Tuesday, November 11, 2014

Ghi Danh Tham Dự 40 năm Hội Ngộ Nha Kỹ Thuật

Kính Gửi: Quý Niên Trưởng, Quý Chiến Hữu và Gia Đình.

Chương trình 40 Năm Hội Ngộ Nha Kỹ Thuật Nam California sẽ chính thức nhận ghi danh kể từ ngày hôm nay và hạn cuối ghi danh là ngày 15 tháng 2 năm 2015.
Để tiện việc đặt bàn với nhà hàng cho buổi tiệc tiền hội ngộ, đại tiệc 40 năm họp mặt Nha Kỹ Thuật, lễ đặt vòng hoa tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, cũng như một số công việc như đưa đón phi trường, hướng dẫn cách thức book Hotel tại địa phương, việc chọn phi trường và hướng dẫn những tin tức liên quan đến 40 Năm Hội Ngộ Nha Kỹ Thuật tại Nam California (Tháng 3 gãy súng và tháng 4 điêu linh) chúng tôi mong mõi quý NT, Quý C/H tiếp tay với BTC bằng cách ghi danh sớm đễ chúng ta có một buổi họp mặt 40 năm thật ý nghĩa.

Những chi tiết BTC cần cung cấp khi ghi danh:
1- Họ tên và đơn vị phục vụ tại NKT, thành phố đang cư ngụ
2- Số người tham dự Lễ Đặt Vòng Hoa tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ.
3- Số Người tham dự Tiền Hội Ngộ.
4- Số Người tham dự 40 năm Hội Ngộ Nha Kỹ Thuật.
Thiệp Mời sẽ gữi đến quý vị vào tháng 1 năm 2015 
Sẽ có quà tặng cho quý vị ghi danh với số thứ tự 10, 20, 30, và tiếp tục 10 số cho đến số thứ tự 200.
E-mail ghi danh về: NhaKyThuat@Yahoo.com

Chương Trình đính kèm như sau:
(I).
-
Lễ Đặt Vòng Hoa  sẽ được tổ chức vào lúc 12 giờ trưa Thứ Bảy ngày 28 tháng 3 năm 2015. tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ Westminster, California U.S.A. Chương trình gồm:
- Nghi thức chào quốc kỳ VNCH và Hoa Kỳ.
- Lễ Đặt Vòng Hoa, và một phút mặc niệm với kèn truy điệu TAPS.
- Chụp hình lưu niệm. 

(II) 
 
- Tiền Hội Ngộ sẽ được tổ chức vào lúc 6 giờ chiều Thứ Bảy 28 tháng 3 năm 2015 tại Nhà Hàng Brodard Chateau số 9100 Trask Ave thành phố Garden Grove, CA 92844 Telephone 714.899-8273
 Chương trình dành riêng cho Anh em Nha Kỹ Thuật và gia đình, đây cũng là dịp riêng tư anh em chúng ta sinh hoạt trong một nhà hàng ấm cúng, của Nam California. Và sẽ kéo dài cho đến 11 giờ đêm.

(II)
- Họp Mặt 40 Năm Hội Ngộ Nha Kỹ Thuật Nam California sẽ được tổ chức tại Nhà Hàng Seafood Paracel 15583 Brookhurst Street, Westminster, CA 92683 vào lúc 6 giờ chiều Chủ Nhật ngày 29 tháng 3 năm 2015 và chương trình sẽ kéo dài đến 11 giờ đêm.
 
(III).
Cafe và ăn sáng Hẹn Ngày Tái Ngộ được tổ chức vào lúc 10 giờ sáng thứ Hai 30 tháng 3 năm 2015 Café Mưa Rừng.
Ghi Chú:
Trong những điểm mốc của thời gian như 10, 20, 30, 40 năm, sau chiến tranh Việt Nam. Anh em chúng ta và gia đình cùng về bên nhau ghi dấu và nhắc nhớ một thời chinh chiến đã qua, nhưng kỷ niệm, dấu ấn và tình huynh đệ chi binh của Lôi Hổ, Nha Kỹ Thuật vẫn không phai mờ trong lòng chúng ta.
Xin kính chúc quý vị may mắn, sức khỏe và hẹn ngày tái ngộ.
Trân trọng,


Phạm Hòa
Trưởng Ban Tổ Chức

Friday, October 3, 2014

Bảng đối chiếu từ ngữ của Việt Cộng và Việt Nam


Xin Lưu ý! Hãy cho Phổ Biến Khắp Nơi Rộng Rãi.
- Bảng đối chiếu từ ngữ của Việt Cộng và Việt Nam
Lời người giới thiệu:

-Có những từ ngữ của miền Nam và miền Bắc trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 viết và cách dùng giống nhau; nhưng đồng thời cũng có rất nhiều chữ viết giống y như nhau nhưng ý nghĩa (hoàn toàn khác biệt) dễ dàng gây “hoang mang” (confused) nếu người đọc (hoặc người nghe) không biết trước.
-Ở Việt Nam sau 1975, vì nhiều lý do, một số từ ngữ của miền Nam (VNCH) đã bị thay thế hẳn. Tuy nhiên văn hóa và truyền thông của cộng đồng người Việt tị nạn CS ở hải ngoại vẫn tiếp tục duy trì các từ ngữ VNCH.
-Đã có một số tác gia hiện đang sống ở hải ngọai viết về vấn đề gọi là “cái chết của ngôn ngữ Sài gòn cũ.” Cá nhân tôi không đồng ý với quan điểm là tiếng Sài Gòn cũ (VNCH) đã hoặc sẽ chết. Thực tế cho thấy dân số tị nạn CS tại hải ngọai gần 3 triệu người hàng ngày vẫn dùng và bảo tồn chữ Sài gòn cũ trong gia đình, trong các buổi thánh lễ ở nhà thờ, trong kinh sách vào những buổi lễ thuyết pháp Phật giáo, trong các sinh họat thiếu nhi thánh thể cũng như gia đình phật tử… Hiển nhiên chữ Sài Gòn cũ luôn luôn có sẵn và không hề thiếu thì hà cớ gì chúng ta phải dùng đến chữ của Vi=Ci (VC) (riêng sự việc người dân Việt đang sống trong trong nước phải dùng từ ngữ CS trong mọi liên lạc, văn hóa là chuyện cũng dể hiểu thôi...)
-Người Do thái sau khi tan hàng ở Palestine vì có thể bị diệt chủng (bởi áp lực của Hồi giáo và dân Ả rập) cả chục thế kỷ rồi. Họ cũng sống lưu vong khắp nơi trên thế giới giống như dân Việt tị nạn CS; Vậy mà khi vừa mới tái lập quốc gia Do thái ở khoảng năm 1950 là họ đã khai sinh ngay trở lại một tử ngữ (dead language) của họ, tiếng Hebrew, thành một sinh ngữ (living language). Với cái đà xuống dốc tệ hại của chủ nghĩa CS hiện nay ở Việt Nam thì cơ hội phục hưng của người quốc gia và sự trở lại tiếng Sài Gòn cũ không phải chỉ có trong ước mơ. Bây giờ chúng ta cứ vô tình dùng chữ ngây ngô của VC thi chẳng khác gì như vô hình chung chúng ta chấp nhận CS (tương tự như trang điện báo của đảng CSVN hoan hỉ phổ biến sự thao dượt hải quân của Trung cộng trên quần đảo trường sa và Hoàng sa của Việt Nam).
-Tôi cố gắng thu góp lại, từ nhiều bài viết của nhiều tác gỉa và từ kinh nghiệm cá nhân, một số từ ngữ (của VC và VNCH) thuộc lọai “dễ dàng gây hoang mang” này và tạm xếp vào một bảng đối chiếu dưới đây để quí vị rộng đường tham khảo; tùy ý sử dụng; và để may ra giúp quí vị tránh các trường hợp đáng tiếc (bị đồng bào chung quanh hiểu lầm “địa chỉ” của mình).
T.V.G.
o=0=o

Sau đây là Bản Đối Chiếu
TỪ NGỮ VC & TỪ NGỮ VNCH

Ấn tượng = Đáng ghi nhớ, đáng nhớ
Bác sỹ / Ca sỹ = Bác sĩ / Ca sĩ
Bang = Tiểu bang (State) (Vịt + nói chuyên trơ trẽn)
Bắc bộ / Trung bộ / Nam bộ = Bắc phần / Trung phần / Nam phần
Báo cáo = Thưa trình, nói, kể
Bảo quản = Che chở, giữ gìn, bảo vệ
Bài nói = Diễn văn
Bảo hiểm (mũ) = An toàn (mũ)
Bèo = Rẻ (tiền)
Bị (đẹp) = Không dùng động từ “bị;” chỉ dùng tĩnh từ (đẹp)
Bồi dưỡng (hối lộ?) = Nghỉ ngơi, tẩm bổ, săn sóc, chăm nom, ăn uống đầy đủ
Bóng đá = Đá Banh, Túc cầu
Bức xúc = Dồn nén, bực tức
Bất ngờ = Ngạc nhiên (surprised)
Bổ sung = Thêm, bổ túc

Cách ly = Cô lập
Cảnh báo = Báo động, phải chú ý
Cái A=lô = Cái điện thọai (telephone receiver)
Cái đài = Radio, máy phát thanh
Căn hộ = Căn nhà
Căng (lắm) = Căng thẳng (intense)
Cầu lông = Vũ cầu
Chảnh = Kiêu ngạo, làm tàng
Chất lượng = Phẩm chất tốt (chỉ đề cập phẩm “quality,” không đề cập lượng “quantity”)
Chất xám = Trí tuệ, sự thông minh
Chế độ = Quy chế
Chỉ đạo = Chỉ thị, ra lệnh
Chỉ tiêu = Định suất
Chủ nhiệm – Trưởng ban, Khoa trưởng
Chủ trì = Chủ tọa
Chữa cháy = Cứu hỏa
Chiêu đãi = Thết đãi
Chui = Lén lút
Chuyên chở = Nói lên, nêu ra
Chuyển ngữ = Dịch
Chứng minh nhân dân = Thẻ Căn cuớc
Chủ đạo = Chính
Co cụm = Thu hẹp
Công đoàn = Nghiệp đoàn
Công nghiệp = Kỹ nghệ
Công trình = Công tác
Cơ bản = Căn bản
Cơ khí (tĩnh từ!) = Cầu kỳ, phức tạp
Cơ sở = Căn bản, nguồn gốc
Cửa khẩu = Phi cảng, Hải cảng
Cụm từ = Nhóm chữ
Cứu hộ = Cứu cấp

Diện = Thành phần
Dự kiến = Phỏng định

Đại học mở = ???
Đào tị = Tị nạn
Đầu ra / Đầu vào = Xuất lượng / Nhập lượng
Đại táo / Tiểu táo = Nấu ăn chung, ăn tập thể / Nấu ăn riêng, ăn gia đình
Đại trà = Quy mô, cỡ lớn
Đảm bảo = Bảo đảm
Đăng ký = Ghi danh, ghi tên
Đáp án = Kết quả, trả lời
Đề xuất = Đề nghị
Đội ngũ = Hàng ngũ
Động não = Vận dụng trí óc, suy luận, suy nghĩ
Đồng bào dân tộc = Đồng bào sắc tộc
Động thái = Động lực
Động viên = Khuyến khích
Đột xuất= Bất ngờ
Đường băng = Phi đạo
Đường cao tốc = Xa lộ

Gia công = Làm ăn công
Giải phóng = Lấy lại, đem đi… (riêng chữ này bị VC lạm dụng rất nhiều)
Giải phóng mặt bằng = Ủi cho đất bằng
Giản đơn = Đơn giản
Giao lưu = Giao thiệp, trao đổi

Hạch toán = Kế toán
Hải quan = Quan Thuế
Hàng không dân dụng = Hàng không dân sự
Hát đôi = Song ca
Hát tốp = Hợp ca
Hạt nhân (vũ khí) = Nguyên tử
Hậu cần = Tiếp liệu
Học vị = Bằng cấp
Hệ quả = Hậu quả
Hiện đại = Tối tân
Hộ Nhà = Gia đình
Hộ chiếu = Sổ Thông hành
Hồ hởi = Phấn khởi
Hộ khẩu = Tờ khai gia đình
Hội chữ thập đỏ = Hội Hồng Thập Tự
Hoành tráng = Nguy nga, tráng lệ, đồ sộ
Hưng phấn = Kích động, vui sướng
Hữu hảo = Tốt đẹp
Hữu nghị = Thân hữu
Huyện = Quận

Kênh = Băng tần (Channel)
Khả năng (có) = Có thể xẩy ra (possible)
Khẩn trương = Nhanh lên
Khâu = Bộ phận, nhóm, ngành, ban, khoa
Kiều hối = Ngoại tệ
Kiệt suất = Giỏi, xuất sắc
Kinh qua = Trải qua

Làm gái = Làm điếm
Làm việc = Thẩm vấn, điều tra
Lầu năm góc / Nhà trắng = Ngũ Giác Đài / Tòa Bạch Ốc
Liên hoan = Đại hội, ăn mừng
Liên hệ = Liên lạc (contact)
Linh tinh = Vớ vẩn
Lính gái = Nữ quân nhân
Lính thủy đánh bộ = Thủy quân lục chiến
Lợi nhuận = Lợi tức
Lược tóm = Tóm lược
Lý giải = Giải thích (explain)

Máy bay lên thẳng = Trực thăng
Múa đôi = Khiêu vũ
Mĩ – Mỹ (Hoa kỳ =USA)

Nắm bắt = Nắm vững
Nâng cấp = Nâng, hoặc đưa giá trị lên
Năng nổ = Siêng năng, tháo vát
Nghệ nhân = Thợ, nghệ sĩ
Nghệ danh = Tên (nghệ sĩ = stage name) dùng ngoài tên thật
Nghĩa vụ quân sự = Đi quân dịch
Nghiêm túc = Nghiêm chỉnh
Nghiệp dư = Đi làm thêm (2nd job / nghề phụ, nghề tay trái)
Nhà khách = Khách sạn
Nhất trí = Đồng lòng, đồng ý
Nhất quán = Luôn luôn, trước sau như một
Người nước ngoài = Ngoại kiều
Nỗi niềm (tĩnh từ!) = Vẻ suy tư

Phần cứng = Cương liệu
Phần mềm = Nhu liệu
Phản ánh = Phản ảnh
Phản hồi = Trả lời, hồi âm
Phát sóng = Phát thanh
Phó Tiến Sĩ = Cao Học
Phi khẩu = Phi trường, phi cảng
Phi vụ = Một vụ trao đổi thương mại (a business deal = thương vụ)
Phục hồi nhân phẩm = Hoàn lương
Phương án = Kế hoạch

Quá tải = Quá sức, quá mức
Quán triệt = Hiểu rõ
Quản lý = Quản trị
Quảng trường = Công trường
Quân hàm = Cấp bực
Quy hoạch = Kế hoạch
Quy trình = Tiến trình

Sốc (“shocked)” = Kinh hoàng, kinh ngạc, ngạc nhiên
Sơ tán = Tản cư
Sư = Sư đoàn
Sức khỏe công dân – Y tế công cộng
Sự cố = Trở ngại

