và bẻ gẫy chương trình “Du Kích Chiến” của nhà cầm quyền Bắc Việt tại miền Nam Việt Nam một cách rất hiệu qủa.  Trong khuôn khổ và phạm vi tình báo chiến lược, ông Cố Vấn Ngô Ðình Nhu cùng với sự trợ giúp của Bác Sỹ Trần Kim Tuyến đã thành lập ra “Mặt Trận Gươm Thiêng Ái Quốc” để đối đầu với “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” của Việt Cộng, một công cụ của Ðảng Cộng Sản Bắc Việt tại miền Nam Việt Nam.

Như đã đề cập ở trên, trước khi Hiệp Ðịnh Genéve được ký kết, trong quân đội miền Nam đã có một cơ quan gọi là Phòng 6.  Ðây chỉ là danh xưng vỏ bọc của một cơ quan tình báo phản gián mà người Pháp gọi là Sixieme Section.  Trụ sở của Phòng 6 đặt tại Bà Chiểu tỉnh Gia-Ðịnh, hoạt động dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Nguyễn Khánh (cựu Ðại Tướng).  Vào ngày 8 tháng Chín năm 1954, Thiếu Tá Nguyễn Khánh bàn giao Phòng 6 lại cho Trung Tá Trần Ðình Lan.  Trung Tá Lan theo nhóm của Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hinh thân Pháp, toan lật đổ Chính Phủ Ngô Ðình Diệm nhưng bất thành và do đó, Phòng 6 bị Chính Phủ Ngô Ðình Diệm chính thức giải tán nhân dịp người Pháp chuyển giao quân lính người Việt cho Chính Phủ Ngô Ðình Diệm vào ngày 11 tháng Hai năm 1955.  Trong thời gian này, Chính Phủ Ngô Ðình Diệm bắt đầu thành lập Bộ Tổng Tham Mưu cùng bổ nhiệm các cấp chỉ huy và cải tổ lại Quân Binh Chủng trong Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa, thu gồm một bộ phận tình báo chiến lược của Phòng 6.

Ngay sau khi Phòng 6 bị giải tán, Chính Phủ Ngô Ðình Diệm thành lập Nha Tổng Nghiêm Huấn, trực thuộc Bộ Quốc Phòng để thay thế.  Thiếu Tá Lê Văn Lung, nguyên Phó Giám Ðốc Phòng 6 được bổ nhiệm làm Giám Ðốc Nha Tổng Nghiêm Huấn/Bộ Quốc Phòng.  Ðại Úy Trần Khắc Kính được thuyên chuyển từ Quảng Ngãi về làm Phó Giám Ðốc.  Nha Tổng Nghiêm Huấn/BQP có 3 Sở chính:

1)     Sở 32 được gọi là Sở Liên Lạc, có trách nhiệm khai thác cán bộ Cộng Sản nằm vùng, đưa người của ta vào hàng ngũ của địch hay ngược lại, kéo người của địch vào hàng ngũ của ta.  Ðại Úy Nguyễn Khắc Bình (cựu Thiếu Tướng) nguyên là Chánh Sở 32.

2)     Sở 42 được gọi là Sở Bảo Vệ, có trách nhiệm chính là tổ chức tình báo phản gián.  Chánh Sở 42 là Nguyễn Ngọc Lâm, sau đó bị ám sát trên đường Pasteur (Công Lý).  Ðại Úy Trần Văn Thăng (cựu Ðại Tá) được chỉ định thay thế trong chức vụ Chánh Sở 42.

3)     Sở 52 được gọi là Sở Công Tác, có trách nhiệm hành quân thám sát, đột kích các đường giây xâm nhập và mật khu của Cộng Sản.  Chánh Sở 52 là Nguyễn Văn Lý, rồi đến Ðàm Văn Qúy.

Danh xưng Sở Liên Lạc và Sở Công Tác đã ra đời từ đây trong cơ cấu tổ chức của Nha Tổng Nghiêm Huấn/BQP, vào khoảng tháng Hai năm 1955.  Tuy nhiên, 2 Sở này đã phải trải qua rất nhiều thay đổi trong cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, đường lối làm việc cùng cách hoạt động trước khi trở thành những bộ phận tình báo chiến lược quan trọng của Nha Kỹ Thuật, trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu/QLVNCH, được thành lập sau này trong thời Ðệ Nhị Cộng Hòa.

Cuối năm 1956, Nha Tổng Nghiêm Huấn/Bộ Quốc Phòng được giải tán để thành lập Sở Liên Lạc, trực thuộc Phủ Tổng Thống dưới thời Ðệ Nhất Cộng Hòa.  Ðại Úy Lê Quang Tung (Cố Ðại Tá) lúc bấy giờ đang là Chánh Sở 2 An Ninh Quân Ðội tại Huế, được bổ nhậm và thuyên chuyển về làm Giám Ðốc Sở Liên Lạc/PTT.  Ðại Úy Trần Khắc Kính được thuyên chuyển qua làm Phó Giám Ðốc.  Sở Liên Lạc/PTT có trách nhiệm tổ chức, tuyển chọn và huấn luyện các cán bộ cấp chỉ huy để thành lập những bộ phận căn bản đầu não của Sở trong cuộc chiến tranh tình báo chiến lược bất quy ước, hay chiến tranh ngoại lệ tại Việt Nam.  Như danh xưng, Sở Liên Lạc – Phủ Tổng Thống không nằm trong hệ thống chỉ huy của Bộ Tổng Tham Mưu hay Bộ Quốc Phòng, mà được đặt dưới sự cố vấn và chỉ đạo trực tiếp của Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, Ông Cố Vấn Ngô Ðình Nhu và Bác Sỹ Trần Kim Tuyến.

