Friday, August 1, 2014

“Lòng Ta Ở Với Người”

Quỳnh Giao
(1946-2014)
 
Mùa Xuân 2014, Quỳnh Giao tưởng mình ho vì bị cảm lạnh. Nhưng sau một tháng chữa trị bình thường mà bệnh không dứt. Vào một đêm của đầu Tháng Ba khi bị mất giọng, Quỳnh Giao mới được xe cấp cứu đưa nhà thương và hôm sau thì như bị sét đánh. Ung thư phổi. Ðiều này là bất ngờ vì trước đó không hề có triệu chứng gì, kể từ khi chiếu điện vì gãy cánh tay mặt.

Sau hơn bốn tháng giải quyết bằng hóa trị rồi xạ trị, Quỳnh Giao suy yếu dần về thể lực mà thần trí vẫn minh mẫn lạc quan. Cho tới khi phải thường xuyên dùng ống dưỡng khí và đối phó với nhiều biến chứng thì tình hình trở thành nguy kịch. Ðêm Thứ Ba rạng ngày Thứ Tư 23 Tháng Bảy, Quỳnh Giao lặng lẽ gỡ ống dưỡng khí và ra đi thanh thản trong giấc ngủ trước sự bàng hoàng ngơ ngác của chồng con.

Quỳnh Giao làm đẹp cho đời bằng tiếng hát tuyệt vời và những bài viết về nghệ thuật về mỹ thuật. Người ta thấy yêu đời và yêu người hơn khi nghe hay đọc Quỳnh Giao.

“Lòng Ta Ở Với Người” là tên một ca khúc của Trần Dạ Từ mới được Quỳnh Giao ghi âm mà chưa phổ biến. Có lẽ đấy cũng là lời ca rất đúng về tấm lòng của người nghệ sĩ vừa ra đi...
        


Quỳnh Giao ra đi, tiếng hát cùng nỗi ngỡ ngàng ở lại
Wednesday, July 30, 2014 6:47:02 PM https://www.youtube.com/watch?v=V_fsci9skUE&list=UU5LqfXvhYZsaJ1uz3AcSvpw