Tập đòan / Doanh nghiệp = Công ty
Tên lửa = Hỏa tiễn
Tham gia lưu thông (xe cộ) = Lưu hành
Tham quan = Thăm viếng
Thanh lý = Thanh toán, chứng minh
Thân thương = Thân mến
Thi công = Làm
Thị phần = Thị trường
Thu nhập = Lợi tức
Thư giãn = Tỉnh táo, giải trí
Thuyết phục (tính) = Có lý (makes sense), hợp lý, tin được
Tiên tiến = Xuất sắc
Tiến công = Tấn công
Tiếp thu = Tiếp nhận, thâu nhận, lãnh hội
Tiêu dùng = Tiêu thụ
Tổ lái = Phi hành đòan
Tờ rơi = Truyền đơn
Tranh thủ = Cố gắng
Trí tuệ = Kiến thức
Triển khai = Khai triển
Tư duy = Suy nghĩ
Tư liệu = Tài liệu
Từ = Tiếng, chữ

Ùn tắc = Tắt nghẽn
Vấn nạn = Vấn đề
Vận động viên = Lực sĩ
Viện Ung Bướu = Viện Ung Thư
Vô tư = Tự nhiên

Xác tín = Chính xác
Xe con = Xe du lịch
Xe khách = Xe đò
Xử lý = Giải quyết, thi hành

(… còn tiếp)
* Quý vị nào thấy có thêm những chữ loại này ở đâu đó (?) hoặc thấy sự đối chiếu chưa đúng (!) thì xin vui lòng mách dùm để nhà cháu bổ túc (không phải bồ sung) và sửa đổi cho đúng (không phải là hoàn chỉnh) mà sửa chữa (chứ không phải sửa đổi), và cũng để mọi người cùng phấn khởi (không phải là hồ hởi) mà tham khảo. Xin Đa tạ…
Trần Văn Giang [ghi chép lại]
TCB tôi sưu tầm

Wednesday, September 24, 2014

Xạ Thủ Phi Hành



Cũng không trách họ được, bởi vì trông tôi cao ráo đẹp trai quá xá, hiện đang là một kỹ sư, chủ một hãng khá lớn, lái xe Lexus mới toanh, tiêu tiền như nước v v… thì đâu có ai ngờ rằng ngày xưa tôi chỉ là một thằng lính quèn! ...Xạ Thủ Phi Hành
Cứ mỗi lần nghe nói hồi trước tôi ở binh chủng Không Quân là thiên hạ -nhất là mấy bà mấy cô- hỏi liền rằng hồi trước anh lái máy bay gì?? Đọc tới đây chắc có người bỉu môi ra mà nói:
-Thằng cha này “nổ” quá xá!
Hề hề, cũng phải cho tôi nổ tí chứ!

Bởi vì ngày còn đi lính tôi chuyên trị đại liên M60 rồi khi chuyển qua Trực Thăng Gunship tôi lại ôm cây minigun 6 nòng, bắn kêu ò ò như bò rống, khiến địch quân kinh hồn bạt vía, nên bây giờ phải nổ một chút xíu cho vui đời, yêu người vậy mà.
Quái đản một điều là sao thiên hạ lại có quá nhiều người cứ tưởng ai đi Không Quân cũng đều là Pilot hết, trong khi thực tế để đem một ông Pilot “lên giời” thì cả hơn chục thằng “vô danh tiểu tốt” khác phải ngày đêm làm việc hùng hục như trâu, trắng dờ con mắt.
Nguyên do là các đấng Pilot thường cao lớn, mặc đồ bay vô coi oai hùng, các em nhìn thấy là nuốt nước miếng ừng ực rồi; Các bố ấy và các văn sĩ nửa mùa lại thường viết bài, viết truyện ca tụng cuộc đời mấy ổng quá chời quá đất, nào là hào hoa phong nhĩ (Phi công ra đi … gái theo ngập đường!); nào là anh dũng lệch người (Đi không ai tìm xác rơi), còn các ngành khác chẳng mấy khi có ai nói đến.
Nhớ từ ngày tôi đọc báo Lý Tưởng đến nay, chỉ thấy có Pilot Ke Phương Toàn lái máy bay trực thăng thấy muốn té đái trong quần; anh Bé viết về ngành Kỹ Thuật sửa chữa phi cơ nắng nôi vất vả; ông Th/s Thông viết chuyện Cơ Phi rớt ở Hạ Lào gần chết, còn cái ngành Xạ Thủ của tôi thì chỉ nghe đến cái tên là người ta đã ớn xương sống, nói gì viết ra nghề mình để người ta đọc.

Cũng chính vì cái vụ này mà hồi đó tôi có quen một em mà rồi sau không thành, khi ông già em biết cái chỉ số Xạ Thủ của tôi.
Khi bị bắt buộc chia tay em rồi, tôi chửi đổng:
- Me, đi lính mà không làm xạ thủ bắn ngay địch quân thì còn ra cái thể thống gì, bộ thằng Pilot nó bỏ bom không chảy máu hay sao. Me, ổng làm như tui là Xạ thủ đại liên thì chưa kịp bắn, chỉ cần đến gần là con gái ổng có bầu liền hay sao.
Thôi chuyện lâu rồi bây giờ tôi cũng không tức mà làm gì cho nó nhẹ thể và lên tăng xông, vì cũng may là con gái ổng không lấy tôi, chứ nếu mà … thì cuộc đời cổ cũng không khá, tôi sẽ bóp .. như bóp cò mini gun 4000viên/1phút thì cổ sẽ đẻ sòn sòn năm một.
Tôi gia nhập Không Quân sau hơn một năm đi lính Bộ Binh.

altalt
Một năm ca bài “Lội bùn dơ băng lau lách xuyên đêm, sương trắng rơi đôi vai ướt lạnh mềm ..” thì tôi lên Binh Nhất. Lúc Không Quân qua tuyển mộ những thằng vác súng đại liên M60 là tôi xung phong đi liền. Vác cây súng kềnh càng nặng nề, với băng đạn dài quấn quanh người, ba lô, cơm sấy, băng rừng lội ruộng còn không ngán, mà bây giờ được ngồi trên máy bay bắn xuống thì nhàn nhã biết chừng nào, phải nạp đơn gấp gấp.
Tôi về Tân Sơn Nhất vô khám ở khối Y Khoa Phi Hành.

Nhiều kẻ ứng thí rớt lộp độp nhưng tôi cái gì cũng tốt: Tim đập rất tốt, tăng xông vừa phải cho dù mới làm 20 cái nhảy xổm xong, tai thính như tai chó, mắt sáng hơn sao chỉ nhìn sơ con ruồi là biết con đực con cái, chỉ liếc thoáng qua là biết đứa con gái nào vú nở đít cong.
Nhưng khi bị chuổng cời ra cho ông bác sĩ Dụ khám tổng quát thì có vấn đề.
Anh TSI Hiếu bỏ cái thước đo chiều cao lên đầu tôi rồi anh phán:
- Thiếu thước tấc!
Tôi đành tôn anh ta lên:
- Thưa Thượng Sĩ! Lái máy bay kìa thì lùn chút đỉnh không được vì không đạp tới pê-đan, chứ cái thứ Xạ thủ đại liên trên máy bay trực thăng, nếu ngồi bắn không được, thì tui lom khom hay đứng cũng với tới cò súng được chớ có sao đâu.
Nhờ câu nói nịnh tăng anh ta lên một cấp, mà anh đã tăng lên cho tôi thêm vài xăng ti mét, để khỏi mang tiếng là Thằng Lùn Mã Tử, thế là tôi vào lính Không Quân.

(Lúc nãy tôi nổ là cao lớn đẹp trai chơi mà thôi, chứ người tôi tròn vo, mặc áo bay vào trông rất giống củ khoai!)
Tuy vậy cũng không phải là dễ ngon ăn đâu nghen, khám đằng trước coi hai hòn có cân nhau không, rồi họ cũng bắt chổng đít ra mà khám, tụi nó kháo nhau rằng khám coi có lông đít hay không, nhưng tôi nghĩ là họ khám bịnh trĩ.
Mấy tờ báo lớn ở Sài Gòn thường có câu quảng cáo “Ai đau khổ vì bịnh trĩ” ai mà không biết, người nào bị bịnh này thì đi ỉa cũng còn khó chứ nói gì đến việc trọng đại là đi lính Không Quân.

Tôi được xếp theo học khoá II Vũ Khí Phi Hành ở mãi tận Nha Trang.
Mới từ chiếc C119 thủng đít bước xuống là cả chục ông cán bộ của TTHLKQ ùa ra hò hét, họ cứ tưởng tụi tôi là lính mới nên hù doạ đủ điều. Nhưng thực sự mấy anh chàng này là khoá sinh của Khoá II HSQ Truyền Tin, tính ra khi chúng tôi vào lính thì mấy thằng này còn học đệ tứ hay đệ tam là cùng. Họ cũng áp dụng hình phạt chúng tôi như mấy khoá Cơ Phi, nhưng khi nghe thằng trưởng khoá xưng danh là HSI Nguyễn Nén là dần dần họ lảng ra (Thực ra khi vô quân trường phải báo cáo là Khoá Sinh, nhưng thằng Nén chơi nổi, cứ xưng cấp bực cho bọn kia nể vậy mà, đi lính tác chiến lên đến Hạ Sĩ Nhứt mà còn sống thì đừng đụng tới nó mà có ngày mang khốn).

Thế là chúng tôi tương đối thoải mái, không bị hành hạ nữa, hằng ngày cắp sách đến Trường Kỹ Thuật học về Vũ Khí.
Tôi cũng không biết tại sao lại bắt chúng tôi học vềcây súng M60 làm gì nữa, vì đã từng ôm ấp em cả năm, tháo ra chùi rửa hàng mấy trăm lần, thì học về nó làm chi, trong bóng đêm hay nhắm mắt tôi cũng có thể tháo em ra từng mảnh rồi ráp lại trong vòng ít phút.
Cuối khoá thì có chương trình học về nhận dạng phi cơ ta và địch. Phi cơ phe ta và Mỹ thì dễ rồi, hồi còn ở chiến trường tôi cũng thường nhìn thấy nó: H34, UH1, CH47, CH54, OH6. Về máy bay có cánh thì O1, O2, C47, C119, C7, C123, C130, AH1, A37, F5, A6, F4C v v.. Chúng tôi còn phải phân biệt những máy bay dân sự và vài loại đặc biệt của Air America nữa.

Còn về máy bay của bên kia thì có Mig 17, 19, 21 với cái máy bay “lên thẳng” MI6 trông hơi giống chiếc CH53 của Mỹ.
Mãn khoá thì tôi được gởi về KĐ 74 ở Cần Thơ. Năm đó phi trường Trà Nóc chỉ có 2 phi đoàn Trực Thăng là 211 và 217. Chúng tôi ở trong dãy barrack của Phòng Huấn Luyện. Không biết ông Trưởng Phòng là ai, chỉ biết mình nằm dưới sự điều động của thằng cha TSI Viễn hắc ám, nó có cô vợ coi được lắm, nhưng bánh mì thịt cô ta bán cho tụi tôi thì mặn hơn thịt kho. Cứ mỗi sáng lúc 5g thì mỗi thằng được PHL cho mượn 1 cái nón bay, trong đó có 1 bịch gạo sấy, 1 hộp trái cây và một hộp thịt ba lát xách tòn teng lên phi đoàn.
Hồi đó Xạ Thủ còn thiếu nên gọi là về đây để Phi Huấn 3 tháng, nhưng trên thực tế họ cắt đi hành quân liền.
Tôi leo lên tàu bay có ông Trưởng phi cơ râu rậm coi phát gớm, lòng tự hỏi sao con bồ ổng chịu được, râu chìa tua tủa ra như rứa hôn nhau nhột chết cha luôn.
alt
QĐVNCH đang tấn công qua Miên, nên máy bay nào cất cánh cũng nhắm hướng Châu Đốc mà bay. Chừng 20 phút bay ven theo sông Hậu là đáp ở núi Sập núi Sam chi đó. Gần bãi đáp (chỉ to hơn cái sân bóng chuyền) là cái ao nuôi cá tra. Ông Pilot của tôi thấy có đứa con gái ngồi trong cầu nên hover gần một chút, ôi thôi mấy tấm lá dừa nước che cầu gió đánh tung lên bay qua phía bên kia, cô gái sợ gió cuốn bay theo, hoặc có thể rớt xuống đìa nên hai tay bấu chặt cứng vô mấy cây cọc tràm, quần sa teng không kịp kéo lên nên phơi cặp mông trắng hếu, dòm thấy thương hết sức.
Một hồi sau liên lạc sao đó mà ông Đại Uý nói mở dây cánh quạt, quay máy để đi tải thương bên Tà Keo.
Đồng ruộng Cam-Pu-Chia mùa này nước trắng xoá như biển, nhưng đó đây thỉnh thoảng thò lên những đám cây thốt nốt và những căn nhà cao cẳng.
Đến một vùng kia khá cao ráo, đất đỏ như đất Miền Đông thì tôi thấy khói màu tím bay lên từ khu vườn của một ngôi chùa Miên mái nhọn. Xung quanh chùa có những cây gỗ sao cổ thụ và cây thốt nốt khá cao.
Ông Mévo bấm máy:
- Có khói tím ở hướng 3 giờ.
Ông Trưởng phi cơ vòng lại và ? máy bay hạ thấp, có tiếng nói trong intercom:
- Clear cây.
Mẻ, ổng nói cái gì rẹc rẹc ? âm vang trong nón bay thế này. Tôi nghe thằng cha Cơ Phi hô “OK” nên cũng bấm máy hô theo “OK”.
Máy bay hạ xuống.. nổ cái đùng, thân tàu lắc lư, sàng qua bên phải rồi đáp, lính bộ binh tràn ra đứng coi, máy bay hạ ga rồi tắt máy. Ông Đại uý chờ cánh quạt ngừng quay rồi leo lên nóc, nhắm nhé coi nó móp thế nào sau khi quất một cú vô ngọn cây thốt nốt.
Méo có chút đỉnh thôi mà mặt ông ta nhăn như khỉ ăn mắm tôm, quay qua nhìn tôi rồi xổ một câu:
- Clear như ..C !
Tuy nhiên ông cũng chở mấy cái cáng thương binh bay về tới Quân Y Viện Cần Thơ, rồi đáp Trà Nóc luôn để Kỹ Thuật coi lại cái Rotor.
Tôi buồn bã xách lỏn tỏn cái nón bay về Phòng Huấn Luyện. Tới ngang khu Nữ Quân Nhân thì thấy một bọn hơn chục thằng đang kiệu nhau trên vai mà nhòm vô dẫy phòng tắm. Nhìn tôi đang đi thất thểu coi thảm thương quá, tụi nó tội nghiệp vời vào, rồi lại còn tận tình kiệu tôi lên vai để tôi nhìn cho sướng cuộc đời.
Tôi để nón helmet xuống rồi nhảy phóc lên vai hai thằng, vừa kê sát mặt vô hàng gạch có lỗ phía trên cao để nhòm gái tắm …. Chưa phân biệt chỗ trắng cùng đen, lá tre khác lá ổi thế nào thì nguyên một thau nước nóng tạt ngay vô mặt, tôi tối tăm mặt mũi vội tụt xuống, hai thằng phía dưới cũng ướt mem. Phía trong mấy đứa con gái lính “Không Cu” cười ré lên chế diễu.