Sở Liên Lạc/PTT còn có một danh xưng vỏ bọc khác là “Trung Ương Cục” để đối đầu với “Trung Ương Cục Miền Nam” của Cộng Sản, còn được gọi là “Cục R”.  Trụ sở của Sở Liên Lạc/PTT được đặt tại một khu vực phía sau Bộ Tổng Tham Mưu, gần Nghĩa Trang Bắc Việt và Sân Vận Ðộng Quân Ðội.  Cố Ðại Tá Lê Quang Tung và Cố Ðại Tá Trần Khắc Kính là 2 người đầu tiên đã bỏ ra rất nhiều công sức để xây dựng một nền tảng vững chắc cho Sở Liên Lạc/PTT, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và hoạt động của Sở Khai Thác Ðịa Hình, Phòng E45 hay Sở Bắc và Nha Kỹ Thuật sau này.  Cũng trong gian đoạn này, Ðại Úy Trần Văn Hổ (Cố Ðại Tá) được bổ nhiệm làm Phó Giám Ðốc Sở Liên Lạc/PTT trong một thời gian ngắn.  Ngày 1 tháng 11 năm 1957, một Liên Ðoàn “hành động” đầu tiên được thành lập, có danh xưng là Liên Ðoàn Quan Sát Số 1, đặt dưới quyền chỉ huy của Cố Ðại Úy Bùi Thế Minh và trực thuộc Sở Liên Lạc/PTT.

Vào khoảng cuối năm 1958, cơ cấu tổ chức của Sở Liên Lạc/PTT gồm có:

·     Phòng 35 – Có nhiệm vụ tổ chức và chỉ huy hành quân, huấn luyện cán bộ, thanh tra các Trung Tâm Huấn Luyện cùng gởi nhân viên ra ngoại quốc thụ huấn, v.v...  Phòng 35 do Ðại Úy Trần Khắc Kính, Phó Giám Ðốc Sở Liên Lạc/PTT kiêm nhiệm cùng với phụ tá Trần Lai Miên.

·     Phòng 45 còn được gọi là Sở Bắc, có nhiệm vụ tổ chức hệ thống tình báo chiến lược của VNCH tại miền Bắc và quốc ngoại.  Trưởng Phòng là Ðại Úy  Ngô Thế Linh (Cố Ðại Tá), cùng một số các sĩ quan phụ tá như Nguyễn Bảo Thùy, Ðỗ Văn Tiên, Nguyễn Nghệ trực tiếp trông coi và điều hành.  Sau này, Phòng 45 hay Sở Bắc được cải tổ lại thành Sở Công Tác, trực thuộc Nha Kỹ Thuật/BTTM/QLVNCH vào đầu năm 1971.

·     Phòng 55 còn được gọi là Sở Nam, có nhiệm vụ đặt cán bộ nồng cốt tại miền Nam Việt Nam để xây dựng và thành lập các thành phần kháng chiến nằm vùng, đề phòng trường hợp Cộng Sản Bắc Việt tràn xuống miền Nam.  Trưởng Phòng 55 là Nguyễn Qúy Huỳnh, và sau đó là Trần Văn Minh.  Sau này, Phòng 55 hay Sở Nam được cải tổ lại thành Sở Liên Lạc, trực thuộc Nha Kỹ Thuật/BTTM/QLVNCH vào năm 1964.

·     Phòng 65 chuyên lo về An Ninh Quân Ðội, kiểm soát những thành phần nội công và gián điệp Cộng Sản.  Lê Ðình Ngân, Ðàm Thế Công và Nguyễn Qúy Hùng là những người đầu tiên trực tiếp điều hành Phòng 65.

·     Phòng 75 có nhiệm vụ trông coi, thu thập và lưu giữ hồ sơ cùng những tài liệu mật có liên quan đến các hoạt động của Sở Liên Lạc/PTT.

·     Phòng 78 có trách nhiệm về tài chánh và hành chánh, điều hành các ngân khoản trợ cấp cho các hoạt động của Bộ Chỉ Huy (BCH) Sở cũng như các cuộc hành quân của Toán.

·     Phòng 95 là Phòng Truyền Tin, chỉ huy Ðại Ðội Truyền Tin 660, có trách nhiệm tổ chức và huấn luyện chuyên viên truyền tin cho các Toán, phân phối máy móc và giữ liên lạc truyền tin giữa BCH Sở và các Toán hoạt động tại Bắc Việt, quốc nội cũng như quốc ngoại.  Trưởng Phòng 95 là cựu Ðại Tá Mai Viết Triết.

