Friday, August 1, 2014

Auschwitz và những Oan Hồn


“The one who does not remember history is bound to live through it again” (George Santayana)

Điện thoại trong túi tôi rung liên tục, một người bạn từ Canada gọi rủ tôi đi uống café.  Cười nói cám ơn và cho anh ta biết tôi đang lang thang trên đường phố Warsaw, thủ đô của Ba Lan.  Đầu dây bên kia vội chấm dứt lời mời và lời tán dóc dông dài vì sợ tôi tốn tiền.  Anh bạn cúp phone khi tôi chưa kịp cho anh biết: hôm nay tôi sẽ đi thăm nhà tù Auschwitz, nơi mà Phát Xít và Hitler đã đưa hàng chục triệu người vào đây để thực hiện những tội ác tày trời trong Chiến Tranh Thế Giới thứ II, nơi mà tiếng kêu khóc đã ngất trời xanh và trở thành nỗi kinh hoàng nhất trong lịch sử văn minh con người từ cổ chí kim...



Từ thủ đô Warsaw đến trại Auschwitz độ chừng bốn năm tiếng đồng hồ nếu đi bằng xe bus (300km), tuy nhiên nếu đi từ cố đô Krakow thì chỉ mất chừng bốn mươi lăm phút (50 km).  Đây là trại giam lớn nhất mà quân Phát Xít và Hitler đã lập nên để giam và giết dần những người có nguồn gốc Do Thái, tù binh chiến tranh, những người gốc Gypsy, những người đồng tính luyến ái...  Hôm nay tôi được đi theo một đoàn các du khách từ Úc, Mỹ và Anh.  Một điểm tôi chú ý là lịch tham quan của đoàn này luôn nặng về văn hóa, lịch sử.  Đoàn có nhiều người là giáo sư đại học tại các quốc gia vừa kể.  Giá tiền của chuyến đi thì thuộc loại bình dân. À, thì ra các vị khách trong đoàn này họ thích học hỏi chứ không thích vung tiền ra để chứng minh ta đây là trưởng giả.  Tất nhiên khi được đi chung đoàn với những vị uyên thâm về kiến thức, tôi rất yên tâm vì những gì tôi thiếu sót trong hiểu biết sẽ được bạn đồng hành trả lời ngay lập tức.

Xe ra khỏi thành phố là những cánh đồng trồng lúa mì, trồng nho quen thuộc ở Châu Âu, và rồi cũng đến được thị trấn Katowice và rẽ vào con đường đến trại tạp trung Auschwitz.  Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là những hàng rào kẽm gai dầy đặt.  Địa thế của trại tù Auschwitz hiểm trở vì có sông nước bao bọc, những người tù rất khó trốn thoát.  Khi Hitler và Phát Xít chọn khu vực này trên đất Ba Lan vào năm 1940, chúng đã giở nóc và phá tan hơn một ngàn căn nhà dân.  Trại có ba khu vực riêng biệt và bốn mươi dãy láng trại cho mỗi khu vực.  Khi vào một khu vực được sử dụng như một viện bảo tàng với nhiều hiện vật, tôi đọc được hàng chữ: “The one who does not remember history is bound to live through it again” tạm dịch là: “Những ai không học lịch sử thì sẽ để lịch sử lập lại”.  Được biết câu này của ông George Santayana.



Không khí bên trong khu nhà rất lạnh, cái lạnh không phải của máy điều hòa nhiệt độ mà dường như của một thế giới nào đó, của tử khí, của những âm hồn còn vất vưởng trong oan ức ở dương thế.  Tôi được đưa vào bên trong sâu hun hút để chứng kiến hàng núi áo quần, vật dụng cá nhân của tù nhân. Họ đã phải trút bỏ tất cả để đi vào lò hơi ngạt. Mỗi ngày đã có khoảng hai mươi ngàn nạn nhân gồm người già, phụ nữ, trẻ em là những người bị đưa vào lò hơi ngạt trước.  Những người đàn ông khỏe mạnh bị giết sau, bởi vì họ còn có thể sử dụng làm lao động khổ sai. Tại đây mọi người bị lùa vào phòng kín, rồi những bình gas sẽ được mở ra gây ngạt, các nạn nhân sẽ chết trong vòng vài phút.  Ngoài lò hơi ngạt, có khu vực khác dùng súng tử hình, có khu vực có cả những dàn giáo để treo cổ các nạn nhân.  Những phụ nữ có mái tóc dài đều bị cạo trọc và tóc của họ được bện lại thành dây thừng dùng cho quân sự...  Tôi thấy có những con búp bê bị gãy tay, những chiếc valises ghi tên chủ nhân, những vật dụng cá nhân của các gia đình, những cặp mắt kính, những đôi ủng...tất cả cho tôi những mường tượng về các nạn nhân.  Họ đều là những con người có cuộc sống bình thường, nhưng chỉ vì lòng thù hận, vì khác biệt quan điểm, khác biệt giống nòi, khác biệt giới tính mà Hitler và Phát Xít đã ra tay tàn sát tiêu diệt họ.  Trong nhiều trại giam rải rác khắp Châu Âu thì trại này lớn nhất.  Ước chừng có khoảng một triệu rưỡi người đã bị giết chết tại đây.  Người gốc Do Thái bị đưa về từ nhiều nơi của Châu Âu vẫn là nhóm đầu tiên mà Phát Xít cần phải giết trước và giết nhiều nhất.