https://www.youtube.com/watch?v=V_fsci9skUE#t=10

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER (NV) - “Người ta cứ hay dùng câu có tính công thức, nhàm chán là 'trong lúc tang gia bối rối nếu có điều gì sơ sót...' Nhưng thật tình là tang gia đây không bối rối. Tang gia đây bàng hoàng, ngỡ ngàng.” Bình luận gia Nguyễn Xuân Nghĩa, người bạn đời của ca sĩ Quỳnh Giao, gắng gượng nói cùng những người có mặt trước giờ chuẩn bị tiễn đưa thi hài nữ ca sĩ tài danh đến nơi hỏa táng vào trưa Thứ Tư, 30 Tháng Bảy.
Dù có cố gắng kiềm chế nỗi xúc động để nói cho tròn những lời cám ơn gửi đến thân bằng quyến thuộc và người hâm mộ đến tham dự tang lễ của vợ mình, nhưng chỉ một câu rất đời rất người của người đàn ông chuyên nói về kinh tế, về chính trị khiến nhiều người có mặt không cầm được nước mắt, “Tôi nói với con là 'đừng có khóc, vì mẹ mới đi còn chưa biết đi đâu, con khóc làm mẹ hoang mang.' Tôi nói thì bảnh vậy nhưng 4 giờ sáng, khi trời hãy còn chưa sáng, mọi người đang tụng kinh, tôi bước ra parking đứng một mình, ứa nước mắt...”
Ca sĩ Quỳnh Giao thật sự ra đi trong sự ngỡ ngàng, thảnh thốt, đầy tiếc thương của tất cả những người từng quen biết cô, yêu tiếng hát cô và ngưỡng mộ kiến thức âm nhạc của cô.
Tang lễ  ca sĩ Quỳnh Giao tại nhà quàn 
Peek Family Funeral Home. 
(Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
***
Trong phần tiễn biệt ca sĩ Quỳnh Giao được tổ chức ngay tại Phòng Số Năm nhà quàn Peek Family Funeral Home trên đường Bolsa, người tham dự có dịp lắng nghe và ôn lại những kỷ niệm, những dấu ấn, những tình cảm mà nhiều người từng có với nữ ca sĩ tài danh này.
Ca sĩ Mai Hương, người hát cùng Quỳnh Giao từ Ban Thiếu Nhi thuở nào, kể về kỷ niệm của buổi đi diễn lần đầu tiên cùng Quỳnh Giao ở Đà Lạt, kể về những buổi cùng học may, rủ nhau học làm tré với Quỳnh Giao.
“Đi đâu cũng có nhau hết nên kỷ niệm về Quỳnh Giao nói không biết bao giờ mới hết.” Ca sĩ Mai Hương bày tỏ.
Nhà thơ Trần Dạ Từ, bạn thâm giao của gia đình Quỳnh Giao từ khi còn bé, vốn không hay nói nhiều trước đám đông, cũng kiềm chế nỗi buồn, nhận xét, “Quỳnh Giao là giọng hát trẻ nhất mà lại vang lên lâu nhất trong 60 năm lịch sử âm nhạc Việt Nam, tính từ thời điểm di cư 1954.”
Nhà báo Phạm Xuân Ðài được nhà báo Đinh Quang Anh Thái giới thiệu là “tri kỷ với ngòi bút và tiếng nói Quỳnh Giao trên đài phát thanh, cho rằng, “Quỳnh Giao đã sống trọn vẹn trong âm nhạc, từ gia đình ra ngoài xã hội, từ nhỏ đến lớn, từ trong nước ra đến hải ngoại. Khả năng và kiến thức về lãnh vực âm nhạc cùng khả năng viết lách khiến cho đến giờ phút này ít ai có được thuận lợi để viết về âm nhạc Việt Nam trong thời kỳ của mình hơn là Quỳnh Giao.”
Chính vì thế mà sự ra đi của nữ danh ca này để lại “nỗi luyến tiếc sâu đậm” trong lòng nhà báo kỳ cựu này.
Với tài tử Kiều Chinh, Quỳnh Giao không chỉ là “một người đàn bà lịch sự, nhã nhặn, được nhiều người thương quý” mà còn là “một người bạn tử tế, một người nghệ sĩ đa tài.”
Nhà văn Nhã Ca, người yêu thương theo dõi bệnh tình của Quỳnh Giao từ những ngày đầu, nói trong nỗi xúc động nghẹn ngào, “3 giờ sáng Thứ Tư tuần trước khi biết Quỳnh Giao thực sự ra đi, đầu tôi bật lên tiếng kêu 'Không được! Không thể! Đâu đã đến phiên Quỳnh Giao!' Tiếng kêu bật lên lúc 3 giờ sáng đến giờ vẫn còn nguyên.”
Nhà thơ Trịnh Y Thư, bạn chí thiết của ca sĩ Quỳnh Giao, nhìn nhận, “Tiếng hát Quỳnh Giao chính là tâm hồn của chị, một tâm hồn trong sáng, thánh thiện, luôn hướng về cái đẹp, nó giúp chúng ta có cái nhìn thân ái hơn về sự vật cũng như con người.”
Với Nam Phương, người có nhiều chương trình phỏng vấn Quỳnh Giao trên Người Việt TV, thì “Cô Quỳnh Giao mà tôi biết là một người rất lạc quan và yêu đời. Có lần tôi hỏi cô trong cuộc đời ca hát của mình cô có niềm vui và nỗi buồn gì. Cô bảo niềm vui thì rất nhiều, nỗi buồn thì không có. Là người đi hát từ nhỏ mà cô không giữ lại nỗi buồn nào trong đời ca hát của mình chứng tỏ cô rất lạc quan. Lần khác tôi hỏi cô, khi buồn thì nên nghe nhạc gì. Cô bảo khi buồn thì nhất định nên nghe nhạc vui vì mình phải tìm cách thoát ra khỏi nỗi buồn đó, nếu ngồi đó ngậm nhấm nỗi buồn thì nó sẽ làm hại tinh thần và sức khỏe của mình.”
Vì thế từ đây về sau, mỗi lần buồn thì tôi chỉ nghe nhạc vui theo đúng tinh thần Quỳnh Giao - lạc quan và yêu đời.” Nam Phương tâm sự.
Bình luận gia Nguyễn Xuân Nghĩa, chồng ca sĩ Quỳnh Giao, “Tang lễ Quỳnh Giao là dịp ngợi ca một cuộc đời đẹp, cuộc sống của một người làm đẹp cho người khác, làm cho chúng ta thấy nhạc Việt Nam đẹp đến thế nào." (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Với anh Doãn Quốc Hưng, người từng có nhiều cơ hội đệm đàn Tây Ban Cầm và hàn huyên với Quỳnh Giao về nghệ thuật thì Quỳnh Giao là 'biểu tượng của cái đẹp” trong lòng chàng trai trung học thuở nào và sau này, Quỳnh Giao, trong mắt nhìn của con trai nhà văn Doãn Quốc Sĩ, là “biểu tượng của kiến thức về nền âm nhạc Việt Nam.”
Kiến trúc sư Nguyễn Bá Khanh, một trong những người ngưỡng mộ giọng hát Quỳnh Giao cho biết, “Tôi yêu tiếng hát Quỳnh Giao từ những bài cô hát. Với tôi, nếu không có tiếng hát đó, không có những bài hát đó thì tôi không thể nào biết được âm nhạc Việt Nam lại có những bài hay như vậy. Những giọng ca như Quỳnh Giao cao vút lên khiến cho mỗi chiều con đường tôi đi làm về dường như ngắn hơn, tôi như vứt bỏ được mọi ưu phiền vốn có trong cuộc đời.”
Gia đình, người thân, bằng hữu và khán giả hâm mộ đưa tiễn cố ca sĩ Quỳnh Giao đến nơi hỏa táng. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Trở về sớm hơn từ một hội nghị được tổ chức ở Oregon, Tiến Sĩ Tenzin Dorjee của trường Cal State Fullerton có mặt tại buổi tưởng niệm để đặt lên quan tài Quỳnh Giao một dải khăn trắng, để “cầu nguyện cho cô” như ông đã cùng nhiều vị chư tăng Ấn Độ đọc kinh cầu nguyện cho cô ngay bên giường bệnh nhiều tháng trước đó, khi người ca sĩ này đổ bệnh.