Từ năm 1957 đến năm 1959, Sở Liên Lạc/PTT bắt đầu khởi sự việc huấn luyện về chiến tranh ngoại lệ cho các cán bộ cấp chỉ huy và các đơn vị trực thuộc.   Năm 1959, Trung Tá Lê Quang Tung, Thiếu Tá Trần Khắc Kính và Ðại Úy Trần Văn Hổ là 3 người Việt Nam đầu tiên tham dự khóa Chiến Tranh Ngoại Lệ trên đảo Saipan, một hòn đảo nhỏ do Hoa Kỳ kiểm soát tại Thái Bình Dương.  Sau đó, Thiếu Tá Trần Khắc Kính và Thiếu Tá Cố Vấn Hoa Kỳ Russel Flyn Miller hướng dẫn 12 sĩ quan của Sở Liên Lạc/PTT qua Saipan học khóa Chiến Tranh Ngoại Lệ để điều hành chương trình Hành Quân Bắc Tiến của Sở.  Mười hai sĩ quan của Sở Liên Lạc/PTT tham dự khóa này gồm có:
1.       Ðại Úy Ngô Thế Linh
2.       Ðại Úy Ðàm Minh Viên
3.       Trung Úy Nguyễn Khắc Hy
4.       Trung Úy Nông An Pang
5.       Trung Úy Trần Bá Tuân
6.       Trung Úy Văn Công Báu
7.       Trung Úy Nguyễn Quang Trung
8.       Trung Úy Nguyễn Bảo Thùy
9.       Trung Úy Lê Ngọc Cẩn
10.   Trung Úy Phạm Văn Minh
11.   Thiếu Úy Nguyễn Nghệ
12.   Thiếu Úy Lê Quang Triệu (bào đệ Cố Ðại Tá Lê Quang Tung).

Vào tháng Ba năm 1961, để chuẩn bị cho một chuyến công tác dài hạn xâm nhập miền Bắc, Phòng 45 gởi một điệp viên đơn độc (singleton) là Vũ Công Hồng, bí danh Hirondelle, vượt sông Bến Hải qua vùng Phi Quân Sự, hoạt động dọc theo vĩ tuyến 17 trong một công tác ngắn hạn của Phòng 45.  Hai tuần sau, điệp viên Hirondelle trở lại miền Nam cùng với một số tin tức về đường đi nước bước và hệ thống an ninh của miền Bắc.  Chuyến công tác này coi như thành công và mang lại nhiều phấn khởi cho Phòng 45.

Ðầu tháng Tư năm 1961, một điệp viên đơn độc khác của Phòng 45 (singleton) tên Phạm Chuyên, bí danh Ares hay Hạ Long, rời bãi biển Ðà Nẵng bằng thuyền Nautilus 1, lặng lẽ xâm nhập vào vùng biển Quảng Ninh rồi sau đó chèo xuồng đổ bộ vào một làng đánh cá gần Cẩm Phả, Hòn Gai – Bắc Việt, bắt đầu thi hành một công tác dài hạn.  Khoảng 2 tuần sau, người điệp viên bí danh Ares gởi một bức điện văn đầu tiên về cho Phòng 45 và cơ quan CIA tại Sàigòn.  Chuyến công tác xâm nhập coi như thành công!  Sau đó, điệp viên Ares gởi thêm 22 bản báo cáo nữa cho đến tháng Sáu năm 1961 thì đột nhiên mất tích...  Ngày 8 tháng Tám năm 1961, Phòng 45 lại nhận được một điện văn của điệp viên Ares sau gần 2 tháng mất liên lạc, cắt nghĩa về sự vắng mặt của mình và yêu cầu xin tiếp tế...  Từ đó, thỉnh thoảng điệp viên Ares vẫn liên lạc với Trung Ương tại Sàigòn, báo cáo những tin tức quan trọng về nhà máy điện tại Uông Bí, hệ thống cầu cống, xe lửa, xa lộ và hải cảng Hải Phòng, v.v... cho đến năm 1968 thì mất liên lạc hẳn.

Cũng vào tháng Tư năm 1961, Sở Liên Lạc/PTT được đổi tên là Sở Khai Thác Ðịa Hình, trực thuộc Phủ Tổng Thống.  Tuy nhiên, Sở Khai Thác Ðịa Hình/PTT vẫn duy trì các cơ cấu tham mưu của Sở Liên Lạc/PTT để tiếp tục hoạt động.  Bộ Chỉ Huy Sở Khai Thác Ðịa Hình/PTT dùng danh hiệu đặc biệt “KHIÊM QUANG”.  Mỗi chữ của danh hiệu này là tên của một Phòng.  Mỗi Phòng được giao phó một nhiệm vụ tham mưu hay một công tác đặc biệt.  Theo nguyên tắc này, Phòng 45 hay Sở Bắc được đặt tên là Phòng E và do đó thường được gọi là Phòng E45.  Cũng vào thời điểm này, Liên Ðoàn Quan Sát Số 1 đổi tên thành Liên Ðoàn 77 và được thuyên chuyển từ Quân Trường Ðồng Ðế – Nha Trang về đóng tại Trại Hùng Vương, phía sau trường đua Phú Thọ – Sàigòn.