Bên trong trại Auschwitz, có một khu nhà được dùng làm nơi thí nghiệm tàn ác của nhiều tên bác sĩ, đứng đầu là Josef Mengele.  Những tù nhân khỏe mạnh, những cặp sinh đôi hoặc những ai có một khuyết tật trên cơ thể đều bị đưa vào đây để làm các con vật thí nghiệm.  Những thí nghiệm có thể kể là họ bị mổ sống không có thuốc tê, bị lột áo quần cho đứng ngoài trời tuyết,....những tên đồ tể này muốn thực hiện các thí nghiệm điên cuồng để thử xem sức chịu đựng của con người đến cỡ nào, khi nào thì người ta sẽ chết và khi nào thì sức đề kháng mới phải chịu thua môi trường, hoàn cảnh...Nỗi kinh hoàng của các nạn nhân được xem là đau đớn tột cùng ở đây vì họ bị chết từ từ qua những thí nghiệm tàn bạo, nhiều người đã phát điên loạn trước khi họ bị giết. 

Tất cả những người trong đoàn đều cùng cho biết họ cảm thấy rợn tóc gáy và lông tay bị dựng đứng khi bước chân vào lò hơi ngạt, nơi đã giết chết hàng triệu người.  Tôi cảm thấy tử khí oan khiên nơi đây nặng nề quá, như muốn đặc quánh cả không gian quanh tôi.  Cơ thể tôi run lên bần bật, nhưng hoàn toàn không phải vì sợ hãi mà dường như là xúc động và đau đớn, đồng cảm cùng các nạn nhân bị giết tại đây.  Những oan hồn như đang ở sát bên tôi than khóc. Tôi đưa tay ra quờ quạng, chỉ muốn nắm lấy được một bàn tay tội nghiệp vô hình nào đó, để cho họ biết: tôi hiểu và tôi đang đau cùng họ...

Tôi đã chụp lại rất nhiều hình từ bên ngoài cho tới bên trong trại tù để dùng làm tư liệu sau này. Có một điều tôi cho là khó giải thích khi vào căn phòng kế bên, nơi được dùng xử phạt kỷ luật tù nhân.  Đó là những hộc xây bằng cement khoảng một mét vuông rộng, cao cũng khỏang một mét.  Nếu bị cho là vi phạm nội quy, bốn người tù sẽ phải đứng chung trong cái hộc bé nhỏ ấy trong vòng mười hoặc mười hai đêm liên tục, họ muốn ngồi cũng không thể vì quá chật.  Ban ngày họ vẫn phải đi lao động khổ sai, đêm về đứng tiếp... Đa số đều chết vì kiệt sức sau vài ngày bị hành hạ. Khi người thuyết minh vừa giải thích đến đây, tôi nghe một tiếng thở dài nhẹ như một tiếng gió lạnh bên tai, tôi quay qua thì không có ai đang đứng gần tôi cả.  Đưa máy chụp hình lên bấm, âm thanh khô khốc vang lên nhưng flash không sáng.  Tôi xoay ngược cái camera để điều chỉnh lại, khi tôi chỉnh xong thì mọi người trong đoàn đã đi qua phòng khác, chỉ còn một mình tôi đứng nơi đây.  Tôi đưa máy lên bấm một cái nữa rồi nhanh chân bước theo phái đoàn... Đến tối trở về khách sạn, xem lại những tấm hình thì tôi như muốn đánh rơi cái máy....bên trong một cái hộc lúc ban chiều, tôi thấy rõ có hai bóng trắng thấp thoáng mờ ảo trong ấy...Tôi tức tốc chuyển tấm hình qua máy laptop để xem cho kỹ hơn...vẫn là thế, tôi đã không thể giải thích được điều gì hơn nữa (xem hình đính kèm)



Năm 1945, Phát Xít thua trận quân Đồng Minh và Liên Xô, tuy nhiên quân Đồng Minh không vào Ba Lan và là quân đội Liên Xô đổ vào như một sự dàn xếp, chia phần trên bàn cờ chính trị.  Quân đội Liên Xô đã vào giải cứu bộ đội của họ bị bắt và giải tán trại tù.  Mãi cho đến hôm nay, đã có nhiều thắc mắc là tại sao Hitler lại căm ghét những người dân vô tội gốc Do Thái, nhiều nhà sử học cũng thắc mắc nhưng không có câu trả lời chính xác.  Có giả thiết cho rằng vì người Do Thái rất thành công trong học vấn và thương mãi, nhưng Hitler lại chỉ muốn người Đức là dân tộc thượng đẳng nên cương quyết giết bằng hết người Do Thái.  Tuy nhiên cũng có ý kiến bảo Hitler là người Áo, do đó không cần thiết hắn ta phải tôn vinh dân tộc Đức!  Chúng ta không thể biết được bên trong bộ óc của kẻ tội đồ của nhân loại này từng nghĩ gì, nhưng các thế hệ sau này cần biết, cần phải nhắc nhớ nhau về một giai đoạn lịch sử đau thương và dã man nhất mà nhân loại từng phải chịu đựng. Không thể để cho tội ác lịch sử lập lại lần thứ hai.