Nhạc sĩ Cung Tiến, từ Minnesota, không quản ngại đường xa và sức khỏe cũng sắp xếp về Little Saigon dự tang lễ và bày tỏ những cảm nhận của ông đối với người ca sĩ thành công từ rất sớm này. Người tham dự cũng xúc động khi nghe những kỷ niệm với Quỳnh Giao được nhắc lại bởi danh ca Kim Tước, người đã cùng đứng chung sân khấu với Quỳnh Giao từ nửa thế kỷ trước.

Người đến viếng ca sĩ Quỳnh Giao không chỉ bồi hồi, sống cùng kỷ niệm của những người lên chia sẻ cảm xúc mà hơn hết, người ta cảm thấy ngậm ngùi khi nhìn hình ảnh người đàn ông đầu quấn khăn tang trắng, gương mặt tiều tụy, chứa đầy nỗi đau mất mát, suốt buổi đứng bên cạnh quan tài người quá cố, như không muốn rời, khi sửa lại cái này, chút chỉnh tranh lại cái kia, rõ ràng là không cần thiết. Nhưng những hành động tưởng chừng vô nghĩa đó lại nói được nhiều hơn nỗi “bàng hoàng, ngỡ ngàng như sét đánh ngang tai” mà ông Nguyễn Xuân Nghĩa cùng gia đình đang mang.