Một trong những người Biệt Kích đầu tiên của Phòng E45 xâm nhập miền Bắc từ trên không là Trung Sĩ (cựu Thượns Sĩ Nhất) Hà Văn Chấp, nguyên Trưởng Toán Castor, gồm 4 Biệt Kích Sở Bắc, đã anh hùng nhẩy dù trong đêm ngày 2 tháng Sáu năm 1961 xuống Ðồi 885, cách Làng Nghĩa Lộ thuộc Tỉnh Tuần Giao, Lai Châu – Bắc Việt khoảng 1 cây số.  Toán Biệt Kích Castor bị “Lực Lượng Công An Vũ Trang” của miền Bắc bắt khoảng một tuần sau đó và bị ép buộc gởi công điện về Trung Ương xin tiếp tế.  Mặc dầu Thiếu Tá Trần Khắc Kính nghi ngờ lời lẽ trong bản công điện gởi về Phòng E45 không phải của Trung Sĩ Hà Văn Chấp, Trung Tá Lê Quang Tung vẫn quyết định gởi tiếp tế cho Toán Castor vì trong bản công điện có mật mã chứa đựng dấu hiệu an toàn (signal de sécurité)!

Sau chuyến công tác tiếp tế cho Toán Castor bằng phi cơ C-47 của Phòng E45 do Trung Úy KQVN Phan Thanh Vân lái bị bắn rơi tại Tô Hiệu, Bắc Việt vào đêm ngày 3 tháng Bẩy năm 1961, Thiếu Tá Trần Khắc Kính xin thuyên chuyển khỏi Sở Khai Thác Ðịa Hình/PTT, lên Kontum dồn nỗ lực chỉ huy 15 Toán Biệt Kích Lôi Vũ và 4 Ðại Ðội Biệt Kích Dù, đã được Sở Liên Lạc/PTT thành lập vào cuối mùa Hè năm 1961, nhằm ngăn chận sự xâm nhập của Cộng Sản Bắc Việt từ Laos qua, và đồng thời cũng để tổ chức hành quân quấy rối trên lãnh thổ Bắc Việt.  Dưới sự chỉ huy của Thiếu Tá Kính, các Toán Biệt Kích Lôi Vũ bắt đầu bí mật nhẩy xuống lãnh thổ Laos vào tháng Tám năm 1961 để thám sát và báo cáo những địa điểm tập trung và đường giây xâm nhập của Cộng Sản Bắc Việt từ Laos vào miền Nam Việt Nam.  Vào khoảng tháng Ba năm 1963, Thiếu Tá Kính được thuyên chuyển về Vùng 4 lo về Biên-Phòng.

Người “Biệt Kích Gián Ðiệp” thứ sáu của Phòng E45 xâm nhập miền Bắc bằng đường biển là Ðặng Chí Bình, bí danh Athena (một người rất nổi tiếng trong giới người Việt hải ngoại của chúng ta sau này qua bộ sách hồi ký Thép Ðen), đã dùng thuyền xâm nhập vào bãi biển Hà Tĩnh, Bắc Việt vào cuối tháng Năm năm 1962.
Như đã trình bầy ở trên, Phòng E45 hay Sở Bắc, đầu tiên là một cơ cấu của Sở Liên Lạc/PTT, được thành lập vào cuối năm 1958, có nhiệm vụ tổ chức hệ thống tình báo chiến lược của VNCH tại miền Bắc và quốc ngoại.  Danh xưng “Biệt Kích Sở Bắc” có lẽ đã bắt đầu từ đây.  Phòng E45 được đặt dưới quyền chỉ huy và huấn luyện trực tiếp của Ðại Úy Ngô Thế Linh (Cố Ðại Tá).  Trong khoảng thời gian từ năm 1961 cho đến năm 1963, ngoài những cơ cấu về không vận, Phòng E45 hay Sở Bắc còn có 2 Chi Cục Atlantic và Pacific, có nhiệm vụ tuyển mộ, huấn luyện và tổ chức các chuyến công tác xâm nhập miền Bắc bằng bộ vận và thủy vận.  Cố Trung Tá Trần Bá Tuân là Chi Cục Trưởng Chi Cục Atlantic, chuyên đặc trách về bộ vận.  Ðại Úy Hà Ngọc Oánh (cựu Trung Tá) làm Chi Cục Trưởng Chi Cục Pacific, chuyên đặc trách về hải vận.

Tháng Ba năm 1963, Sở Khai Thác Ðịa Hình được cải tổ thành Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Ðặc Biệt cùng với 2 đơn vị nồng cốt là Liên Ðoàn 77 và Liên Ðoàn 31, hoạt động dưới quyền chỉ huy của Cố Ðại Tá Lê Quang Tung.  Sau cuộc đảo chánh ngày mồng 1 tháng 11 năm 1963, Thổng Thống Ngô Ðình Diệm, Ông Ngô Ðình Nhu, Bác Sỹ Trần Kim Tuyến, Trung Tá Lê Quang Tung và bào đệ là Thiếu Tá Lê Quang Triệu bị quân Cách Mạng sát hại.  Sau đó, Sở Khai Thác Ðịa Hình/PTT tách rời khỏi Lực Lượng Ðặc Biệt vào khoảng đầu năm 1964 và được đổi tên thành Sở Khai Thác (Strategic Exploitation Service), đặt dưới quyền chỉ huy của Cố Ðại Tá Trần Văn Hổ, chuyên đặc trách những công tác tình báo chiến lược tại phía Bắc vĩ tuyến 17.  Trong thời điểm này, Phòng E45 tuy vẫn trực thuộc Sở Khai Thác nhưng thường được gọi là Sở Bắc.  Sau một thời gian ngắn, Sở Khai Thác được cải danh thành Sở Kỹ Thuật và sau đó được nâng lên thành Nha Kỹ Thuật.
               