Một câu chuyện thời nay liên quan đến trại Auschwitz mà tôi nghĩ mình cũng nên đề cập.  Năm 1982, tại Pháp có một ca nhạc sĩ trẻ tên Jean Jacques Goldman, anh có mẹ gốc Đức và cha gốc Do Thái từ Ba Lan.  Cha anh trước đó không bao giờ nhắc đến câu chuyện đau buồn của giòng họ.  Nhưng trong một lần tình cờ, anh xem được cuốn album hình xưa của gia đình.  Những tấm hình trắng đen có các cô bé, cậu bé rất lạ mà anh chưa bao giờ gặp.  Hỏi thì cha anh mới phải kể về câu chuyện đau lòng trong gia đình, rằng những em bé đó đã bị lùa vào trại tập trung và tuổi thần tiên ngắn ngủi của họ đã kết thúc trong địa ngục trần gian.  Ám ảnh bởi ánh mắt ngây thơ của một em bé trong hình mà giờ đây đã là tro bụi, anh Jean Jacques Goldman đã viết nên bài hát dành cho con gái của anh khi bé đang nằm ngủ.  Bài Comme Toi đã ra đời như một bài hát ru của người cha dành cho con gái thơ ngây.  Anh kể cho con nghe về câu chuyện của một bé gái tên Sarah vừa lên tám tuổi, cũng có đôi mắt ngây thơ, có con búp bê trong tay, có những giấc mơ thần tiên và một gia đình êm ấm như con, như mọi người, nhưng giông bão đã ập đến, số mệnh của Sarah đành kết thúc!!!  Khi ca khúc ra mắt với sự trình diễn nấc nghẹn của chính tác giả đã gây xúc động trên toàn thế giới bởi điệu nhạc thánh thót thần tiên và lời hát nhân bản dành cho em bé trẻ thơ vô tội. Bài hát này trở nên nổi tiếng và được hát lên bởi nhiều ca sĩ khác nhau tại nhiều quốc gia.  Không hiểu sao khi bài hát này được đặt lời Việt, nội dung đã biến thành một bản tình ca đôi lứa có những câu dành cho nam nữ yêu đương với những nụ hôn và những khát khao chăn gối.  Rất nhiều các ca sĩ nổi tiếng Việt Nam ở hải ngoại lẫn trong nước đều hát lời Việt này.  Với tôi, tôi cảm thấy không công bằng cho các nạn nhân trẻ thơ lẫn tâm tư của tác giả bài hát.  Đành rằng một bài nhạc ngoại quốc vẫn có thể được phóng tác thêm một lời ca khác xa hẳn nguyên mẫu, nhưng đây là một bài hát hiếm hoi được viết cho các em bé ngây thơ đã sống ngắn ngủi và đã chết oan ức vì tội ác diệt chủng trong Chiến Tranh Thế Giới thứ II.  Người lớn chúng ta còn quá nhiều nhạc để hát cùng nhau, chúng ta không quá thiếu thốn để cần phải lấy đi một bài nhạc tưởng niệm dành các nạn nhân ngây thơ để mà nhảy nhót hoặc khề khà trong các cuộc ăn chơi thời thượng và lồng vào trong khung nhạc ấy những câu tình ái yêu đương ướt át...  Từ lâu, tôi đã bỏ ra khỏi máy computer của tôi những bài hát Comme Toi lời Việt ấy, mặc dù rất tiếc, mặc dù tôi rất yêu các ca sĩ idol của tôi.  Khi đang viết bài này, tôi đã chạy xuống tủ nhạc, lục ra được 3 CDs cũng có bài này bằng lời Việt, cho vào nhà kho, khóa lại.  Tôi còn hơn hai trăm CDs khác để thưởng thức, nhưng các linh hồn bé nhỏ ấy chỉ có bài Comme Toi này mà thôi. Boys and Girls, please Rest In Peace !!!



Tôi đã hứa với những oan hồn rằng tôi sẽ kể lại thêm một lần nữa về những oan khiên của họ, và hôm nay tôi cảm thấy nhẹ nhàng khi đã viết xong. Tháng 7 âm lịch, mùa Vu Lan năm Quý Tỵ  - người ta tin rằng thời gian này, nếu được cầu nguyện, những oan hồn sẽ tìm được đường về với cõi vĩnh hằng không còn đau đớn. Xin nguyện cầu các đấng thiêng liêng hãy hóa giải khổ đau cho họ.

Tôn thất Hùng

 

No comments:

Post a Comment