***
Đêm nhạc tưởng nhớ Ca sĩ Quỳnh Giao tại Hội trường Việt Báo đêm 30 Tháng Bảy. Mọi người cùng hợp ca nhạc khúc “Kỷ Niệm”, bài hát nhạc sĩ Phạm Duy tặng riêng cho ca sĩ Quỳnh Giao. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt) 
Cũng trong ngày thi hài cố ca sĩ Quỳnh Giao được đưa vào hỏa táng, chương trình “Đêm tưởng nhớ Quỳnh Giao” mang tên “Hát Cho Kỷ Niệm” được tổ chức tại tòa soạn Việt Báo nhằm chia sẻ những kỷ niệm và thưởng thức một số nhạc phẩm đã từng gắn bó với tiếng hát Quỳnh Giao, do Nhóm Thân Hữu cùng Người Việt - Việt Báo - VAALA đồng tổ chức.
Không khí ấm cúng, không quá trang nghiêm, thấm đẫm tình bằng hữu, tình hội ngộ, sự tri ân, tưởng nhớ đến một giọng ca vừa thoát cõi trần.

Bao nhiêu ghế ngồi cũng không đủ cho người tham dự đêm nay. Ai cũng muốn đến, để cùng có những giây phút lắng lòng, cùng hồi tưởng, cùng hát lại những bài hát mà Quỳnh Giao từng say sưa hát.

Rõ ràng, như ông Nguyễn Xuân Nghĩa mong muốn, “Tang lễ Quỳnh Giao là dịp ngợi ca một cuộc đời đẹp, cuộc sống của một người làm đẹp cho người khác, làm cho chúng ta thấy nhạc Việt Nam đẹp đến thế nào, tác phẩm đó hay ra làm sao... Chúng tôi không muốn than khóc.”

Đúng, không ai muốn than khóc cho một tài hoa vừa nằm xuống. Tất cả đều chỉ muốn thực hiện một nghĩa cử đẹp đẽ nhất: tiễn đưa một nghệ sĩ khả ái và đa tài, trong tinh thần giã biệt một cuộc đời đã làm đẹp cho người khác, khi trình bày âm nhạc và viết về văn học nghệ thuật Việt Nam.

Quỳnh Giao ra đi, tiếng hát cùng nỗi ngỡ ngàng ở lại, quanh đây.

---
Liên lạc tác giả: NgocLan@nguoi-viet.com

Tang lễ Nghệ sĩ Quỳnh Giao


Ngọc Lan - Tiếng Hát Quỳnh Giao

Để tưởng niệm tiếng hát trong sáng thiết tha của Quỳnh Giao, một tâm hồn yêu mến âm nhạc và văn chương. Bản Ngọc Lan: nhạc của Dương Thiệu Tước, là kế phụ của Quỳnh Giao.
https://www.youtube.com/watch?v=B0HC_1jwu7E#t=24

Westminster: Lễ Tiễn Biệt Nữ Danh Ca Quỳnh Giao


31/07/201400:07:00(Xem: 1741)
Westminster (Bình Sa)- - Nữ danh ca Quỳnh Giao đã được giới trí thức và nghệ sĩ tiễn biệt trong một tang lễ trang nghiêm sáng Thứ Tư ngày 30 tháng 7 năm 2014 tại Peek Family Funeral Home, Phòng Số Năm.

Hiện diện trong lễ tiễn biệt cảm động này đã được tổ chức với sự tham dự của nhiều văn thi sĩ, nghệ sĩ, qúy vị nhân sĩ, thân hữu cùng đồng hương.

Điều hợp chương trình nhà báo Đinh Quang Anh Thái.

Mở đầu buổi lễ tưởng niệm Nhà báo Đinh Quang Anh Thái đọc qua tiểu sử của nữ Danh ca Quỳnh Giao trong đó có đoạn: “Quỳnh Giao sinh tại Vỹ Dạ của cố đô Huế vào ngày tám Tháng 11 năm 1946 với khuê danh là Nguyễn Phước Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang.