          Nha Kỹ Thuật (Strategic Technical Directorate) được chính thức thành lập vào khoảng đầu tháng 4 năm 1964 và trực thuộc Văn Phòng của cựu Ðại Tướng Cao Văn Viên, nguyên Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH.  Người dân miền Nam Việt Nam bắt đầu biết đến danh xưng “Biệt Kích Lôi Hổ” trong khoảng thời gian này trở về sau.  Nha Kỹ Thuật chính thức hoạt động từ tháng 4 năm 1964 cho đến ngày cuối cùng của cuộc chiến (30/4/1975) dưới sự chỉ huy của 2 vị Giám Ðốc:  Cố Ðại Tá Trần Văn Hổ (1964 – 1968) và cựu Ðại Tá Ðoàn Văn Nu (1968 – 1975).  Cố Ðại Tá Ngô Thế Linh là Phó Giám Ðốc Nha Kỹ Thuật (dd/mm/yyyy – ???).  Phụ Tá Ðiều Hành Nha Kỹ Thuật là cựu Ðại Tá Nguyễn Lễ (Trần Xuân Ðức).  Nha Kỹ Thuật còn được Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đặt cho một tên chính thức khác là Bộ Tư Lệnh Chiến Tranh Ngoại Lệ trong lần tái tổ chức lại bản cấp số và các cơ sở trực thuộc vào đầu năm 1971, nhân ngày thành lập Sở Công Tác/NKT.
 
Mặc dù Nha Kỹ Thuật được chính thức thành lập vào năm 1964, nhưng thực ra hoạt động của Biệt Kích VNCH trên lãnh thổ Bắc Việt đã bắt đầu từ đầu năm 1961, qua những công tác tình báo chiến lược tối mật của Phòng E45 thuộc Sở Liên Lạc/PTT và Sở Khai Thác Ðịa Hình/PTT.  Nói một cách rất tóm tắt qua sơ đồ hệ thống tổ chức, Nha Kỹ Thuật có 4 đơn vị tác chiến chính và 1 Trung Tâm Huấn Luyện cùng với Bộ Chỉ Huy Nha Kỹ Thuật mà trong đó, Sở Tâm Lý Chiến tuy là một cơ cấu tham mưu nhưng được giao phó nhiều công tác tâm lý chiến đặc biệt.

1)     Sở Liên Lạc/NKT – Liaison Service – Ðơn vị chính của Biệt Kích Lôi Hổ, được cải tổ từ cơ cấu của Phòng 55 hay Sở Nam thuộc Sở Liên Lạc/PTT, và được sát nhập vào NKT vào năm 1964, gồm có Bộ Chỉ Huy Sở Liên Lạc và 3 Chiến Ðoàn hành quân chính là Chiến Ðoàn 1, Chiến Ðoàn 2 và Chiến Ðoàn 3 Xung Kích, cùng với những đơn vị đối nhiệm của Hoa Kỳ thuộc MACV-SOG (Military Command Assistance of Vietnam – Special Operations Group) là CCN (Command Control North), CCC (Command Control Center), và CCS (Command Control South), đảm trách các chuyến công tác hành quân viễn thám và xâm nhập ngoại biên trên lãnh thổ Laos và Cambodge, nhằm mục đích ghi nhận dấu vết hoạt động của các đơn vị Cộng Sản Bắc Việt, phá hoại các mục tiêu trọng yếu cùng chỉ điểm những mục tiêu quân sự của địch cho Không Quân Việt Nam và Hoa Kỳ oanh kích.  Chỉ Huy Trưởng đầu tiên của Sở Liên Lạc là Cố Ðại Tá Hồ Tiêu, và vị Chỉ Huy Trưởng cuối cùng của Sở Liên Lạc là Cố Ðại Tá Nguyễn Minh Tiến.

2)     Sở Phòng Vệ Duyên Hải – Coastal Security Service – Ðược chính thức thành lập vào ngày 1 tháng Tư năm 1964, gồm có Bộ Chỉ Huy Sở Phòng Vệ Duyên Hải (được thành lập từ số nhân viên của 2 Chi Cục Atlantic và Pacific), Lực Lượng Biệt Kích Người Nhái hay Biệt Hải, và Lực Lượng Hải Tuần của Hải Quân VNCH.  Sở Phòng Vệ Duyên Hải đặc trách mọi công tác hải vận của Nha Kỹ Thuật trên vùng biển Bắc vĩ tuyến 17, do các toán Biệt Hải như Cumulus, Cancer, Vega, Mercury và Lực Lượng Hải Tuần thực hiện.  Sau này, Sở Phòng Vệ Duyên Hải còn đảm trách thêm những chuyến công tác đặc biệt để đột kích các mật khu của Việt Cộng tại miền Nam Việt Nam, và giải cứu các phi công cùng phi hành đoàn Việt Nam và Hoa Kỳ lâm nạn.  Chỉ Huy Trưởng đầu tiên của Sở Phòng Vệ Duyên Hải là Cố Ðại Tá Ngô Thế Linh, và vị Chỉ Huy Trưởng cuối cùng của Sở Phòng Vệ Duyên Hải là Cố Hải Quân Ðại Tá Nguyễn Viết Tân.