Mấy dẫy barrack này Mỹ mới giao, thành thử hệ thống nước nóng rất nóng như nước sôi, nóng đến nỗi tụi tôi thường lấy trực tiếp đổ vô làm cơm sấy được cơ mà. Mặt tôi đỏ rần lên, không phải vì mắc cở mà vì da rát như bị phỏng.
Tôi lủi thủi ra lấy nón bay mà về chỗ ngủ của mình. Mẹ kiếp, thằng cà chớn nào nhân lúc lộn xộn, chĩa luôn mấy món đồ hộp và bọc gạo sấy của tôi, chỉ còn để lại cái nón helmet trống rỗng. Thôi, thế là chiều nay lại đành phải ăn bánh mì kẹp thịt kho mặn chát của con mẹ Viễn rồi!
Hồi trước tôi thông minh sáng láng lắm, nhưng kể từ khi bị tạt thau nước nóng ấy (không biết tụi nó có giặt đồ gì trong đó chưa) mà tôi bỗng ngu đi trông thấy.


alt
Cái ngu còn hiển hiện trên mặt tôi mãi cho đến bây giờ, hễ đàn bà con gái dỗ ngọt là lại: “Lần này mình ngu kiểu này, lần khác mình lại ngu kiểu khác”.
Ra trường là tôi “được” đi Đà Nẵng ngay, tới PPĐ213 có ông Trương Văn Vinh làm sếp vì ông Đặng Văn Phước mới lên 51CT rồi. Sau đó chuyển qua 233 dưới quyền ông Bùi Quang Chính.

Trong có mấy năm mà tôi có quá nhiều Sếp: Ông Nguyễn Văn Thanh 233, ông Nguyễn Anh Toàn 239, ông Luân (hình như ông họ Phạm Đăng thì phải) Sau cùng là ông Huỳnh Văn Phố ở 253.

Thôi, ngứa tay thì viết chơi về đời lính một chút vậy, nếu các bạn cho là tôi viết “có diên”, thì tôi sẽ viết thêm nữa để kể về chuyện tôi đi tán mấy em bán thuốc lá lẻ (để mua thiếu) và mấy em ở CLB (để dễ bề ghi sổ).
Tôi chẳng bao giờ đi tán mấy em nữ sinh nữa đâu, vừa tốn tiền dẫn em đi ăn chè hoặc xi nê, mà đôi khi còn vỡ mặt, hận đời khi bố em biết tôi chính danh là Xạ Thủ Phi Hành.

Minigun. Nguyễn Nén

Thursday, September 18, 2014

Trăng sơn cước


Trăng sơn cước

Sơn cước là vùng đất rừng núi thượng du tập trung ở phía Đông và Tây Bắc của Việt Nam. Dân cư đa số là người dân tộc thiểu số Thái, H'Mông, Nùng, Mèo sống rải rác thưa thớt trong các bản thượng. Trăng sơn cước là bài hát được viết lời bởi nhạc sĩ Văn Khôi và soạn nốt nhạc bởi nhạc sĩ Văn Phụng vào giữa thập niên 50, lấy cảm hứng từ một cuộc tao ngộ với cô sơn nữ nào ở trên vùng rừng núi heo hắt gió mây.

Nhạc sĩ Văn Khôi thì không mấy người biết đến tên nhưng cái tên Văn Phụng thì rất quen thuộc vì ông là tác giả của những bài hát rất thành công như: Ô mê ly, Xuân miền Nam, Trăng sáng vườn chè, Tôi đi giữa hoàng hôn, Ghé bến Sài Gòn. Nhạc sĩ Văn Phụng sinh năm 1930 tại Hà Nội, từ nhỏ học dương cầm với hai bà giáo sư âm nhạc: một bà người Pháp và một bà người Việt. Năm 1945 lúc được 15 tuổi Văn Phụng đoạt giải nhất cuộc thi tuyển lựa độc tấu dương cầm tại Nhà Hát Lớn Hà Nội.

Năm sau ông thi đậu vào ngành Y khoa nhưng lại bỏ học dở dang ở năm đầu để chạy loạn vào Nam Định. Ông lánh nạn tại nơi đây và được một linh mục chỉ dẫn thêm về thanh nhạc. Năm 1948 ông trở về Hà Nội và tham gia chính thức vào ban Quân nhạc, chuyên soạn hòa âm cho những ca khúc Việt Nam dùng trong các ban giao hưởng, đại hoà tấu. Khi làm việc tại đây Văn Phụng gặp gỡ và kết thân với các nhạc sĩ đồng nghiệp như: Đan Thọ (tác giả của Chiều Tím, Mimosa thôi nở), Nhật Bằng (Bóng chiều tà, Tiếng đàn trong đêm), Nguyễn Hiền (Anh cho em mùa xuân), Vũ Thành (Giấc mơ hồi hương).

Nhạc phẩm đầu tay do Văn Phụng sáng tác là bài Ô mê ly, được viết năm 1948 trong một niềm vui sảng khoái dâng trào vì ông có thể theo đuổi ngành âm nhạc vốn là niềm đam mê hàng đầu của ông. Năm 1954 ông di cư vào miền Nam và giữ chức vụ Nhạc Trưởng của Đài Phát thanh Quân đội và tiếp tục sáng tác các bản nhạc hay như: Ghé bến Sài Gòn, Tôi đi giữa hoàng hôn, Các anh đi, Tiếng dương cầm, Suối tóc...Riêng bài Suối tóc là sáng tác riêng để tặng cho người ca sĩ ông mới quen biết Châu Hà mà sau này hai người kết hôn và sống gắn bó đến cuối đời. Vì cặp Văn Phụng - Châu Hà sống rất chung thủy hạnh phúc nên hai người được mệnh danh là Tiếng hát với cung đàn, lấy từ tên tựa của một sáng tác do Văn Phụng viết khi ông đang làm Nhạc trưởng ở Đài Phát thanh Quân đội.

Bài hát Trăng sơn cước có một giai điệu đặc thù của loại nhạc "thượng du" mà Đắc Xuyên Gia Khang chưa biết tên chuyên môn, nếu có. Trong các bài hát thuộc thể loại này thì thấy nhạc khí sử dụng hầu hết đều có chiêng trống, tù và, sáo, khen...Lướt qua những bài hát thông dụng kể về chuyện tình của mấy chàng trai thành thị đi vô sơn cước tìm kiếm sơn nữ thì thấy có: Chiều lên bản thượng, Nỗi buồn Châu Pha, Ðường chiều sơn cước, Tiếng hát Mường Luông của Lê Dinh và Minh Kỳ, Chuyện tình La Lan của Hoàng Thi Thơ, Bông hoa rừng của Lê Thương, Tình Ca Người Sơn Cước của Nguyễn Trung Cang...

Thường thì nhạc sĩ kết hợp trai Kinh với gái sơn nữ xứ Thượng bên cảnh mây núi thơ mộng chen lẫn rượu cần, tù và rồi nhảy nhót bên lửa trăng. Nhưng hầu như kết thúc của những bài hát này là cảnh chia ly, có duyên mà không phận. Trai Kinh lên đường trở về lấy gái thị thành để con gái xứ Thượng ở lại tiếp tục đợi trai khác tới hoặc đi lấy chồng cùng bộ lạc, văn hoá và ngôn ngữ với mình cho chắc ăn.

Mời các bạn đọc lời và nghe lại bài hát Trăng sơn cước qua 3 tiếng hát Nini, Vina Uyển My và Hạ Vy

http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/trang-son-cuoc-nini-ft-ha-vy-ft-vina-,uyen-my.vCnCwRfCup.html

Suốt canh tàn một mình ta dưới trăng vàng
Đàn trầm rung khúc mơ màng
Gợi lòng ta nhớ mường vang xa
Nhìn ánh trăng mơ về phía trời khuất xa
Một tình thơ chốn non ngàn
Ôi giờ phút sao sớm tàn

Lòng còn hoài mơ một đêm
Điệu nhạc rền vang rừng thẳm
Rượu cần càng vui càng uống
Đắm say men nồng tình duyên

Cùng chàng ngồi bên bờ suối
Hẹn hò một duyên tình mới
Nàng ngồi lặng nghe chàng nói
Khẽ rung rinh đôi làn môi

Suốt canh tàn kề vai say ánh trăng vàng
Nhạc xa đưa khúc mơ màng
Nàng nhìn ra phía trời xa xa
Như ước mơ duyên tình thơ mộng dưới trăng
Nhưng thời gian vẫn trôi hoài
Trăng tàn úa rồi khuất tàn

Dạt dào tình vương sơn nữ
Tình thơ ngây bên suối
Xót xa duyên tình xưa
Lạnh lùng ngồi trông trăng sáng
Ta nhớ ngày qua
Nhờ làn gió đưa

Gió ơi đưa về chốn xưa
Thiết tha bên bờ suối thơ
Bóng ai xa còn ước mơ

Ôi ngày vui sao quá vội

Friday, September 5, 2014

Hởi anh, Người chiến sĩ vô danh


(Cảm tác khi nhìn ảnh anh thương binh thăm mộ nghĩa trang)
 
Anh cao lắm khi xưa
Đi đầu đoàn diễn hành ngày lễ
Nay anh lùn, vì cụt mất đôi chân
Chiếc nạn con không làm chí cả hao mòn
Anh đứng thẳng trên quê hương đổ nát
Anh đứng bên anh em xưa đồng đội
Người lính Cộng Hòa bên ngôi mộ chiến binh
Trong nghĩa trang tình chiến hữu anh linh
Nhang khói tỏa u lòng vòm cây lá
Nghe đâu đây anh hồn dù thân rã
Về đây anh, người chiến sĩ vô danh
Sống hiên ngang, vì nước liều mình
Anh nằm đó, tôi nghe hồn nhỏ lệ
Đôi chân tuy không còn
Nhưng còn nặng tình chiến hữu
Chiến địa năm nào gửi phần thân xác nơi nao
Nơi nào?  Tôi đâu nhớ!
Mảnh đất quê hương u mờ xương máu
Tôi mĩm cười, mời chun rượu ly bôi
Mai tôi đi rồi! 
Hẹn anh ngày tái ngộ . . .
 
Phạm văn Hòa
K18VBDL

Thursday, September 4, 2014

Sinh Hoạt Nha Kỹ Thuật


Sinh Hoạt Nha Kỹ Thuật có từ khi mới bắt đầu định  cư tại quê hương thứ hai Hoa Kỳ, từ khi rời VN đa số anh em Toán là những người độc thân nên việc sống chung tập thể từng nhóm nhỏ như ngày xưa sinh hoạt của mỗi Toán đi hành quân chung và khi về doanh trại đều sinh hoạt và đi chơi chung với nhau, từ đó đã bắt đầu sinh hoạt theo hình thức từng nhóm nhỏ.
Khi xuất trại các anh em thường xuyên liên lạc nhau và có nhiều trường hợp thay đổi chổ ở để sống gần nhau và sinh hoạt cũng như giúp đở lẫn nhau khi hữu sự.
Sau một thời gian tạm ổn về công ăn việc làm cũng như một số anh em tìm cách đi học trở lại trong các trường Đại Học, community colleges và các trường liên quan đến công việc làm tạo ổn định cho đời sống.
Bây giờ cũng là lúc bắt đầu có phong trào vượt biên chính thức, bán chính thức và đi chui, và tiếp tục cho đến khoãng năm 1982 thì các đợt thả tù các chiến sĩ Sở Bắc Nha Kỹ Thuật bị giam cầm đa số trên 20 năm .



















Wednesday, September 3, 2014

Biệt Kích OP35 / Nguyển Văn Hải Đoàn 1 Sở Liên Lạc



Màu rực đỏ của hoa phượng cùng cái nắng le lói buổi sáng nay. Trên chiếc xe lúc này nhìn phía trước thì chói mắt nhưng hàng cây phượng cứ vùn vụt lùi nhanh. Bất chợt tôi ngó lại sau xe...bụi đỏ và ngọn núi Phước tường lơ lửng cùng mây trôi!  Cứ y như thói quen tôi nhìn chăm chú vào con suối...nơi đã cho tôi bao kỷ niệm của thời thơ ấu, của những lần mơ làm người Quang trung cùng đám bạn thân thiết chơi trò trận mạc nhưng nay mỗi đứa một nơi. Phần đông là đi lính...Còn tôi không thể chần chừ mãi được, hôm nay cũng phải lên đường nhập ngũ.  Chiến tranh đang hối quyết liệt. Cuộc tổng công kích Tết Mậu thân vừa qua để lại vết nhơ cho đất nước...Khắp nơi trên toàn lãnh thổ miền Nam bị những người         Cộng sản tấn công và cuộc tàn sát đẫm máu diễn ra trong những ngày Tết! Huynh đệ tương tàn...Máu và nước mắt chan hòa trên quê hương cùng biết bao mảnh khăn tang vội vã. Mới hai mươi tuổi đời...tôi bị ném vào cuộc chơi...trò chơi chiến tranh...bởi lý do thi rớt!  Cộng sản đã đuổi kịp những bước chân tôi di cư trốn tránh từ Bắc vào Nam. Xe đang trên cầu, khí hậu mát hẳn so với cái nực thời tiết mới vừa sáng. Giòng sông êm đềm nhấp nhô dưới ánh nắng sớm chiếu rọi hất lên những tia nắng óng ánh, lung linh gợn nước. Người bạn đồng hành đưa tay chỉ...Hàng phi lao xanh ngắt trên đồi bờ cát và tôi biết phía trên nó là biển...hôm nay chắc cũng lặng lẽ như giòng sông sau lưng. Hai đứa tôi cùng một cảnh ngộ trốn lính...Chê Đồng đế và bất mãn thi hỏng! Thế rồi, thời hạn Lược giải cá nhân nhanh chóng hết hạn mặc cho bạn bè cùng lớp rủ rê đi trình diện...Trong nỗi buồn xơ xác giã từ học đường...tôi như người đi trên mây và giờ đây được liệt vào thành phần bất phục tùng, chúng tôi không có được sự lựa chọn...Rất may, theo ý của một người bạn...Hôm nay giới thiệu đăng lính. Núi Ngũ hành sơn trước mặt náo động bởi bốn chiếc trực thăng đang xuống căn cứ nằm sát bên...Trại Biệt kích Lôi hổ FOB 4...Ngày 26 tháng 05 năm 1968.
-Người bạn tôi, phụ xạ thủ trên trực thăng...Phi đoàn 219 bay cho Trại Biệt kích FOB 4 ra đón hai đứa nơi cổng Trại cùng một sĩ quan ký nhận rồi dẫn chúng tôi vào văn phòng. Thủ tục được làm đơn giản và thật nhanh gồm một giấy khai lý lịch, đính kèm khai sinh, giấy cam kết, tờ hợp đồng phục vụ có phần khi chết trong công tác sẽ được 13 tháng lương cho người thừa hưởng trong địa chỉ. Tiếp đến lên Bệnh xá khám bệnh để lập hồ sơ bệnh lý...Xong vào nhà kho lãnh quân trang...Và rồi một người tự xưng là Trung đội trưởng Biệt kích dẫn chúng tôi về Trung đội linh tinh...theo tên gọi lúc bấy giờ...cũng vừa vào giờ cơm trưa. Ngoài trời nắng to, chiếu ánh sáng chói lòa trên cát biển...bước chân tôi đi dần lên đồi cát cao...nhìn biển sau lưng...thú vị và thật thanh thoát với cái mênh mông xanh biếc của biển đến tận chân trời là giới mức trắng nước rất xa và rộng phẳng lỳ. Có gió mát đang lướt trên da mặt và phần phật dưới áo quần...bộ đồ tôi chưa kịp thay. Một ý nghĩ ngây ngô...tôi vẫn chưa là một người lính! Bữa cơm lính đầu tiên trong đời tôi thật sự khó chịu với nước tương sì dầu thay cho nước mắm. Đơn giản là nơi đây tất cả đều là người Nùng. Người Việt nam chỉ có một số nhỏ. Thật vậy tôi lại có cảm tưởng mình đã xuất ngoại vì bao quanh thứ ngôn ngữ khác biệt và những gương mặt chả phải là Việt nam. Thế rồi buổi chiều nhanh chóng qua đi bận bịu với nơi ở mới. Người bạn đồng hành cùng tôi phải oẳn tù tì để xem ai nằm ở trên...vì là giường loại tầng trên dưới mà ai cũng thích tiện, tôi thua nên đành nằm trên. Đêm đầu tiên sống đời quân ngũ. Tên lính mới tò te cố tập cho quen với nếp sống...cả một buồi chiều ngày ấy, xem tình, xem ý của những người xung quanh và tập hòa đồng cùng nhau. Miệng luôn với nụ cười đi trước giống như cách xã giao, đối xử của cô dâu mới về nhà chồng. Đêm càng sâu, nỗi nhớ nhà thêm nặng đè hẳn lồng ngực. Thời gian được đốt dần với bao thuốc lá còn quá nửa. Tiếng ầm ào sóng biển mỗi lúc một rõ hơn về khuya và gà gáy sáng tận ngoài ngôi làng nằm trong bờ phi lao sát biển nhưng song song với Trại. Tôi cố tập trung trí óc để hình dung về tuổi học trò hồn nhiên nghịch ngợm cùng đám bạn chia nhau chơi trò trận mạc với vũ khí là nắm bùn nhão còn tay kia vê tròn viên đạn bùn tiến sát quân địch để hạ thủ. Nhưng đề tài này cũng không sao ngủ được...tôi chuyển ngay ý nghĩ...Dưới ánh chiều vàng...Đoàn Hướng đạo đang chơi trò chơi lớn và kỷ niệm ngày ấy lại về với tờ mật thư được tìm thấy nơi gốc ổi rừng...dịch xong mật mã...Nội dung cả đội hóa trang để trình diện Trại trưởng. Làn gió núi quanh quẩn lúc này ngược suôi trên da mặt và tôi ngủ lúc nào chẳng hay.