Nói theo lối cổ điển về thân thế, Quỳnh Giao thuộc "Hoàng phái" từ song thân là cụ Ưng Quả và danh ca Minh Trang.


blank
Từ trái: Cung Tiến, Kim Tước, Mai Hương, Trần Dạ Từ, Phạm Xuân Đài, Kiều Chinh.

Thân phụ là Nguyễn Phước Ưng Quả, hiệu Vân Hán (1905-1951), cháu nội Tuy Lý Vương Miên Trinh, tự Khôn Chương, hiệu Tĩnh Phố, người con thứ 11 của vua Minh Mạng và em vua Thiệu Trị. Nhà giáo Ưng Quả là học giả uyên bác được giới khảo cứu Việt học của Pháp kính trọng và là bậc thầy của một thế hệ giáo sư, sau này có nhiều khoa trưởng của các Đại học thời độc lập. Học giả Ưng Quả từng là Thái tử Thiếu bảo khi dạy học Thái tử Bảo Long, Hiệu trưởng trường Quốc học tại Huế, Giám đốc Nha học chánh Trung Phần thuộc Bộ Học của nước Việt Nam thời Pháp và tác giả của nhiều công trình biên khảo về văn hóa và mỹ thuật Việt Nam, từng phiên dịch văn chương Pháp qua Việt ngữ và văn học Việt Nam Pháp ngữ... Ngoài ra, cụ còn là người thẩm âm sành nhạc và gẩy đàn nguyệt khi tiêu khiển...

Nghệ sĩ Quỳnh Giao đã ra đi khi trời vừa sáng, vào ngày 23 Tháng Bảy tại Fountain Valley, miền Nam California.

Nhạc sĩ Cung Tiến, người bay về từ Minnesota để dự tang lễ, khi phát biểu ông phân ưu cùng tang quyến và tiễn đưa Quỳnh Giao về Miền Cực Lạc, ông tiếp: “Quỳnh Giao là tiếng chim hót thánh thót với giọng ca trong suốt, trình bày phần lớn những bản nhạc tiền chiến, có những bản như Hoàng Hạc Lâu – Vang Vang Trời Vào Xuân, rồi đây mỗi lần chúng ta nhớ giọng ca, nhớ đến con nghười một đời phục vụ cho âm nhạc...”


blank
Từ trái: Nhã Ca, Trịnh Y Thư, Nam Phương, Doãn Hưng, Nguyễn Bá Khanh.

Tiếp theo Danh ca Kim Tước, người đã hát cùng Quỳnh Giao từ nửa thế kỷ trước lên phát biểu, trong lời nghẹn ngào bà nhắc lại những kỷ niệm khi thành lập Ban Tam Ca “Mộng Kim Châu.” Bà thương Quỳnh Giao với tính tình thẳng thắn, cương trực.”

Danh Ca Mai Hương người đã hát cùng Quỳnh Giao từ Ban Thiếu Nhi đến sau này lên cho biết: “Với Quỳnh Giao bà đã hát chung từ khi Quỳnh Giao 8 tuổi trong khi đó Bà đã 13 tuổi, từ đó đến nay 60 năm hoạt động với nhau nhưng chưa có những gì làm buồn lòng nhau, kỷ niệm nào cũng đẹp cả.”

Tiếp theo Nhà Thơ Trần Dạ Từ, người bạn thâm giao của gia đình, gọi ca sĩ Minh Trang bằng chị, biết Quỳnh Giao khi còn bé, lên phát biểu, ông cho biết: “25 năm trước đến nay nghe và nhìn Quỳnh Giao hát ca khúc Hoàng Hạc Lâu hay nhất chị hát như thân mẫu chị Danh ca Minh Trang, ngoài việc âm nhạc chị còn cầm bút vẽ tranh và đặc biệt chị có trí nhớ phi thường và ông cũng cho biết bài hát mà chị đã hát “Lòng Ta Ở Với Người” là tên một ca khúc của Trần Dạ Từ mới được Danh Ca Quỳnh Giao ghi âm mà chưa phổ biến. Có lẽ đây cũng là lời ca rất đúng về tấm lòng của người nghệ sĩ vừa ra đi...”


blank
GS Tenzin Dorjee đọc lời tiễn biệt, nói rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma đã ban phép lành, yêu cầu các chùa Tây Tạng toàn cầu góp lời cầu nguyện từ khi ca sĩ Quỳnh Giao ngả bệnh.