3)     Sở Không Yểm – Air Support Service – Ðược thành lập vào năm 1964 để thay thế cho các toán phi hành đoàn người Ðài Loan do cơ quan Combined Studies của Hoa Kỳ cung cấp và điều động từ trước năm 1964, cùng với Phi Ðoàn Thần Phong 83 và các Phi Ðoàn Vận Tải C-47 “Cò Trắng” thả Biệt Kích của KQVN.  Sở Không Yểm phối hợp và làm việc trực tiếp với Bộ Tư Lệnh Không Quân Việt Nam và Hoa Kỳ, đảm trách mọi nhu cầu hành quân không vận của Nha Kỹ Thuật.  Sở Không Yểm gồm có Phi Ðoàn Trực Thăng KingBee 219, sau đó được thay thế bởi các Phi Ðoàn Trực Thăng 233, 235, các Phi Ðoàn Vận Tải C.123 và C.130, Phi Ðoàn bán phản lực OV2 và OV10, cũng như các Phi Ðoàn Quan Sát L.19 như Phi Ðoàn 118...  Chỉ Huy Trưởng đầu tiên của Sở Không Yểm là Ðại Tá Không Quân Dư Quốc Lương, và vị Chỉ Huy Trưởng cuối cùng của Sở Không Yểm là Ðại Tá Không Quân Khổng Văn Phước.

4)     Sở Công Tác – Special Mission Service – Ðơn vị sau cùng của Nha Kỹ Thuật, được chính thức thành lập vào ngày 1 tháng Một năm 1971 – Sở Công Tác là đơn vị chính của Biệt Kích Hắc Long, được cải tổ từ Sở Bắc thuộc Sở Khai Thác Ðịa Hình/PTT, bao gồm Bộ Chỉ Huy Sở Công Tác, Ðoàn Công Tác 11 và 68 nguyên thủy của Sở Bắc.  Ngoài ra còn có thêm các Ðoàn Công Tác 71, 72 và 75, được thành lập vào khoảng cuối tháng 12 năm 1970 với các Sĩ Quan và Hạ Sĩ Quan xuất thân từ Lực Lượng Ðặc Biệt, Trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt, Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức và Trường Hạ Sĩ Quan Ðồng Ðế Nha Trang.  Nhiệm vụ chính của Sở Công Tác là thay thế Sở Bắc, đảm nhận các công tác xâm nhập, tuyển mộ, huấn luyện, trang bị và phát triển các căn cứ du kích của VNCH trên lãnh thổ Bắc Việt, thu thập các tin tức tình báo chiến thuật và chiến lược từ miền Bắc, tấn công và phá hoại các hạ tầng cơ sở cùng những nơi đồn trú và các cơ sở quân sự của Cộng Sản Bắc Việt.  Vùng hoạt động của Sở Công Tác là trên toàn lãnh thổ Bắc Việt, từ Bắc vĩ tuyến 17 trở ra cho đến biên giới Trung Hoa.  Chỉ Huy Trưởng đầu tiên của Sở Công Tác là Cố Ðại Tá Ngô Thế Linh, và vị Chỉ Huy Trưởng cuối cùng của Sở Công Tác là cựu Ðại Tá Ngô Xuân Nghị.

5)     Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Kích Long Thành – Thủ Ðức – Căn cứ này nguyên thủy của Lực Lượng Ðặc Biệt, được chính thức bàn giao cho Nha Kỹ Thuật vào đầu năm 1964, có trách nhiệm soạn thảo và tổ chức các chương trình huấn luyện cho các nhân viên Nha Kỹ Thuật thi hành công tác, bao gồm các khóa về Chiến Tranh Ngoại Lệ, Nhẩy Dù, Vũ Khí, Phí Hoại, Truyền Tin, Mưu Sinh Thoát Hiểm và Hành Quân Viễn Thám, v.v.  Trung Tâm Huấn Luyện Long Thành còn có một Khu Cấm, nơi xuất phát một số các chuyến công tác đặc biệt của Biệt Kích VNCH từ miền Nam Việt Nam.  Chỉ Huy Trưởng đầu tiên của Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Kích Long Thành là Trung Úy Nguyễn Văn Vinh (Cố Trung Tá) , và vị Chỉ Huy Trưởng cuối cùng của Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Kích Long Thành là Cố Ðại Tá Ngô Thế Linh.