-Tiểu đoàn Phi hổ Nùng gồm chủ lực hai đại đội A và B được người Mỹ tổ chức để tác chiến với trách nhiệm xung kích. Đại đôi A mới vừa từ mặt trận Benhet về đang nghỉ xả hơi. Chỉ huy theo hệ thống chức vụ.  những người lính Biệt kích này được trả lương để làm một nhiệm vụ...hoàn toàn không số quân (chỉ có ám số cho mỗi người khi gia nhập...) cũng như không cấp bậc...họ được gọi là Biệt kích quân. Một Trung đội  "linh tinh" để chỉ nơi những người mới tuyển mộ được huấn luyện trước khi bổ xung quân số. Thời gian trôi qua mau, tôi quen dần bãi cát nóng dưới chang chang nắng dữ mùa Hè với những bài tập chiến thuật và xủ dụng vũ khí. Tập bắn cùng tập thế ném lựu đạn vào thẳng chân núi. Ngày qua ngày chương trình huấn luyện có phần thư thả, thời gian tiếp diễn với "nhánh rẽ cuộc đời" cùng đi vào dĩ vãng. Lòng tôi đã có phần hăm hở với nếp sống mới...Biển mênh mông trước mặt và núi bên hông cảnh trí tuyệt vời sẵn cho ai thích du lịch. Hôm nay biển sóng to với những hàng lớp bạc đầu trắng xóa ầm vào bờ. Người thông dịch lại nói với chúng tôi bằng tiếng Việt vì anh ta quên mất trong khóa học còn có bốn người Việt nam. Trung úy Bauso luôn miệng "làm rất tốt...rất tốt" với mọi người. Sáng nay ông tuyên bố sẽ kết thúc khóa huấn luyện bằng buổi tập tác xạ đại bác 57 ly không giật. Người bạn đồng hành với tôi đã lên trên Kontum ở với ông Chú ruột đang là Chỉ huy trưởng trại Biệt kích. Hai người vô tình gặp nhau trên câu lạc bộ rồi kéo nhau đi Kontum...Ông Đại úy chú hắn nhìn tôi hỏi có muốn đi không để ông lên phòng 1 làm thủ tục chuyển trại. Nhưng tôi từ chối viện lẽ gia đình sống tại Đànẵng...Đi về gần chả thích sao? Ngoài trời xuyên qua ánh nắng chiều rất thưa những giọt mưa đầu mùa nặng hột rơi như xèo xuống cát cả ngày nắng nhưng không bốc lên hơi đất nồng xém cháy mà giống như chôn sâu mất hút nhẹ nhàng.
-Tỉnh giấc vì những tiếng nổ liên tục xung quanh cùng rời rạc tiếng súng. Ngạc nhiên vì tấm lưới che cát bụi trước mặt bị rách một đường dài lồ lộ dưới ánh đèn chiếu trong phòng và một bàn tay đen thui ném vật gì đó vào trong đi vèo trên ngực lúc tôi còn nằm để xem chuyện gì đang sảy ra?  Còi báo động chợt hú vang cũng là lúc tôi hiểu ngay ra và tức thời lăn nhào xuống sàn nhà. Một tiếng nổ sau ánh chớp như sét đánh mang tai và mùi khét lẹt ập vào mũi cùng những vật rơi khắp nơi nhưng ánh đèn trong nhà vẫn có bóng còn sáng. Tiếng ai đó hét lên bằng tiếng Nùng khi tôi bò được ra ngoài đàng hoàng với dây đạn và cây súng trên tay. Ánh hỏa châu lúc này chiếu rõ hai tử thi nằm gục gần cửa trên người chỉ thắt một chiếc khố che bộ hạ và trên đầu quấn khăn. Một tên tay còn cầm trái bộc phá giống như cái chày giã. Tối qua lúc Trại đang chiếu phim...vọng gác cao nơi phía làng chài nổ súng vào những bóng người trong phạm vi phòng thủ Trại nhưng rồi mọi việc lại đâu vào đấy! Toàn Trại như run lên vì những tiếng nổ. Đèn điện lúc này tắt phụt nhưng hỏa châu được tăng cường chiếu sáng từ căn cứ Thủy quân lục chiến Mỹ bên cạnh bắn hỗ trợ. Căn nhà Đại đội A kế cận những người lính cuối cùng cũng được chỉ huy đưa ra vị trí phòng thủ trách nhiệm. Trung đội linh tinh chúng tôi chỉ có chín người nằm tại trận để chờ Trung đội trưởng...nhưng có người nói đi phép chưa về. Hai chiếc trực thăng quần đảo trên cao và nhà kho trại lúc này cháy dữ dội. Chiến trường bỗng sáng rực ánh lửa cùng đèn pha chùm từ trực thăng chiếu rọi khắp cả phía ngoài quanh trại...Có một chiếc đang bắn dọc bãi biển và tiếng đại liên từ vọng gác cao phía cổng ra biển cứ liên hồi nhả đạn. Một bóng người từ căn nhà tắm chạy ra ẩn vào hàng bao cát chất quanh nhà để tránh miểng pháo kích. Cũng như hai tên bị hạ nằm phơi bên mé kia...họ trần truồng và quấn khăn trên đầu để nhận dạng nhau. Tên địch bị chúng tôi hạ ngay tức khắc khi chưa kịp có một hành động. Mọi người giờ đây hiểu ra rằng Trại đang bị đánh đặc công. Trận chiến không có gì là quyết liệt với tiếng súng tiếng nổ rời rạc...chỉ nhà kho cháy ngọn lửa bốc cao ở kho quân nhu vì không nghe tiếng kho đạn nổ.  Một chiếc xe Jeep cứu thương vừa đi ngang và có con chó tây cụp đuôi chạy phía sau sang dẫy nhà bếp. Toàn Trại bỗng im lìm một cách khó hiểu...ngọn lửa ở nhà kho cũng dịu dần với ánh sáng chỉ lâu lâu bùng lên đôi chút. Tiếng gà gáy bên làng chài theo gió như báo trời sắp sáng. Đã có đơn vị rời vị trí phòng thủ để được điều động công tác. Chiến trường phút chốc sôi động hẳn lên với nhiều tốp lính chiếm giữ từng căn nhà và vòng người đang từ từ khép lại phía góc sau trại tại cổng ra biển. Trận chiến ngay từ phút đầu chỉ bằng tiếng nổ và tôi có cảm tưởng người ta tiết kiệm đạn. Trời sáng từ từ thấy rõ mọi khuôn mặt! Ánh hồng ửng dần chiếu lên tia sáng đỏ rực tại chân trời mây thấp và nước biển. Hai chiếc xe Jeep tất tưởi đỗ xịch nơi căn nhà khu Cán bộ Nha-kỹ-thuật và từ căn nhà Đại úy Tống hồ Huấn...Quyền xử lý thường vụ Trại vội vã đi ra...Ông ta tạm thời thay thế Chỉ huy trưởng Trại Đại úy Vương vĩnh Phát bị đình chỉ chức vụ về việc lính Biệt kích trong Trại đem súng đạn ra phố bắn vào Cảnh sát vì một việc nhỏ đụng chạm trước đó...Nghiêm trọng hơn, họ tấn công hẳn vào đồn Cảnh sát tại trung tâm thị xã Đànẵng. Con đường trước mặt một chiếc xe GMC đậu lại cùng tốp người thu gom xác chết và ba tử thi tại chỗ chúng tôi cũng nhanh chóng được vất lên xe. Bỗng súng nổ dữ dội nơi phía vọng gác cổng ra biển và được hiểu là trận chiến đã kết thúc...Mọi việc đều sáng tỏ dưới ông mặt trời đỏ dần nhô lên khỏi mặt nước rồi đang chuyển mầu phát tia nắng đầu tiên trong ngày...Tôi nhớ rất rõ đó là ngày 23 tháng 08 năm 1968 với ấn tượng trận chiến đầu tiên của đời tôi đi lính. Một chiếc xe đi vòng quanh Trại phát khẩu phần lương khô ăn sáng và ổ kháng cự cuối cùng đã nhanh chóng được giải quyết với sáu tên địch không chịu theo lệnh đầu hàng. Đại đội A được lệnh hành quân với ba chiếc xe GMC đậu sẵn. Trung úy Bauso đã có mặt và chỉ huy chúng tôi với khẩu đại bác 57 ly không giật yểm trợ hỏa lực cho đại đội A. Đoàn xe di chuyển trực chỉ mục tiêu.
-Núi Non nước (Ngũ hành sơn) ngọn núi chính nằm sát hông trại nhanh chóng bị bao vây. Tiếng chuông Chùa tôi nghe khi đến bậc đá đầu tiên lên núi...Lòng tôi nghĩ có một cái gì đó không ổn từ ngôi Chùa chính trên núi đang buông tiếng chuông, mà thường ngày tạo nên vẻ thanh tịnh, siêu thoát nhưng hôm nay tôi cảm thấy và nhận ngay ra có vẻ như người đánh chuông trong lòng phần nào bối rối, bất an nên chẳng giữ được nhịp theo kinh tụng!  Đơn vị tấn công đã vào qua cái hang rộng mé tay phải. Tiểu đội hỏa lực 57 ly chúng tôi được bố trí gần cửa hang để yểm trợ...Lời kêu gọi đầu hàng được đưa ra nói như hét vào ngách hang lờ mờ phía trước. Nhưng không một động tĩnh gì lẫn trong tiếng chuông Chùa vẫn lẩn khuất phía sau như vút lên rời rạc không hồn. Tiếng súng chát chúa dòn tan kèm theo tiếng M79 nổ và Tiểu đội tấn công đã qua khỏi ngách hang mất hút từng người. Thuộc loại núi đá vôi nên bên trong có rất nhiều hang động và ngõ ngách...có đường xuống rất sâu cũng như lên tận đỉnh. Thời gian nặng nề trôi. Không gian đã bặt tiếng chuông Chùa...tiếp diễn trận chiến trong cái hang ngách núi đá chật hẹp lại bùng lên như bị hãm thanh và ấm hẳn. Một người lính vụt chạy ra hấp tấp với cánh tay suội lơ máu nhỏ thành giọt và người ta đang khiêng ra một người đã ngẹo cổ sang một bên nhìn trên ngực thấm đẫm máu. Lại cái yên lặng nặng nề bao phủ đồng nghĩa với cuộc tấn công đã bị bẻ gẫy. Mặt trời đã cao vàng ánh bên ngoài, xa xa đàn cò trắng bay thấp ngang mặt vẫy cánh nhịp nhàng lướt trôi. Một Tiểu đội thay thế đã vào trong hang với mặt nạ chống hơi cay và loạt đạn M79 khói cay được bắn vào ngách hang, nơi địch quân đang cố thủ. Tin tức được loan truyền, Đại đội trưởng đại đội A đã thiệt mạng. Ông ta lãnh nguyên một băng AK vào lồng ngực. Gió tự nhiên đổi chiều mang theo mùi nhang khói có lẽ đã xong giờ nhật tụng?!  Chiến trận bên trong từ từ tiếng súng nhỏ dần rồi nhỏ dần. Người ta đang mang ra khỏi hang những xếp quần áo. gạo, muối và những bao đựng cá khô...nhưng chưa một tên địch nào bị hạ. Cuộc lục soát tạm ngưng, sào huyệt đã được tìm thấy nhưng chắc chắn sự truy lùng sẽ vào giấc chiều. Tin nhanh đã có 31 Biệt kích bao gồm Mỹ, Nùng, Thượng, Việt thiệt mạng trong trận đánh đêm qua. Phía địch quân 38 xác chết tại trận, 9 bị thương và bị bắt làm tù binh...Trận đặc công quyết tử xứng danh với Biệt kích!  Cuộc so găng nẩy lửa ngang tầm nhưng Việt cộng thất bại ở giai đoạn đào tẩu...Không một đặc công nào thoát ra được cùng số nội công ém trong trại. Người ta cần tìm ra những bằng chứng để chứng minh địch quân phần nào có liên hệ tới ngôi Chùa trên núi và những người cư ngụ tu hành. Trận chiến lúc này địa thế chật hẹp phải dành từng bước càng lúc càng lên cao. Có một điều chắc phía địch họ cũng có mặt nạ chống hơi cay. Đơn vị đầu đã đi đến tận cùng của ngách hang với ba cửa hang nhỏ ở phía trên. Rất may địch chỉ lo đào tẩu hoặc có rất ít đạn nên dành cho lúc cần thiết. Buổi chiều đi thật nhanh và bóng tối bao phủ. Tiếng chuông chùa lại vang lên âm u có phần hơi lạnh của gió lùa. Tiểu đôi 57 ly của chúng tôi được điều xuống núi án ngữ hai đầu đường.
-Đêm qua mau, đằng đông trời hừng sáng. Có vài chiếc xe Jeep loại "chỉ huy" đến và mọi người đều nhìn lên vách núi thẳng đứng song song với con đường. Trên lưng chừng núi có bóng người cầm tấm panal vây vẫy. Tôi hiểu ra ngay cuộc truy đuổi đã đến tận cùng nhưng chưa thấy một tù binh hay một xác chết nào. Một đơn vị đang đi vào chân núi cùng những cánh tay đứng gần chỉ trỏ lên cao dáng hiểu biết và tranh cãi. Tin tức cũng nhanh chóng được truyền miệng...Địch quân đã thoát ra được ngoài hang và hiện nay mất tích để lại tại trận hai cây AK. Người ta đang truy tìm dấu vết từ những cây gẫy và khẳng định địch đã thoát bằng con đường bu, tụt xuống từ vách đá thẳng đứng...Nơi mà không một ai có thể ngờ. Nhìn địa thế tôi nghĩ ngay đây là một phép lạ, không bởi con người mà là sự bốc hơi thần bí...  Hay trong trường hợp này sự đào thoát đã được tính toán từ trước bởi với vài cuộn dây người ta có thể xuống ở chỗ núi thẳng đứng. Cuộc hành quân đã thất bại cùng căn cứ bị xâm nhập đánh phá. Chiến tranh là như thế và tôi liên tưởng đến câu nói "Người Anh luôn thua trận...trừ trận cuối cùng..."
-Khóa học kết thúc và tôi được điều về Đại đội A Trung đội 2...Trung đội trưởng là Trung úy Bauso...sĩ quan đã huấn luyện chúng tôi. Người ta đã điều tra và bắt thêm năm người lính ở Đại đội an ninh chuyên lo việc gác Trại. Vọng gác cao kế cận vọng gác mà đặc công Việt cộng giả đăng lính để hoạt động và là con đường địch đã xâm nhập Trại cũng lòi thêm ra hai người có một người Nùng tên Sân kính Lục phục vụ tại nhà bếp. Một đơn vị Công binh Mỹ đang sửa sang lại Trại và công việc lại bình thường theo đúng chức năng của căn cứ.