Trần Dạ Từ nói rằng nhiều bạn thân đã gọi ca sĩ Quỳnh Giao là “quận chúa”, vừa vì gốc hoàng gia, vừa vì sự sang cả tài hoa của nữ danh ca này.

Nhà báo Phạm Xuân Đài, tri kỷ với ngòi bút và tiếng nói Quỳnh Giao trên đài phát thanh lên cho biết: Viết về âm nhạc Việt Nam Quỳnh Giao thật xuất sắc, Bà là cuốn tự điển sống về nghệ thuật...

Nữ Tài Tử Kiều Chinh lên kể về những kỷ niệm của người thân đối với Quỳnh Giao trong đó nhắc về anh Trịnh Bách, Trịnh Bách là một nhạc sĩ Tây Ban Cầm số 1 Việt Nam là người đã có những kỷ niệm với Quỳnh Giao.

Nhà văn Nhã Ca, người ân cần theo dõi bệnh tình của Quỳnh Giao đã cho biết: “ Vào lúc 3 giờ sáng, nhận điện thoại, bà bàng hoàng khi hay tin Quỳnh Giao ra đi, bà cũng đã nhắc lại những kỷ niệm trong gia đình khi các đứa cháu của bà hay nhắc đến bà Chinh, bà Quỳnh Giao... Bà chào tiễn biệt và cầu nguyễn cho Quỳnh Giao lên đường về cõi Phật.


blank
HT Thích Chơn Thành hướng dẫn lễ di quan.

Những người bạn trẻ lên nhắc lại những kỷ niệm với Danh Ca Quỳnh Giao như Nhà thơ Trịnh Y Thư, bạn chí thiết đã viết lời một ca khúc cổ điển do Quỳnh Giao trình bày, anh nói thật cảm động: “Giờ đây tác phẩm còn đó, lời ca của chĩ còn đó nhưng chị đã vĩnh biệt mọi người.”

Phóng viên Nam Phương, đã có nhiều chương trình phỏng vấn Quỳnh Giao trên Người-Việt TV lên phát biểu thật ngắn gọn bằng những lời chân thật thương tiếc Ca Sĩ Quỳnh Giao.

Doãn Quốc Hưng, từng gẩy đàn Tây ban cầm và trò chuyện với Quỳnh Giao về nghệ thuật đã cho biết: “ Đối với Chị Quỳnh Giao, tôi thuộc hàng tiểu bối. Những năm trước 1975, khi chị đã là một ca sĩ thành danh, tôi vẫn còn là một cậu bé học sinh trung học. Nhớ lại lúc đó, đối với tôi chị Quỳnh Giao là biểu tượng của cái đẹp. những ngày xưa xem chị hát trên những chương trình đài truyền hình, tôi cảm thấy rất mê cái đẹp quí phái của chị, có khi còn hơn cả tiếng hát!


blank
Chư Tăng Tây Tạng dự tang lễ.

Mãi đến những năm sau này sang Mỹ, tôi mới có dịp được gặp gỡ, trò chuyện, trở nên thân thiết với chị Quỳnh Giao hơn. Đến lúc đó, tôi lại nhận ra thêm chị là biểu tượng của sự tao nhã. Sự thanh lịch biểu hiện qua phong cách sống của chị...”

Kiến Trúc Sư Nguyễn Bá Khanh, ngưỡng mộ Quỳnh Giao về âm nhạc, điện ảnh và văn học, rằng anh rất thích nghe nhạc chị Quỳnh Giao hát trên đường đi làm về thấy thời gian ngắn hơn.