6)     Sở Tâm Lý Chiến – Spychological Operations hay SpyOps – Một cơ cấu tham mưu thuộc BCH Nha Kỹ Thuật, được giao phó trách nhiệm tổ chức và soạn thảo những kế hoạch tâm lý chiến đặc biệt cùng điều hành các hệ thống phát thanh mật như:  Ðài Tiếng Nói Tự Do, Ðài Gươm Thiêng Ái Quốc và Ðài Mẹ Việt Nam.  Sở Tâm Lý Chiến còn bao gồm nhiều công tác đặc biệt khác, trực tiếp yểm trợ cho Mặt Trận Gươm Thiêng Ái Quốc để đối đầu với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam của Bắc Việt, nhằm mục đích gây hoang mang và lo sợ cho nhà cầm quyền Cộng Sản lẫn dân chúng miền Bắc về sự hiện diện thực sự của các toán “Biệt Kích Gián Ðiệp” VNCH trên toàn lãnh thổ Bắc Việt.  Chỉ Huy Trưởng đầu tiên của Sở Tâm Lý Chiến là cựu Trung Tá Phạm Thế Phiệt, và vị Chỉ Huy Trưởng cuối cùng của Sở Tâm Lý Chiến là Cố Trung Tá Ðặng Xuân Thoại, người đã anh hùng tuẫn tiết bằng súng lục tại nhà thương St-Paul, Sàigòn vào sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975, trước khi Cộng Sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam.

Ngoài ra, Nha Kỹ Thuật còn có nhiều Phòng-Sở khác nhau như đại đa số các cơ cấu tổ chức hành quân khác của QLVNCH như Phòng 1, Phòng 2, Phòng 3, Phòng 4, Phòng Truyền Tin và Mật Mã, Sở Hành Quân Tình Báo, Sở Hành Chánh & Tiếp Vận, v.v.  Quyền hạn và trách nhiệm của vị Giám Ðốc Nha Kỹ Thuật/BTTM/QLVNCH ngang hàng với Tư Lệnh của một Sư Ðoàn Bộ Binh, cấp Thiếu Tướng.

Trong giai đoạn đầu của Nha Kỹ Thuật/BTTM, vào thời kỳ Phòng E45 hay Sở Bắc còn trực thuộc Sở Khai Thác Ðịa Hình/PTT, từ năm 1961 cho đến đầu năm 1964, các công tác đặc biệt có thể nói là thuần túy tình báo do cơ quan Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ (CIA) phối hợp và yểm trợ.  Trong thời gian này, để bảo mật cho tổ chức và hoạt động, tất cả quân nhân phục vụ tại Phòng E45 đều phải mặc thường phục.
Giai đoạn thứ hai bắt đầu vào thời kỳ Nha Kỹ Thuật/BTTM được MACV-SOG cố vấn và yểm trợ từ năm 1964 đến cuối năm 1968.  Trong thời kỳ này, các công tác tại miền Bắc được yểm trợ mạnh mẽ, chú trọng nhiều về hoạt động có tính cách quân sự, đặt nặng về nhiệm vụ thám sát và báo cáo mục tiêu hơn là thiết lập một hệ thống tình báo nằm vùng.  Do đó, các quân nhân phục vụ tại Nha Kỹ Thuật/BTTM bắt đầu mặc lại quân phục với đầy đủ quân hàm.

Giai đoạn thứ ba của Nha Kỹ Thuật/BTTM là thời kỳ từ năm 1968 cho đến cuối tháng Tư năm 1975. Trong thời kỳ này, mọi công tác tại miền Bắc đều đã chấm dứt.  Tuy nhiên, sự hoạt động đặc biệt của Nha Kỹ Thuật tại các Quân Khu và những cuộc hành quân vượt biển vẫn được gia tăng mạnh mẽ.

Là một thành phần của Nha Kỹ Thuật, Sở Phòng Vệ Duyên Hải đã được 2 lần tuyên dương công trạng trước Quân Ðội, được ân thưởng 2 Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, và đơn vị được mang dây Biểu Chương mầu Anh Dũng Bội Tinh.  Ngoài ra, năm 1967, Sở Phòng Vệ Duyên Hải/NKT đã được Bộ Tư Lệnh Hải Quân Hoa Kỳ ân thưởng huy chương “Meriterious Service”.  Các chuyến công tác đặc biệt yểm trợ cho kế hoạch tâm lý chiến và phong trào “Gương Thiêng Ái Quốc” được xem là thành công nhất trong chương trình hải vận của Sở Phòng Vệ Duyên Hải/NKT, cùng với sự trợ giúp của cơ quan NAD (Naval Advisory Detachment) thuộc Hải Quân Hoa Kỳ.  Khi Chính Phủ Hoa Kỳ ngưng oanh tạc Bắc Việt vào ngày 1 tháng 11 năm 1968 thì mọi hoạt động của Sở Phòng Vệ Duyên Hải/NKT tại Bắc vĩ tuyến 17 đều chấm dứt.  Từ đó, Sở Phòng Vệ Duyên Hải/NKT được tăng cường phối hợp hành quân với các đơn vị bạn tại Quân Ðoàn I và Quân Ðoàn IV cho đến ngày 30 tháng Tư năm 1975.