-Đầu Xuân năm 1969 đơn vị được lệnh hành quân. Tiểu đoàn Phi hổ Nùng (Haymaker force) cùng Đại đội người Thượng (Hatchet Force) phối hợp. Cầu không vận được thiết lập và từ Quảng trị toàn quân số được nhanh chóng đẩy vào trận địa. Bầu trời nhiều mây...trên chiếc C46 trực chỉ mục tiêu...Có những giọt mưa lăn ngoài ô cửa trực thăng cùng cái gió lạnh rét...lắm khi ùa thốc vào tầu. Ánh nắng chợt lóe sáng đẩy lùi mây mù như vất chúng về sau. Ngàn xanh trải dài phía trước nhưng nhìn lại loang loáng màn sương. Ngoài kia, những chiếc C46 như đám sâu ngậy ngọ tìm mồi xen lẫn những H34 đen rằn cố bay theo. Ngoài rất xa xuất hiện chiếc F đen thui càng lúc càng xa và ánh nắng chói lòa trên vạt núi mé trái. Một đám sương cô đơn lại thốc vào tầu. Ngồi gần tôi trung sĩ Harris Tiểu đội trưởng tiếc rẻ rít vội vài hơi thuốc rồi nhìn cười cùng Trung úy Bauso Trung đội trưởng...khi bắt gặp ánh mắt và gương mặt nghiêm mà e ngại vất thẳng vào tay cầm điếu thuốc. Trung úy thẳng tay ra hiệu chuẩn bị cùng lúc trực thăng dần nặng nề đi xuống. Làn gió mạnh quất vào tầu xốn sang trên da mặt và tiếng của cánh quạt trực thăng thình lình thay đổi vẻ nặng nề, nhát gừng...to hơn cùng loang xa. Trực thăng đáp đất và người đầu tiên Trung úy Bauso nhanh chóng rời tầu theo sau toàn Trung đội. Trực thăng bay đi để lại ngọn gió như đẩy mọi người lùi xa. Bất chợt tôi nhìn lên trời...tầm dưới là đoàn trực thăng và trên rất cao chiếc OV10 trắng bạc lững lờ chỉ huy. Lệnh di chuyển...Trung đội tức thời rời bãi đáp bỏ lại Bộ chỉ huy Tiểu đoàn tiếp tục điều không. Chiếc A1 vừa lên sau loạt bom bi nổ tràn lan mé phía trái. Đại đội A di chuyển...chúng tôi đâm sâu vào rừng cây mỗi lúc một dầy và tối. Muỗi xuất hiện trên đầu và vắt dưới chân. Thời gian dần trôi...tiếng của trực thăng không còn trên bầu trời nhưng hai A1 đánh phá quanh vùng theo sự chỉ huy của chiếc Covey (OV10) bay trên cao. Trung úy Bauso vẫn luôn bận bụi với máy truyền tin do Trung sĩ Eller (Radio man) đi kế cận thường truyền lại lệnh từ chỉ huy Tiểu đoàn. Một khoảng nắng vàng hoe chiếu trên đoàn quân phía trước rồi lại ngăn cách ngay bời bóng rậm tàn cây và những người lính như đi vào con đường hầm mịt mù bóng tối. Bầu trời lúc này vắng lặng còn lại duy nhất chiếc OV10 bay tiếng êm như ru ngủ. Trung đội trưởng Biệt kích Trần pảnh Lầm đi bên người lính mang "Thần hoàng..." người Nùng gọi là "Xính dề..." đi hành quân. Người này luôn thắt một khăn đỏ trên đầu súng...Và đây là tín ngưỡng của người Nùng. Trong căn cứ FOB 4 người Mỹ phải chấp nhận lời yêu cầu lập một Miếu thờ của người Nùng...bất cứ cuộc hành quân nào họ cũng đều mang theo "Xính dề" gọi là để phù hộ và bảo vệ đoàn quân. Tinh thần tôn trọng tự do tôn giáo của người Mỹ quả thật không ai sánh bằng...Rõ ràng nơi đây...nơi một căn cứ quân sự hiện đại lại nhang khói cổ kính...cúng vái thường ngày "lên Đồng" hàng tháng!  Người Nùng là một thiểu số có xuất xứ từ Trung quốc. Họ di cư về phía Nam và lập nghiệp trên đất Việt. Dần dà đã trở thành một sắc dân của Việt nam với đầy đủ quyền sống và nghĩa vụ. Người Pháp đã đi khỏi đất nước Việt nay đến người Mỹ vào thay thế...Học thuyết Domino của họ ra đời sau thất bại tại Trung quốc, Triều tiên, Điện biên phủ v.v với toàn Hoa lục một nửa Triều tiên và Việt Nam bị Cộng sản nhuộm đỏ...Quân đội Mỹ đổ vào miền Nam Việt nam để ngăn bước tiến Cộng sản thập thò thôn tính toàn Đông dương. Guồng máy chiến tranh được hình thành và chương trình OP 35 được giao cho đơn vị SOG  chuyên trách về hành quân Biệt kích của Bộ tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt nam...Đúng nghĩa cái mắt xích của cỗ máy. Sự hợp tác quân sự của chính quyền miền Nam và Mỹ quốc bước vào giai đoạn vai kề vai...chung nhau góp sức. Sở Liên Lạc con đẻ của Nha kỹ thuật...đơn vị chuyên trách về tình báo quân sự của Quân lực Việt nam Cộng hòa được hình thành để hoạt động đối nhiệm với OP 35...một phần trong kế hoạch người Mỹ được tuyển mộ những sắc dân thiểu số để làm lực lượng cho riêng mình dưới sự trợ giúp tuyển mộ của những cán bộ Sở Liên lạc- Nha kỹ thuật. Một dạng Lê dương mới của thời đại...nhưng không có nhiều thành phần:  Thất chí chán đời, đào ngũ, phạm pháp, thích phiêu lưu mạo hiểm, tuyệt vọng trong tình yêu hay ý tưởng đoạn tuyệt với xã hội v.v. như những binh đoàn Lê dương thuộc Pháp. Nên người ta chả lạ gì đơn vị chiến đấu của người Mỹ này gồm đủ mọi sắc dân Nùng, Thượng, Thái, Thổ, Mèo, Mán, Mường v.v. Vào những năm đầu người Việt chỉ có một số rất ít được tuyển mộ bởi không được ưu tiên. Người Mỹ đặt tên cho đơn vị này là SCU (Special Commando Unit) và còn được gọi là Thundering Tiger để chỉ riêng một trong đơn vị Commando của họ.Về phía Sở Liên Lạc/ Nha kỹ thuật gọi là Lôi hổ... Sở Liên lạc hoạt động đối nhiệm với vai trò cố vấn, trợ giúp nhân sự, tuyển mộ và phụ tá hành chánh...Còn tất cả do người Mỹ điều hành, trực tiếp chỉ huy và quan trọng dĩ nhiên họ trả lương. Vì vậy ý tưởng "ai trả lương...người ấy có quyền" hình thành ngay từ thủa ban đầu thành lập.
-Ngày qua đi rất nhanh. Bóng chiều còn sót lại giờ tắt hẳn. Nhìn bầu trời những đám mây nhỏ liền nhau giống vẩy con tê tê đan kín một vùng. Cả ngày đầu hành quân Đại đội A đi đầu ngoài ba vụ bắn tỉa, quấy rối của địch không làm chùn bước tiến vào mục tiêu. Đội hình được phân nhiệm: Đại đội A đi đầu. Đại đội B giữa có Bộ chỉ huy Tiểu đoàn đi theo. Phần đoạn hậu Đại đội người Thượng. Bữa cơm chiều qua nhanh còn để thì giờ cho việc lập vị trí đóng quân đêm. Cạnh tôi giữa hai tảng đá có hình như con rùa...cây đại liên M60 được bố trí dưới sự chỉ huy của Tiều đội trưởng Trung sĩ Harris. Thoảng trong không gian "nhạc rừng" giờ này...rất khác với ban ngày... Bắt đầu trỗi lên trong tiếng đêm vọng từ xa thú thét kêu hoang. Bóng đêm đen đặc quánh bao phủ lẫn trong làn sương theo gió lùa lạnh buốt. Tiểu đội đã xong việc cắt gác và luân chuyển chiếc đồng hồ hành quân của Harris. Chúng tôi cũng đã thực hiện xong những hố chiến đấu quanh khẩu đại liên M60. Đêm buông dần lẫn sương mù càng thêm dày đặc. Tiếng của loài chim săn mồi nghe có phần thê lương, ma quái và thoảng trong bóng tối mịt mùng một tiếng hú cất lên nghe giống như người chứ chẵng phải loài thú!?   Có tiếng ồn ào phía trước và bước chân dồn dập trong tiếng gầm gừ cuống họng như muốn thét lên tuy nho nhỏ nhưng đủ rõ để mọi người chú ý và thình thịch những cú dậm chân trên đất. Một người nói bằng tiếng Nùng rồi tôi hiểu ra trò "lên đồng" hàng tháng đang diễn ra ngay cả lúc đêm tối hành quân. Trong không gian thoảng mùi nhang đốt rồi nồng nặc theo gió. Óc tò mò trỗi dậy tôi cố dõi theo bóng người đang lăng xăng miệng xấm xì nói với nhau...và ánh lửa hồng hất lên vài gương mặt trong tối đen nhưng không tỏa ra xung quanh. Người ta đang cố chặn lại những đốm lửa bằng cách căng ra vài chiếc poncho đi mưa để che lấp ánh sáng...Nghi thức tín ngưỡng được diễn ra trong phạm vi không quá hai mét vuông!  Đàn chim lợn vừa bay ngang gây ồn ào có con "sủa" vài tiếng the thé vào đoàn quân. Thình lình súng nổ rền vang và tiếng chân chạy gấp gáp gần bên. Bầu trời phía sau nơi vị trí Đại đội Thượng bùng lên ánh lửa kèm theo tiếng đanh đảnh của tràng đạn đại liên M60 trộn hẳn như bốc lên cao và đi xa. Văng vẳng đã nghe thấy tiếng người reo hò rồi dùng dằng trong không gian súng đạn và tiếng nổ. Trời bỗng trở gió quật vào mũi mùi nhang khói lúc này hiển nhiên làm tôi khó ngửi. Ngoài kia chiến trường ngưng ngang tiếng súng và chỉ bằng vào cái quay đầu  nhìn ra sau lại bùng lên dữ dội hơn trước thêm những ánh lửa phụt cao xuyên thủng trời đêm theo sau tiếng người hò hét vang lừng... Đại đợi Thượng đang bị địch quân tấn công. Bất chợt tôi nhìn đồng hồ...chỉ còn mười phút nữa thì đồi ca gác cho đồng đội Trung ruồi. Mới gần mười giờ đêm sao lắm chuyện vậy. Ngoài kia hàng phòng tuyến những trái mìn M14 gài vẫn im lìm chờ đợi. Chiến trường giờ rời rạc tiếng súng. Một trái hỏa châu đang treo trên trận địa như giúp xác định lại vị trí sau cuộc tấn công nhưng chưa nghe tiếng nổ của cối 60 ly từ Bộ chỉ huy Tiểu đoàn. Tôi đổi ca gác rồi quay về vị trí của mình. Bên kia tiếng rầm rì nói chuyện và bó nhang đốt "Xính dề" đã được tắt tự bao giờ. Bóng đêm bao phủ ...giăng giăng tiếng đêm rừng cùng gió quẩn với sương mù. Cuộc thử sức đầu tiên vừa diễn ra...chóng vánh và chưa phải là cú nốc ao!  Một mùi hương hoa lan theo gió dịu mát làn sương. Rừng đêm đặc quánh mầu đen. Cố để ngủ nhưng không sao chợp mắt. Tôi bắt đầu đếm số ngược lại từ một trăm...để không cho ý nghĩ vẩn vơ dằn vặt...nhưng chỉ đến số sáu mươi...hình ảnh Mẹ tôi lại ngự ngay trong trí. Cố tâm gạt lược dứt khoát cắt bỏ...miệng trở lại đếm số tiếp tục. Thế rồi người tôi như chơi vơi vào kiếp khác...hoàn toàn xa lạ và có một cái gì đó bồng bềnh dần trôi.
-Đoàn trực thăng đang vòng trên bầu trời. Nắng đã le lói ngọn cây. Hai chiếc Cobra xạ kích vào những điểm nghi ngờ...Công việc tản thương được thực hiện trên những chiếc H34 Kingbee. Đại đội B Nùng thay thế đang di chuyển để dẫn đầu. Đại đội A chúng tôi đi đoạn hậu. Bầu trời xanh trong nắng. Bóng của những người Thượng lấp ló từ hàng xa tiếp vào đội hình dần lên thấy rõ người Mỹ Tiều đội trưởng cao ngất ngưởng, dáng to. Từ một nơi xa, cả nửa vòng trái đất...Họ đến đất nước này chiến đấu chỉ để ngăn làn sóng Cộng sản thôi sao? Hay còn có những lý do khác? Dẫu có sao, nhưng nghĩa cử ấy trong lúc này thật cao thượng và giầu nghĩa khí.  Trời trở gió mang bớt đi lớp sương đêm cùng làm rơi những giọt sương tụ trên lá.. Tôi nhận ra Bộ chỉ huy Tiểu đoàn vừa di chuyển ngang qua với cái dáng cao kều của Thiếu tá chỉ huy hành quân. Một chiếc Covey đang ở trên vùng và tiếng của nó như lời mời "hãy vào cuộc chơi..." Mặt trời vừa khuất sau đám mây đen và rừng bỗng tối xầm nhưng ngoài kia vẫn ánh vàng rực rỡ...mây đen trôi nhanh cùng nắng lại bất chợt bừng sáng. Đoàn quân di chuyển trên một con đường...quả đây là sự thách đố có chủ ý của người chỉ huy. Những cây ớt mọc điểm dọc theo luống khoai môn dài thẳng và tôi chưa biết nó ngừng tại đâu? Nhưng chắc chắn  đây phải là nơi canh tác của địch. Những giàn su su trĩu quả được buộc vào từng gốc cây và một khoẳnh trống nhỏ gần bên có luống ngò gai xanh đẹp. Chiến thuật vừa chiến đấu vừa canh tác của địch được áp dụng ngay từ bước khởi đầu cuộc chiến...vượt Trường sơn...Quân đi trước dành phần ăn cho đoàn đến sau. Nắng đã ở gần đỉnh đầu. Đoàn quân di chuyển đi sâu vào rừng bỏ lại ở sau vùng đồng bằng cây thưa thớt...nơi cao trồng củ, hạt...dưới thấp những miếng đất cấy lúa đang nhe đòng chờ chỉ nay mai cho hột. Nhìn thẳng vào mầu xanh cây lúa theo từng miếng đất canh tác...vá víu, lốm đốm, thấp cao như lưng một con chó đốm...có nơi chỉ khoảng hai mươi mét vuộng. Lệnh đóng quân để ăn trưa với thời gian ấn định là ba mươi phút. Muỗi bắt đầu lại kéo đến...tôi tự bật cười nghĩ với cả một Tiểu đoàn thì cứ tha hồ!  Rừng cây rậm phủ bầu trời cùng ánh nắng bắn những hạt kim cương theo cơn gió...vãi xuống xao động và lung linh. Thời gian trôi thật nhanh tôi cũng vừa ấn xong gói cơm sấy vào bụng rồi theo lệnh di chuyển. Lũ khỉ trên cây tiu ngỉu nhìn chúng tôi ăn...Giờ này ồn ào như to nhỏ gì với nhau khi mọi người đứng lên...hình ảnh mà chắc là chúng vô cùng lạ lẫm. Trung sĩ Harris vừa lôi ra từ lưng một con vắt đã tròn vo, miệng chửa thề lầm bầm.  Một cây cổ thụ phía trước trên địa thế lên cao và những người lính mất hút từng người như chui tọt vào trong. Bỗng tiếng súng vang dội xé toạc khu rừng...giây phút qua nhanh và tôi xác định là từ phía Đại đội dẫn đầu...có thể là Đại đội B bị phục kích. Tiếng của người Thông ngôn truyền lại lệnh bằng tiếng Nùng và mọi người tại chỗ lập vị trí chiến đấu. Tiếng súng mỗi lúc một dữ dội...xôi động hơn vẫn là những khẩu đại liên M60 uy mãnh cùng lựu đạn và M79 nổ. Nắng bây giờ ngước mặt là thấy và một làn gió mang từ trận địa mùi thuốc súng thoang thoảng. Thời gian trôi cùng  súng đạn...một loạt tiếng hò hét vang dậy trong tiếng súng dồn dập...Tôi chắc một điều lệnh tấn công đã được thi hành trong chiến thuật "Biệt kích" sau loạt dùng hỏa lực. Đơn vị nhanh chóng tiến chiếm ngay mục tiêu kèm theo tiếng hò hét xung trận...bằng vũ khí hay cả cận chiến. Tiếng đại liên đanh đảnh bùng lên yểm trợ hai bên mũi nhọn tấn công theo bài bản chiến thuật và rồi trận địa bỗng trầm hẳn như có cơn gió mạnh thổi bay đi đâu hết! Lệnh di chuyển trong tiếng súng rời rạc đồng nghĩa với việc đã thanh toán xong mục tiêu. Theo tay chỉ của người lính đi trước hai chiếc A1 hiện diện trên trời mây trắng. Thời gian cứ như đám lục bình dần trôi theo con nước. Tôi đã thấy bóng của những người Thượng ở phía trước và trên một gốc cổ thụ Bộ chỉ huy Tiểu đoàn cùng hai máy truyền tin người người bận bịu. Tiểu đoàn đang lập một vòng cung bao vây. Trên đầu tiếng của chiếc Covey theo sau trái rocket được bắn ra chỉ điểm mục tiêu. Thời gian xác định đã chuẩn và rồi A1 Skyraider bắt đầu lâm trận. Đại đội A chúng tôi vẫn tiếp tục di chuyển bên mé phải trận địa cùng loạt bom bi nổ tan tác phía trước. Ngọn gió mạnh từ dưới lũng ào lên gần ngang tầm mặt trời...xôn xao trên tầng cây. Bóng chiều in dài chạy suốt ngàn xanh và đi vòng theo núi. Chiếc A1 vừa lên để lại đường dài lửa bùng theo sau khói bốc cao. Đại đội ngừng di chuyển và lệnh lập vị trí chiến đấu. Trên cao chiếc A1 vừa gầm lên loạt đại bác. Rừng cây cao dầy nhưng tương đối quang đãng phía dưới...chỉ chen nhau và rõ mọi gốc cây. Rất ít cây chồi non hoặc đã bị chặt bỏ. Thời gian qua nhanh cùng hai chiếc A1 đã rời trận địa. Tiểu đội vừa đào xong hố chiến đấu và cây đại liên vững vàng chờ đợi. Ông mặt trời đi từ lúc nào? Trời dần tối sau bữa cơm chiều vội vàng và thi thoảng cơn gió se lạnh mang theo mùi sương giá. Tiếng chim ăn đêm ngang qua gọi nhau...Vẳng theo gió thú rừng trong xa như vào hội có khi sung sướng kêu thét lên! Não nuột nhất vẫn là con chim đất ở lì nơi khe trước mặt...nó kêu những tiếng tuy nhẩn nha nhưng ám chỉ đến bức rức trong lòng và một sự gì đó được cảm nhận sắp diễn ra?!  Đêm nhanh chóng bao trùm. Biệt kích quân Trung ruồi bắt đầu phiên gác. Thả hồn theo tiếng "nhạc đêm rừng" tôi vỗ về tâm trí...may mắn thay...chìm vội vào giấc ngủ có lẽ bởi một ngày đường mệt mỏi.