Cuối cùng phần phát biểu của Giáo sư Tenzin Dorjee (người có văn bằng Tiến sĩ tại Hoa Kỳ, hiện đang dạy ở đại học CSU Fullerton, thường giữ nhiệm vụ thông ngôn mỗi lần Đức Đạt Lai Lạt Ma sang Hoa Kỳ thuyết pháp) được mời phát biểu trong tang lễ ca sĩ Quỳnh Giao, đã nói rằng từ khi ca sĩ ngả bệnh mấy tháng trước, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã ban phép lành, thỉnh mời các tu viện Tây Tạng khắp thế giới tụng kinh cầu nguyện cho ca sĩ Quỳnh Giao và đã gửi một số vị Tăng Tây Tạng tới tụng kinh sáng Thứ Tư 30-4-2014.


blank
Tang gia di quan, tiễn biệt.

Chương trình tưởng niệm chấm dứt trong khi còn rất nhiều bạn bè thân hữu với gia đình muốn tỏ lời tâm tình trước khi vĩnh biệt Nữ danh ca Quỳnh Giao.

Tiếp theo nghi thức di quan do Hòa Thưiợng Thích Chơn Thành, Phó Thượng Thủ Giáo Hội Phật Việt Nam Trên Thế Giới, Viện Chủ Chùa Liên Hoa và Đạo Tràng Chùa Liên Hoa cử hành lễ. Sau đó là di quan đến địa điểm hỏa táng. Đoàn người đi theo sau quan tài đều niệm Phật để cầu nguyện cho Nữ Danh Ca Quỳnh Giao sớm về cõi Phật.

Được biết sau phần tang lễ một đêm nhạc tưởng niệm Danh Ca Quỳnh Giao sẽ được tổ chức vào lúc 7 giờ tối Thứ Tư ngày 30 tháng 7 năm 2014 tại hội trường Nhật Báo Việt Báo 14841 Moran St, Westminster CA 92683.

http://vietbao.com/a224893/westminster-le-tien-biet-nu-danh-ca-quynh-giao




Nhớ Về Chị Quỳnh Giao

Doãn Hưng
30/7/2014


Đối với Chị Quỳnh Giao, tôi thuộc hàng tiểu bối. Những năm trước 1975, khi chị đã là một ca sĩ thành danh, tôi vẫn còn là một cậu bé học sinh trung học. Nhớ lại lúc đó, đối với tôi chị Quỳnh Giao là biểu tượng của cái đẹp. những ngày xưa xem chị hát trên những chương trình đài truyền hình, tôi cảm thấy rất mê cái đẹp quí phái của chị, có khi còn hơn cả tiếng hát!

Mãi đến những năm sau này sang Mỹ, tôi mới có dịp được gặp gỡ, trò chuyện, trở nên thân thiết với chị Quỳnh Giao hơn. Đến lúc đó, tôi lại nhận ra thêm chị là biểu tượng của sự tao nhã. Sự thanh lịch biểu hiện qua phong cách sống của chị. Có dịp đến nhà chị chơi mạt chược, tôi thấy những câu nói đùa trên bàn mạt chược cũng nhã nhặn, phong cách chơi bài cũng nhã nhặn. Khi chị dọn cơm để đãi bạn mạt chược, thức ăn dù giản dị nhưng cũng không thể nào giấu được sự thanh nhã qua cách chọn, sắp xếp, trình bày món ăn.