Vì Chính Phủ Hoa Kỳ thay đổi chính sách và chiến lược tại Việt Nam, và vì tình hình chiến tranh thay đổi qúa mau lẹ cho nên kể từ tháng Tư năm 1972, Bộ Chỉ Huy Sở Công Tác/NKT và các Ðoàn Công Tác 11, 71 và 72 được tăng phái cho Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn I, đóng tại khách sạn Thuận Hóa, Huế.  Sau đó, di chuyển về Phú Bài rồi Cây Số 17.  Vào lúc này, Sở Công Tác/NKT có nhiệm vụ đóng chốt để khám phá các đường giây xâm nhập của Cộng Sản Bắc Việt vào thành phố Huế từ phía Nam.  Vùng hành quân của Sở Công Tác/NKT về phía Nam là vùng núi Bạch Mã, và sau đó ở Cây Số 17 là về phía Tây và phía Bắc của thành phố Huế, với nhiệm vụ khám phá các đường giây xâm nhập của CSBV từ Laos qua, và từ Bắc vĩ tuyến vào qua đường Số 9 và vùng Phi Quân Sự.  Tại Quân Khu II, Ðoàn Công Tác 75 của Sở Công Tác/NKT cùng với Chiến Ðoàn 2 Xung Kích của Sở Liên Lạc/NKT được tăng phái cho Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II.  Tại Quân Khu III, Ðoàn Công Tác 68 của Sở Công Tác/NKT và Chiến Ðoàn 1 Xung Kích của Sở Liên Lạc/NKT được tăng phái cho Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn III.  Sau cuộc rút quân từ Ðà Nẵng và Pleiku về Sàigòn, Sở Công Tác/NKT và các đơn vị trực thuộc vẫn tăng phái cho Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn III, hành quân ở vùng Biên Hòa, Ðồng Nai cho đến chiều ngày 29 Tháng Tư năm 1975 mới cùng các đoàn tầu khác ra khơi rời Việt Nam.

“Sự hy sinh của các chiến sĩ thuộc Sở Liên Lạc/PTT, Phòng E45, Sở Khai Thác Ðịa Hình/PTT, Lực Lượng Ðặc Biệt, Nha Kỹ Thuật/BTTM không thể nào diễn tả được bằng lời nói hoặc bằng ngòi viết.  Họ là những Anh Hùng Vô Danh mà quốc gia Việt Nam đã không hề biết đến, vì họ đã hoạt động trong bóng tối, ngoài sự hiểu biết của mọi người.  Họ đã âm thầm bảo vệ đất nước mà chính đất nước cũng chưa có một lời nào nhắc nhở hay vinh danh họ.  Bây giờ tuy đã trễ đối với đất nước Việt Nam, nhưng chúng ta hiện còn sống sót hôm nay không thể không nhắc nhở và vinh danh họ, ít nhất là trong tâm hồn và ý nghĩ của chúng ta.” (sic) – Cựu Trung Tá Lữ Triệu Khanh, nguyên Chánh Văn Phòng Giám Ðốc Nha Kỹ Thuật/BTTM/QLVNCH – Tháng Ba năm 2004 – Ðặc San NKT 2004.

Sách và Tài Liệu Tham Khảo:

1)  Những Hoạt Ðộng Ðặc Biệt Của Nha Kỹ Thuật/TTM/QLVNCH (Tháng Ba năm 2004)
     Cựu Trung Tá Lữ Triệu Khanh – Nguyên CVP Giám Ðốc NKT/TTM
     (Ðặc San NKT 2004)
2)  Vài Nét Hoạt Ðộng Của Biệt Kích Dù Tại Bắc Việt
     Cố Trung Tá Nguyễn Văn Vinh
     Nguyên Chỉ Huy Trưởng Ðoàn Công Tác 68/Phòng E45/Sở Bắc
     Nguyên Chánh Sự Vụ Sở Hành Chánh & Tiếp Vận – Bộ Chỉ Huy/NKT/BTTM
     (Ðặc San NKT 2004)
3)  Sở Công Tác / Nha Kỹ Thuật
     Cựu Thiếu Tá Trần Kim Khánh – Nguyên Trưởng Phòng 3 – Sở Công Tác/NKT
     (Ðặc San NKT 2004)
4)  Sự Hình Thành Và Hoạt Ðộng Của Sở Phòng Vệ Duyên Hải / Nha Kỹ Thuật
     Trần Thanh Hoài – Sở Phòng Vệ Duyên Hải/NKT
     (Ðặc San NKT 2004)
5)  Lực Lượng Ðặc Biệt Giữa Những Tổ Chức Chiến Tranh Không Quy Ước - QLVNCH
     Cựu Trung Tá Phan Bá Kỳ – Sở Công Tác/NKT/BTTM
     (Văn Bút – 2004)
6)  Trận Chiến Bí Mật – NKT/TTM
     VÐH (1999 – 2000)
7)  SOG – The Secret Wars Of America’s Commandos In Vietnam
     John L. Plaster – (Onyx – 1998)
8)  How American Lost The Secret War In Vietnam
     Kenneth Conboy & Dale Andrade – (United Press – 2000)
9)  The Secret War Against Hanoi
     Richard H. Shultz, Jr.  – (HarperCollins Publishers – 2000)


No comments:

Post a Comment