-Bừng tỉnh trong giấc ngủ mệt nhoài khi có người đánh thức. Nhận chiếc đồng hồ gác đêm và bổn phận của mình bên vị trí đặt khẩu đại liên cạnh người xạ thủ dáng ngủ co ro. Hình như có tiếng ngáy ở đâu đây và hơi lạnh buốt..."mẹ kiếp" tạt vào mặt rồi cảm tưởng đi xuống tận bụng. Tiếng gà nghe dồn dập xen âm cả thanh lẫn trầm, gần như chúng gáy đua và bất phân thắng bại. Thời gian chồng lên nhau...đây là lần thứ ba đổi thế ngồi, tựa hằn lưng vào bạnh gốc cây tôi như dán người khép vào trong. Có ai ho vào vạt tay áo như dùng dằng khó chịu đồng với tiếng gà gáy và những chiếc áo đi mưa bỗng trở mình sột soạt. Nhìn vào đồng hồ kém mười lăm phút là năm giờ sáng. Xa xa trời đã bớt tối và phiên gác chót sướng thật chả lẻ loi tí nào.
-Mặt trời chứa chan trên ngàn xanh, có những vạt sương trắng xóa lác đác giải lụa bám chặt như khẽ di động. Tiều đội gỡ mìn phóng thủ đã xong nhiệm vụ và lệnh di chuyển. Tin tức truyền miệng Đại đội B Nùng đã chiến thắng và chiếm giữ được cả một kho lương thực phần nhiều là gạo cùng một nhà chứa vũ khí đạn dược. Harris hôm nay đi cạnh tôi quay lại nói "Chúng ta đi tới bãi đáp và sẽ ra khỏi vùng..." Vốn tiếng Anh của tôi chỉ đủ để giao tiếp phần chuyên môn thì cần phải học thêm. Khu rừng bỗng ngập tràn tiếng chim và bóng của hai chiếc A1 bay ở đằng Đông vừa qua khỏi mặt trời một tí. Đường di chuyển xuyên rừng mỗi lúc một dốc lên với cây cao thưa thớt. Có tiếng nổ lớn sau lưng và rồi súng nổ tràn lan. Harris vừa cười quay lại nói với tôi "Người ta phá hủy kho gạo và đạn dược." Đại đội đã ra khỏi khu rừng. Không khí thoáng đãng và gió lộng...Có lẽ ngọn đồi là bãi đáp. Một đàn chim di cư vẫy cánh khoan thai theo đội hình bay hơi cao về hướng Nam. Đại đội được lệnh tổ chức phòng ngự và tác chiến để chờ trực thăng. Hai A1 vẫn bay vòng phía trên và thêm chiếc Covey lững lờ trên cao. Cái nắng ấm ngập tràn và không chút sương mù. Theo tay chỉ của Trung úy Bauso...Ở hướng Đông những đốm đen như những hạt đậu dần lớn dần. Đại úy Đại đội trưởng đứng nhìn mặt trời trước mặt hai tay đưa lên cao lớn tiếng "good morning Việt nam." Bốn chiếc Cobra đến trước lượn vòng chờ lệnh. Lệnh triệt xuất...Theo đội hình Trung đội chúng tôi sau chót và nhiệm vụ của Harris là thả trái khói kết thúc không vận...được ấn định mầu khói tím. Bên mé trái , bên kia đồi chiếc CH46 vừa lên...Chuyến đầu chỉ có thể là những người chết và bị thương hay còn có nghĩa Tiểu đoàn được triệt xuất cùng một lúc tại hai bãi đáp...Báo cáo về Tiểu đoàn do người Thông dịch tiết lộ đã có 14 người chết và 10 bị thương trong đó có 3 người Mỹ. Bốn Cobra quần đảo ngoài xa yểm trợ...xạ kích vào những điểm nghi ngờ. Còn hai A1 vẫn trong vùng cùng Covey tận trên cao. Chiếc CH46 có hình con Ó trắng của Sư đoàn 101 Nhẩy Dù Mỹ vừa rước xong người lính cuối cùng và Harris thẩy ra trái khói. Trên cao nhìn xuống hai vệt khói tím bốc cao kết thúc hành quân...Trận đột kích được chỉ điềm bởi một Toán thám sát trong trại.
-Cuộc hành quân cấp Tiểu đoàn vừa qua là bước đầu cho những cải tổ trong đơn vị. Tiểu đoàn Phi hổ Nùng giải tán. Người Mỹ đã sa thải khoảng gần một nửa quân số Tiểu đoàn. Những Biệt kích quân tỏ ra kém khả năng hiền nhiên bị loại trừ...Từ cấp số Tiểu đoàn nay còn một Đại đội...Đại đội A Nùng Hatchet force. Căn cứ Biệt kích (FOB) tại Phú bài cũng được sát nhập vào Trại và danh xưng CCN từ nay chính thức được dùng thay thế cho FOB...dù rằng CCN đã được thành lập từ vài năm trước (trong vòng bí mật) Phía Việt nam gọi là Chiến đoàn 1 xung kích. Thời điểm này cán bộ Sở liên lạc. Nha kỹ thuật mỗi ngày đến Trại một đông. Người Mỹ chấp nhận chuyển giao một phần chỉ huy và chia sẻ công tác của đơn vị cho Sở liên lạc...Mười Toán Thám sát Việt nam được thành lập bằng việc lấy từ các Toán Thám sát trong Trại và Đại đội B Thượng Hatchet force cũng được giao cho cán bộ Việt nam...Tất cả được hình thành là thế để phù hợp với chương trình "Việt nam hóa chiến tranh" của chính quyền Mỹ. Nhưng mọi điều hành đều do người Mỹ nắm giữ vì họ có đầy dủ phương tiện. Lực lượng trong CCN lúc này sẵn sàng một Đại đội Thám sát khoảng 40 Toán. Hai đại đội xung kích...Đại đội A Nùng và B Thượng. Thời gian này tôi được cất nhắc lên làm Thông dịch cho Đại đội A Nùng mới vừa cải tổ và với nhu cầu về quân số tôi chuyển qua Đại đội Thám sát phụ trách Thông ngôn cho Toán Hải Sơn...Toán Việt nam vừa thành lập lấy từ Toán Indiana chuyển giao. Toán trưởng Thiếu úy Bửu Chính.
-Đại đội Thám sát (Recon Company) đơn vị chính yếu của tổ chức "Hành quân Biệt kích" OP 35. Từng Toán biệt lập trong công tác, huấn luyện và cả nơi ở. Mỗi Toán một phòng riêng phía ngoài gắn bảng tên Toán và phù hiệu đơn vị. Biệt kích quân trong một Toán có cấp số là 10 người nhưng phần đông chỉ 7 hoặc 8...gồm Toán trưởng, Toán phó Biệt kích, một Thông ngôn còn lại là Biệt kích quân. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Toán trưởng, phó người Mỹ. Thành viên trong Toán được khuyến khích để chỉ biết tuân hành và phục vụ lệnh của Trưởng toán mình. Ngoài vũ khí, đạn dược và quân trang quân dụng cho mỗi người còn được lãnh thêm một rương có khóa...ngủ giường nệm. Nhất là  nuôi ăn ngày ba bữa và lương tháng gấp hơn hai lần người lính Binh nhì Việt nam cộng hòa. Riêng lương Thông ngôn gấp năm lần. Ngoài ra khi chết trong công tác sẽ được hưởng 13 tháng lương cho người được ủy quyền. Sự ưu đãi ...rất đúng với câu "nuôi quân ba năm chỉ sử dụng một giờ.".  Trại đang trong thời gian cải tổ. Mười Toán được giao cho Nha kỹ thuật...chỉ huy bởi một sĩ quan một Hạ sĩ quan làm Toán trưởng Toán phó. Đó là những người tình nguyện được tuyển mộ từ các quân trường và tu nghiệp thêm tại Trung tâm huấn luyện Biệt kích Long thành. Đại đội B xung kích ngưởi Thượng cũng được chuyển giao...Đại đội trưởng là một Đại úy người Việt cùng bộ chỉ huy có vào khoảng mười lăm sĩ quan và hạ sĩ quan Việt. Người Mỹ nắm giữ lực lượng còn lại trong Trại gồm Đại đội A Xung kích Nùng và khoảng ba mươi Toán Thám sát...đặc biệt có hai Toán Việt cộng chiêu hồi (Earth Angel) Tất cả được đặt trong một căn cứ hiện đại...Với Bộ chỉ huy căn cứ, Trung tâm hành quân (TOC) dưới hầm sâu. Pháo đài phòng thủ Trại (ALAMO), Sân trực thăng, Nhà kho, Bệnh xá, Khu cấm (Isolation) Đài 22 mét thực tập, ba Câu lạc bộ, hai nhà bếp, khu nhà chiếu phim giải trí, nhà máy phát điện và bảo trì quân xa. Dưới sự canh gác của một Đại đội biệt lập không tác chiến (Security Company) Đó là căn cứ CCN (Command and Control North) đóng tại Đànẵng. Trước đó được ngụy trang dưới tên FOB 4 (Forward Operation Base 4) Được thành lập vào tháng 11 năm 1967.  Bí mật vẫn là nguyên tắc sống còn của sắc lính Biệt kích.
-Đã qua đi hai mùa Hè tại CCN. Nắng chang chang đổ xuống cát biển càng làm thêm khó chịu cho đôi mắt . Bài học chiến thuật phục kích bắt tù binh dưới sự hướng dẫn của một sĩ quan người Mỹ cũng đã kết thúc. Toán trưởng Bửu Chính tuyên bố nghỉ giải lao...chỉ còn mục tác xạ súng phóng hỏa tiễn M72. Biển mênh mông phía trước và bên trái ngọn núi Sơn chà de hẳn ra biển. Vị sĩ quan người Mỹ công bố chương trình ngày mai nhân lúc giải lao...sáng tụt dây tại đài 22 mét...chiều chiến thuật  tổ chức đột kích đường mòn...Biệt kích quân ( hành động) chỉ có huấn luyện và công tác xâm nhập...đi phép sau công tác cùng tiền thưởng.
-Năm 1970 quân đội Mỹ đã rút những đơn vị ở trong sâu lãnh thổ Việt nam cộng hòa. Họ chỉ còn hiện diện tại các căn cứ lớn dọc theo bờ biển và những sân bay trong việc lần lượt rút quân khỏi Việt nam...có nghĩa không còn cung cấp đủ phương tiện cho chiến trường. SOG nói chung và CCN đang lâm vào tình thế bất lợi...chiến đấu trong đơn độc...nhất là những cuộc hành quân cấp Đại đội Hatchet Force. Đơn vị trong tình trạng mọi nhu cầu bị cắt xén nhỏ nhất là số lương trả cho Thông dịch viên...nay bị cắt mất một phần năm vì cho là cao. Tóm lại đơn vị hoạt động bằng những gì đang có mọi yêu cầu đều không được đáp ứng!  Trong khó khăn hiện tại nhiều chỉ dấu cho thấy địch quân đã thành lập những đơn vị chống Biệt kích và họ tỏ ra hữu hiệu có thể nói là xuất sắc. Ngoài ra các Toán Mỹ được lệnh không được phép vượt biên. Họ chỉ hoạt động trong nội địa vì thế mục tiêu ngoại biên đều do các Toán Việt nam đảm trách. Bắc việt đã củng cố lực lượng sau thất bại Mậu thân. Lợi dụng sự bỏ ngõ của quân đội Mỹ cũng như thỏa thận theo chính sách "đi đêm" của họ...Trận chiến bước vào giai đoạn "đánh và đàm..." Người Mỹ không còn sự quyết tâm chiến thắng như lúc ban đầu. Quân sự và Kinh tế đang được chia đều...ảnh hưởng từ Nga Tầu. Cái mối lợi khổng lồ từ thị trường mênh mông của Hoa lục đã làm mờ mắt những con người hoạch định chính sách của chính quyền Mỹ...dù biết rằng sẽ phải trả giá trong tương lại...một khi "Tiền đồn Miền Nam Việt Nam" rơi vào tay Cộng sản. Những lệnh lạc mà giới quân sự đều không muốn nghe nhưng đành chịu vậy...họ chỉ tỏ ra đôi chút bất mãn và thúc thủ thi hành...Dưới chuyển biến ngầm con thoi giữa các bên đàn anh dính líu tới cuộc chiến...người ta thỏa thuận và ngã giá với nhau. Nga Tầu vẫn là cái bóng "đen thấn sầu..." ám ảnh người Mỹ không thôi!  Đông minh Việt nam Cộng hòa đứng trước nguy cơ bị bức tử.