Rồi có dịp trò chuyện với chị Quỳnh Giao về âm nhạc, tôi lại thấy chị là biểu tượng của tri thức. Phải nói là hiếm có một ca sĩ Việt Nam nào (cả nam lẫn nữ) có một kiến thức uyên bác, một trải nghiệm phong phú với đời sống âm nhạc Miền Nam Việt Nam trước 1975 như chị. Loạt tùy bút chị viết cho trang Văn Nghệ trên báo Người Việt, ghi lại trong cuốn sách Tạp Ghi sẽ là một kho tài liệu quí báu, sống động về một thời kỳ rực sáng của nền âm nhạc Việt Nam Cộng Hòa. Chị viết như là người trong cuộc, vì chị cũng đi hát như bao ca sĩ khác. Chị có điều kiện tiếp xúc, thân thiết với rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ, biết được những câu chuyện đằng sau hậu trường mà chỉ giới nghệ sĩ với nhau mới chia xẻ. Nhưng chị cũng viết như một người ngoài cuộc, đóng vai một nhà phê bình nghệ thuật. Nhận xét của chị về tác giả, tác phẩm thật sâu sắc, bởi vì chị có kiến thức, vốn liếng âm nhạc của một dương cầm thủ tốt nghiệp thủ khoa trường Quốc Gia m Nhạc Sài Gòn. Khi chị nhận xét về các ca sĩ đồng nghiệp, chị có cái nhìn khách quan, sắc xảo, chứ không theo cái kiểu “… hai cô ca sĩ có khen nhau bao giờ…”. Cái độc đáo của chị trong việc bình luận âm nhạc là ở chỗ đó.

Tôi còn có dịp được nghe chị Quỳnh Giao hát trong những buổi văn nghệ bỏ túi, tổ chức tại nhà chị, tại nhà của Hòa Bình Việt Báo, của Y Sa VAALA… Đó là những dịp tuyệt vời để nghe chị hát, chị kể chuyện về những tác phẩm, tác giả mà chị thật sự yêu thích. Không cần trình diễn như trên sân khấu, chỉ với một nhóm nhỏ những thân hữu có cùng một niềm đam mê âm nhạc, hình như lúc đó chị còn hát say mê hơn khi lên sân khấu trình diễn. Trong những dịp hát hò như vậy, trước khi hát bài Kỷ Niệm, chỉ kể chuyện bác Phạm Duy dặn chị hát bài này như thế nào. Chị cho biết bài Nghìn Trùng Xa Cách bác Phạm Duy viết cho người tình nào. Tại sao bài Bến Xuân Xanh của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước lại viết ở điệu Valse. Chị chỉ ra câu vọng cổ trong bài Chiều Về Trên Sông… Những buổi văn nghệ bỏ túi này thật khó quên đối với cả người hát, người đàn và người nghe. Lần cuối cùng gặp chị cũng trong một dịp như vậy, mới cách đây 4 tháng. Tôi còn nhớ mọi người chuẩn bị về lúc nửa khuya, chị còn đòi hát thêm một bài nữa, bài Dạ Lai Hương, để mọi người con vương vấn mãi hương bằng hữu, hương nghệ thuật trong một đêm hội ngộ. Chị đề nghị là “…mình nên làm nhiều buổi văn nghệ bỏ túi như vậy nhé...”.

Biết tin chị mất cách đây 1 tuần. Nghe nói rất ít người được chị báo tin, được ghé thăm chị trên giường bệnh. Chúng tôi đoán rằng bởi vì chị muốn giữ mãi một hình ảnh Quỳnh Giao tươi đẹp trong mắt của mọi người.

Tôi nghĩ tại chị cẩn thận quá đó thôi. Đối với tôi, và có lẽ rất nhiều thân hữu của chị, Quỳnh Giao vẫn mãi mãi là biểu tượng của cái đẹp, của chân thiện Mỹ.

Và bây giờ, khi đã trả cái thân tứ đại về với cát bụi, cái đẹp, cái chân thiện mỹ trong chị mới thực sự là bất tử, vĩnh hằng. Nó sẽ được lưu giữ mãi trong những người yêu mến Quỳnh Giao.

Tạm biệt chị Quỳnh Giao… Chị em mình thế nào cũng còn gặp lại…

Doãn Hưng

http://amnhac.fm/index.php/bai/424-minh-trang-a-quynh-dao/5376-nho-ve-chi-quynh-giao



Tape Tape

No comments:

Post a Comment