-Màu xanh của biển dịu mát với làn sóng tung tăng vỗ lên bãi cát nắng bỏng chói chan cuối Hè. Trên hàng phi lao xanh mát tránh nắng...lon bia thứ năm mới vừa bị bóp gẫy gập...tiếng kêu của nó như đau đớn nhưng vui tai. Đưa tay vào thùng nước đá tìm lon mới...lại tiếng kêu nhỏ và đanh hơn cùng đôi mắt tôi vừa tìm thấy bộ Bikini mầu xanh uốn éo, lượn lờ phía trước nhưng chưa trực diện với cái nắng và cát nóng. Nhín quanh đã có hai thằng ngủ hay đã sỉn. Bửu chính vừa đi nói là tìm vài con cua hay ghẹ...Toán chúng tôi đang nghỉ phép sau công tác. Năm thằng độc thân rủ nhau ở tại Đànẵng này ăn chơi với món tiền thưởng công tác. Thắng Sơn lại đi kiếm của lạ để "rửa mắt" mẹ kiếp đây là lấn thứ ba hắn tìm vui. Bất chợt tôi dõi theo bóng của hắn qua khoảng trống dưới tầng phi lao và ngạc nhiên thích thú...Dưới bầu trời xanh ngát vùng Phượng đỏ đỏ rực chơi đùa cùng nắng mà sau nó vẫn mầu xanh phi lao trên đồi cát trắng...Quá khứ lại ùa vào lòng...cồn cào những kỷ niệm như tôi đang uống từng ngụm bia. Thủa học trò với...chơi và học...thỏa thích vui trong tình bè bạn, trường lớp...lắm lúc ngậm ngùi sân trường...Rồi đến số phận "thi hỏng" Và hơn hai năm đời lính sau những bước chân dọ dẫm, khật khưỡng vào đời...giờ đây là bề dầy dấu chân. Dĩ nhiên kéo theo  kỷ niệm mới của đời Biệt kích...quả nhiều những giây phút khó quên...Nhận lệnh hành quân. Vào khu cấm. Thuyết trình mục tiêu và lãnh nhiệm vụ. Rồi đến Căn cứ xuất phát...Để từng chứng kiến những cảnh Toán mất tích hoặc chỉ còn cứu được vài ba người hay ngậm ngùi theo chiếc trực thăng ra đi mãi mãi hoặc trở về với hàng loạt đạn lỗ chỗ đếm trên tầu. CCN lập hai Căn cứ xuất phát, một ở phi trường Phú bài được gọi là Mobile Launcher Team 1 (MLT1) còn một ở Quảng trị MLT2. Tất cả mọi cuộc hành quân xuất phát đều từ hai Căn cứ này. Đôi khi hay nói đúng ra là ít khi CCN phải nhờ  căn cứ NKP tại Thái lan (Nakhon Phanom). Chuyến hành quân vừa qua Toán xuất phát từ Quảng trị (MLT2)...Xuống bãi đáp khi vừa chạm đất trực thăng bị lọt ổ phục kích và không thể lên được. Hai phi công chết tại chỗ...cây đại liên trên trực thăng lúc này thật hữu dụng nó áp đảo ngay trận địa và rồi hỏa lực của hai Cobra đã kéo giãn hay diệt được địch quân và chúng tôi được trực thăng bốc lên kèm theo xác hai viên phi công. Cuộc hành quân biến thành cứu phi công lâm nạn. Thời điểm này địch quân thường tổ chức  trong khu vực đóng quân...Họ đặt trạm canh gác những bãi trống mà trực thăng có thể đáp để đánh chặn hoặc theo dõi tận diệt các Toán Biệt kích đổ bộ. Trời đã về chiều nhưng nắng vẫn còn gắt, những cái bóng đổ dài trên cát và ở gần khu hàng rào bên kia ngăn đôi bãi biển dành cho các căn cứ Mỹ...những đứa bé từ hàng phi lao rình mò suốt ngày để bán ma túy. Nơi đây không có mại dâm nhưng ma túy thì lúc nào cũng sẵn. Bãi biển thưa dần rồi trời sập tối, cơn gió từ xa mang theo hơi nước bỗng lành lạnh báo hiệu đêm về. Dưới chân ...tôi nhìn dấu chân in trên cát như những dấu ấn cuộc đời, bất thình lình con sóng chạy ào xóa tan từng bước trở thành cát mịn.
-Bóng của cành cây gẫy gập vì trúng đạn và trực thăng đứng trên hố bom vừa đổ Toán bằng xử dụng dây tụt...đã vội vàng bay xa. Tôi vừa lên khỏi bờ dốc và cả bốn người vụt vội vàng di chuyển. Những thân cây ngã hẳn về một mé còn rất mới lá cây chưa héo hẳn...Chỉ có thể là bom GBU (Daisy cutter)  được thả ngày hôm qua. Từ càng trực thăng... chân đứng và cái búng người...tích tắc sau cú siết dây giảm lực rồi theo con mắt nhìn phía dưới, bàn tay đóng chặt sợi dây điều khiển...chân vừa chạm đất trong lòng hố bom. Cú ngã soài của Thiếu úy Chính vì chân trượt theo dốc hố đổ cả vào người tôi...chữa thẹn hắn "đù mẹ" một tiếng giọng đặc Huế rồi cười thấy cả răng khểnh. Rừng cây âm u và bỗng tối đen. Tôi vội báo xâm nhập an toàn. Nhìn đồng hồ mới sáu rưỡi chiều. Toán tiếp tục di chuyển trong tiếng trực thăng xa dần và bóng đêm nhanh chóng ôm lấy chúng tôi. Một tiếng súng nổ ở hướng Tây...địch ra hiệu gì cho nhau?  Tiếng của thú rừng bỗng rộn bao quanh và phía trái hai con thú gầm gừ như mắng nhau. Biệt kích quân Châu vẻ vất vả để tìm lối vì dây leo đan kín. Toán vừa đi ngang qua gốc cây to lớn mà từ trên cao tua xuống những sợi dây leo vững chãi và khoảng trống nhỏ trước mặt vừa đủ để thây con trăng gần tròn khoảng 13,14 gì đó. Bất chợt tiếng kẻng đánh dồn giã âm thanh như sắc lạnh vang xa. Châu dừng lại và mọi người yên lặng chờ đợi...Thoảng theo gió có sự ồn ào tiếng người như đang làm việc gì đó cùng ánh trăng lúc này lốm đốm trên người chúng tôi nhưng chỉ lờ mờ thấy nhau. Thiếu úy Chính đang xem phương hướng và ánh lân tinh trên địa bàn nhảy múa rồi nhanh chóng tắt lịm theo cái gập nghe một tiếng nhỏ nhưng rất rõ. Một con thú chợt rống lên ngoài xa âm vang trầm ấm xen lẫn lại tiếng kẻng lần này như thúc dục trong nhịp đánh nhanh nhưng vẻ dùng dằng chưa thể loang xa. Bửu Chính quay lại hỏi nhỏ tôi... có nên di chuyển nữa hay thôi và chúng tôi đều biết rằng đường vào mục tiêu đang bị bít...bởi tiếng kẻng. Bốn cái đầu tự dưng dưới ánh trăng lốm đốm trên mặt lúc tỏ khi mờ xì xào bàn tính. Mọi người đều đồng ý đổi hướng tìm nơi thuận tiện qua đêm. Châu bắt đầu di chuyển và từng bước lần mò giữa đêm rừng hình như bắt đầu trở lạnh. Tiếng của con tắc kè buông chậm rãi dội thẳng vào đầu hình bóng ma trơi lúc lắc treo trên cành cao. Một tiếng nổ làm chấn động đêm vắng và phụt lên mầu hồng lửa lan rất nhanh rồi lại bị ánh trăng đẩy lùi trong những giọng reo hò át hẳn "nhạc rừng" Thiếu úy Chính căn địa bàn...Cả Toán đều biết rằng chính xác con đường mà nhiệm vụ chúng tôi phải bám sát, theo dõi hoạt động của nó và giờ đây địch quân vừa phá hủy thành công trái bom loại nổ chậm dính trên đường...Đêm cháy dần như ngọn nến...Ngọn gió bất chợt ào đến mang ngay cái buốt lạnh ngoài sâu. Trăng sáng ngà đã qua khỏi đỉnh đầu và xê dịch dần về Tây. Châu vừa tìm được một hốc đá...Toán đồng ý nghỉ chân qua đêm và Trung sĩ Lê Nam cũng vừa gài xong trái mìn Claymore phòng thủ. Đàn chim ăn đêm bay ngang tôi cũng vừa trông thấy đôi cánh xòe như liệng dưới trăng.
-Trời sáng dần cũng là lúc chúng tôi thức giấc. Lũ gà giờ vẫn còn thi nhau tiếng gáy. Châu đang nấu nước với ngọn lửa xanh chất nổ C4. Nằm dựa người vào vách đá miệng thèm một điếu thuốc kỳ lạ và trong cái bít bùng của chiếc áo đi mưa tôi nhẩn nha thở khói. Hai tiếng súng nổ ở hướng Bắc có lẽ là địch vừa hạ xong con thú vì nếu bắn báo động hay hiệu lệnh thì thường chỉ tiếng một. Tôi tìm chiếc ca nhôm để nầu nước đổ gạo trong ngày rồi còn cả phê nữa chứ...Gói cà phê Mỹ trong khẩu phần nếu uống đen chắc chắn là chua nhưng thêm gói sữa bột hương vị đổi khác hẳn và nếu pha đậm gấp ba tiêu chuẩn thì mới vừa đô của người Việt nam. Nắng đã lên tự lúc nào cùng mọi người sẵn sàng di chuyển. Chiếc máy truyền tin trên lưng hôm nay mắc dịch trở nặng. Lê Nam đã tháo xong trái mìn phòng thủ vá lo xóa dấu vết chỗ ngủ đêm...không quên gài lại trái mìn M14 chống người.
-Ngày qua đi trên đường vào mục tiêu...Con đường nằm im trước mặt...sự vắng lặng đến rợn người cùng cái im lìm đáng sợ. Nó được che dấu giữa những tàn cây cao ngất hai bên nhưng lá cây không thể che phủ màu đỏ au của đất. Nắng chiều ánh lên qua tầng cây xuyên ngang mặt như báo hiệu sự ra đi của ông mặt trời sau thời gian hoạt động. Tiếng chanh chách của con chim mẹ gấp gáp như dục đàn con ăn mồi nhanh đi kẻo tối. Và ngọn gió thổi thốc lên từ dưới lũng sát với con đường đem theo cái lạnh buốt trên da...gương mặt vẫn luôn nóng vì bôi đầy thuốc trừ muỗi. Toán chúng tôi đã lựa được vị trí tốt nhất để quan sát con đường và cũng đã lập xong phương án đào thoát khi bị phát hiện. Miếng cơm đang nhai phải ngừng lại khi thoảng trong không gian có tiếng người nói và dần rõ lên...rồi xuất hiện hai người vừa qua khỏi một gốc cây to nơi mé trái. Bốn gương mặt ẩn trong bụi rậm nhìn nhau...cùng một đồng ý tác chiến. Địch quân nhanh chóng đi thẳng vào hướng chúng tôi như không bị một trở ngại vì nơi ấy có lẽ đã từng là nơi đóng quân nên trống trải không cây chồi non và chỉ còn hiện diện những gốc cây...toàn gốc cây lớn. Một con chim trên cành cao cất tiếng gọi bạn và như thói quen tên địch đi trước bỗng quẹo ngoặt rẽ thắng xuống con đường...Phút nặng nề trôi qua cùng tiếng thở phào và trên gương mặt Bửu Chính đã thấy giọt mồ hôi nơi gần thái dương...dù rằng gió vẫn đưa cái lạnh quẩn quanh. Tôi với lấy gói cơm nhai dở và trong cái bóng mờ của rừng bắt đầu cho đêm về trở lạnh.
-Vấng trăng lên sau lưng tự lúc nào theo sau là một tiếng súng nổ tại phía con đường. Không gian lặng lờ bỗng bùng lên cùng những tiếng động lạ lao xao và có cả tiếng người hú gọi nhau. Cơn gió mạnh thốc lên luồn ào ào rồi một cành cây gẫy nghe rắc rắc...xầm. Tiếng kẻng như đêm qua trỗi lên sát gần bên đập vào tai nghe sắc lạnh và mắt gần như thấy cả vật đang gõ vào nó. Ánh trăng xê dịch lúc này thấy rõ khuôn mặt Trung sĩ Lê Nam nhưng hắn vội quay vào tối. Lại tiếng kẻng hối hai...gấp gáp và thúc dục. Con đường trở mình trong đêm tối tàn cây dưới ánh trăng vằng vặc. Thiếu úy Chính đập khẽ vào tay tôi và thoảng trong đêm tiếng động cơ xe như êm ái đi qua.. Nhìn chiếc địa bàn vừa bật nắp...chính xác từ hướng Đông nhưng còn chờ  xem nó di chuyển về đâu? Tự nhiên tôi thèm một điếu thuốc và chắc chắn phải chịu đựng trong tình huống này. Ngoài kia có tiếng động nặng như vật gì đập vào lòng đất cùng xen kẽ cười đùa không e ngại và tiếng động cơ xe mỗi lúc một rõ giờ như ngấm vào lòng đất được cảm nhận bắng hai mông đã ngồi lâu. Tôi thay đổi thế ngồi dựa lưng vào chiếc ba lô tựa gốc cây và cởi dây nịt đạn cho chút thoải mái. Doãi hai chân bị tê theo thế nửa nằm nửa ngồi...Toán chúng tôi đang đánh giặc bằng tai và cận chiến với muỗi. Thời gian cứ thế trôi dần cùng trăng ngã mầu trắng ngà tròn lẳn...Tiếng động cơ xe giờ nghe rất rõ gấn như sắp hòa cùng tiếng người đang làm việc trên con đường. Có ai gọi nhau bên dưới và nổi lên giọng ốn ào vui tươi với ánh sáng lướt nhanh rồi mờ đi đục ngầu khắp cả một vùng. Bóng của chiếc xe đầu tiên hiện ra rõ theo ánh đèn của chiếc theo sau với hàng cây phủ nhẩy múa lắc lư nhịp điệu. Và hàng cây bên dưới di chuyển cùng xe nhưng không che phủ hết con người cùng lộ ra những cái nón cối lầm lũi theo bên. Thiếu úy Bửu Chính cạnh tôi ôm mặt liên tiếp hắt hơi vào cánh tay áo...hắn đang dị ứng bởi cái lạnh đêm rừng. Chiếc xe thứ ba vừa ngang qua...dưới ánh đèn không mấy sáng của xe nhưng lộ rõ những người gồng gánh hai bên và thiếu những hàng lá cây nhẩy múa. Tôi đổi lại thế ngồi lần này hơi nghiêng về phía con đường để quan sát và Bửu Chính cũng hết hắt hơi đang gầm gừ sửa lại cuống họng. Một chiếc xe nữa đang tới dưới ánh trăng có chỗ đốm to rồi chợp khép chợt hiện. Thời gian bò chậm cùng gió lạnh lúc vi vu khi vù vù. Tiếng của thú rừng ngoài xa thi thoảng trong không gian thở dài cùng đêm khó ngủ. Và trong ánh trăng ngã mầu xế hẳn về Tây màn hình bên dưới vẫn hiện lên cảnh nhộn nhịp lớp lớp bước chân. Cơn buồn ngủ chợt kéo đến theo tiếng ngáp hãm thanh. Bửu Chính nhìn tôi ghé tai nói khẽ "ngủ thì ngủ đi...để tớ canh cho."  Tôi dùa người nằm soãi...mặt quay hẳn vào bóng cây tối vì biết rằng dưới kia ngoài cảnh cũ không còn cảnh gì khác lạ diễn ra nơi con đường.
-Thi hành giai đoạn hai thám thính khu vực. Toán đã đến được bìa rừng...Ngoài kia đồng cỏ rồi lại đến rừng và khoảng trống chạy dài xuống trũng. Trời đã nhá nhem tối và cũng vừa xong bữa cơm chiều. Chúng tôi đi tìm gốc cây thích hợp để qua đêm. Khu vực yên tĩnh một cách kỳ lạ...Trong ngày Toán cũng đã phát hiện nhiều dãy nhà lá bỏ trống không một bóng người và những cộng sự phòng thủ có dấu tích chưa cũ nhất là những củi khô vết chặt chưa bị đen mốc...chứng tỏ địch quân mới di chuyển. Tình hình cho chúng tôi vẻ lạc quan nhưng lực lượng hậu cần của địch đôi khi cũng tỏ ra nguy hiểm. Châu và Bửu Chính đã tìm được chỗ ngủ đêm cùng lúc với ánh trăng xế trên tầng cây. Trái mìn phòng thủ được gài cũng là phương hướng đào thoát một khi Toán bị địch tấn công...Biệt kích luôn sắp sẵn và phải thích ứng trước mọi tình huống.
-Tiếng của chiếc Covey (Tiền không sát) theo sau lũ gà rừng vẫn gáy vang và chúng tôi đều biết rằng theo đúng kế hoạch hành quân sáng nay chỉ uống cà phê nhưng không cấn nước đổ gạo. Tôi mở máy và tiếng gọi của Covey đang réo. Trả lời và nhận lệnh...Gấp rút di chuyển ra bìa rừng. Trung sĩ Lê Nam gỡ xong trái mìn. Trời mờ sáng và tiếng trực thăng đã thoáng nghe. Covey vừa báo cho tôi phải cần thận vì thông thường mọi khoảng trống đều có quân địch canh gác. Cơn gió hiu lạnh đẩy lùi mọi gốc cây và Toán đã đứng cùng đám cỏ tranh. Hai Cobra đã đến đang bay vòng lại. Lệnh triệt xuất được Covey đưa ra và Châu bắt đầu chớp panel mầu vàng theo đúng mật lệnh hành quân nếu không muốn bị bắn lầm! Covey báo đã nhận rõ cùng lúc bốn chiếc Huey đã tới...Một chiếc đáp ngay xuống bãi theo sau chiếc Cobra hộ tống vụt bay.Toán nhanh chóng lên tầu và dần lên cao trong sự ngơ ngác của khu rừng cũng như địch quân còn đang ngủ.

-Bước qua năm 1971. CCN lại đổi tên thành Task Force 1 (TF1) Ban cố vấn đặc nhiệm 1. Mục đích vẫn là bí mật công tác. Những chiếc mũ beret xanh được người Mỹ cất vào trong rương và toàn Trại họ đội mũ lưỡi trai đeo phù hiệu MACV thay cho phù hiệu Lực lượng đặc biệt Mỹ.. Chiến tranh đến hồi quyết liệt theo sự bỏ ngõ và "đi đêm" của chính quyền Mỹ. Kế hoạch OP35 có ba căn cứ. Ngoài CCN ở Đànẵng còn có CCC ở Kontum và CCS ở Buôn mê thuột. Nay trở thành TF1, TF2, TF3 Đànẵng, Kontum, Buôn mê thuột. Đứng trước tình hình khó khăn càng ngày chồng chất nhưng hoạt động của đơn vị vẫn đều những bước chân đi...để không tránh khỏi tổn thất đáng kể kèm theo. Sự chiến đấu trong đơn độc đã là hãnh diện thực sự cho sắc lính Biệt kích. Nhu cầu bị cắt xén nhưng cấp cao vẫn đòi hỏi khả năng của đơn vị. Quân đội Mỹ dần rút quân khỏi Việt nam và tiến trình hòa đàm đang được đẩy mạnh. Thế yếu của miến Nam Việt nam lộ rõ chỉ còn là tự vệ trong vai trò thứ yếu. Toán đang trong thời gian bổ xung quân số. Thiếu úy Bửu Chính đi Kontum (TF2) nhận nhiệm vụ mới...Chuyến hành quân vừa qua Toán Hải Sơn chúng tôi Phùng, Sơn, Mẫn tử trận không lấy được xác và Toán Hải Điểu bên cạnh cũng bị thương tan tác với Toán trưởng Nguyễn Dứa hy sinh. Chuyến hành quân này kéo theo cái chết của Đại úy Nguyễn cao Vỹ, sĩ quan Tiền không sát hy sinh cùng chiếc Covey khi bay tìm một Toán viên thất lạc. Bên phía các Toán Mỹ còn thê thảm hơn...Họ mất nguyên cả vài Toán và tan tác, mất tích, thương vong là chuyện thường. Người bạn tôi Trung sĩ Bookout cũng không lấy được xác...đây là chuyến thứ hai anh ta phục vụ tại Việt nam. Vấn đề cấp bách hiện nay là quân số. Đại đội Thám sát (Recon Company) nay chỉ còn khoảng chưa đến ba mươi Toán Thám sát. Tình trạng đào ngũ luôn diễn ra sau những nghỉ phép. Hai Đại đội xung kích (Hatchet Force) chỉ có thể mở được những cuộc hành quân cấp Trung đội vì thiếu phương tiện. Địa bàn trách nhiệm hoạt động của đơn vị...hàng ngày hay nói đúng hơn từng giây phút các máy dò điện tử cho thấy sự hoạt động của quân Bắc việt ồ ạt di chuyển. Tại Trung tâm hành quân (TOC) các sĩ quan phần nhiều lúc này đánh giặc bằng cây bút chì mỡ trên bản đồ tác chiến vì Không quân bị Washington trói buộc và Quảng trị được tiên đoán là mục tiêu của Bắc việt. Để giữ thế quân bình Quân lực Việt nam Cộng hòa mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 vào các cứ điểm của địch trên đất Lào trong hệ thống đường mòn Hố chí Minh dưới sự bảo đảm trợ giúp của Không quân Mỹ. Để yểm trợ cho cuộc hành quân này TF1 đã gia tăng hoạt động Thám sát trong nhiều khu vực liên quan, làm kế nghi binh, đặt máy dò và nhất là thu âm đường dây điện thoại...Một căn cứ xuất phát mới được thành lập tại phi trường Chu lai để thả Toán xâm nhập vùng A sầu giáp giới Lào cốt để yểm trợ cho Lam sơn 719. Căn cứ xuất phát mới này hoàn toàn dành riêng cho các Toán Việt nam thuộc Nha kỹ thuật nhưng dĩ nhiên vẫn phương tiện và điều hành của người Mỹ.
-Mùa mưa qua đi. Sau lễ Giáng sinh. Từ khu cấm trại ở sát bên nhà kho. Toán Hải Sơn nhận lệnh hành quân...Nhìn cảnh tượng thu dọn...chất đồ đạc lên xe đang diễn ra tại nhà kho Trại sát bên. Một phút nào đó trong khu cấm nhìn cảnh ấy chân tôi như muốn chôn xuống đất. Cảm tưởng ê chề cho người ở lại trước sự ra đi như trốn chạy của những người chưa tròn trách nhiệm...Tất cả cúi đầu cam chịu!  Trận chiến tại Quảng trị đang diễn ra khốc liệt. Căn cứ xuất phát Quảng trị (MLT2) dẹp tiệm rồi đến đài Hickory...Trung tâm Bắc tác chiến điện tử của Trại...tiền đồn 950 mét này bao quát cả vùng Khe sanh đã sống lâu nhờ vào địa thế hiểm trở nay cũng rút lui. Chiến tranh bước vào bàn hội nghị việc đầu tiên là tranh nhau ở thế bàn tròn bàn vuông trước khi nói chuyện. Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng nhiều phong trào chống đối cuộc chiến tất tật nổi lên dành cho Bắc việt những lợi thế chính trị quá rõ để trực tiếp đưa ra những yêu sách...Một lần nữa Hoa kỳ lại thất bại trước anh Cộng sản!
-Mùa Hè 1972. Những trận đánh long trời diễn ra tại Quảng trị. Cổ thành Quảng trị đang được nói đến cùng những vũ khí mới của Không quân Mỹ được sử dụng. Có đơn vị cấp Trung đoàn quân Bắc việt bị tận diệt nhưng Bắc việt quyết tâm phải chiếm lấy cái đầu tàu để theo tình hình mới...đại quân trực tiếp vượt sông Bến hải mở đầu cho cuộc Tổng tiến công. Trong lúc chiến cuộc bùng phát TF1 lại dần trở thành ngôi nhà hoang khi mà nhà kho Trại được thu dọn trống rỗng...Hai Đại đội Hatchet Force Nùng và Thượng giải tán...Trực thăng đưa họ về tận làng...Đại đội Thám sát được sát nhập vào Nha kỹ Thuật trừ những thành phần có gốc dân tộc thiểu số. Biệt kích quân sau khi lãnh tháng lương cuối (gấp ba lần lương tháng) Họ được gia nhập vào Nha kỹ Thuật. Quân lực Việt nam Cộng hòa và đống nhất trở thành Binh nhì trực thuộc Sở Liên Lạc, Nha kỹ Thuật. Với tên gọi mới là Đoàn 1 Liên lạc thay cho Chiến đoàn 1 Xung kích có từ khi kế hoạch OP 35. Ngày 30 tháng 04 năm 1972 người Mỹ bàn giao Trại cho Nha kỹ Thuật chấm dứt chương trình OP35. Đơn vị Đoàn 1 sẵn sàng đối mặt với cuộc chiến trong cái tên gọi "Mùa Hè đỏ lửa" và được điều động tăng cường cho Đoàn 2 Liên lạc trên Kontum...Tây nguyên lúc này thật sự đang lửa đỏ.